Nếu Chính sách tiền tệ là công cụ để FED thúc đẩy việc làm tối đa, bình ổn giá cả và lãi suất vừa phải trong dài hạn thì Bảng cân đối kế toán chính là cơ sở để FED thực hiện mục tiêu đảm bảo sự ổn định cho hệ thống tài chính của quốc gia. Theo đó, FED có quyền quyết định loại tài sản mà FED sẽ nắm giữ và nên mở rộng hay thu hẹp các loại tài sản đó để hỗ trợ hoặc kìm hãm nền kinh tế của mình.
Sự thay đổi trong Bảng cân đối kế toán của FED không chỉ là mối quan tâm của các doanh nghiệp tại Mỹ, của mỗi người dân Hoa Kỳ mà nó còn tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ và do đó nó ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của các bạn, là những nhà đầu tư, nhà giao dịch trên các thị trường này.
Trong chuyên mục lần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về Bảng cân đối kế toán của FED, cách mà FED tác động đến công cụ này để điều hành nền kinh tế và tầm quan trọng của nó đến nhà đầu tư, nhà giao dịch trên các thị trường tài chính.
Bảng cân đối kế toán của FED là gì?
Bảng cân đối kế toán của FED có tên tiếng Anh là đầy đủ là The Federal Reserve’s balance sheet. Cũng giống như bất kỳ một bảng kế toán nào của các doanh nghiệp thì Bảng kế toán của FED là một báo cáo tài chính, cung cấp các thông tin về tất cả các loại tài sản và nợ phải trả của Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ.
Bảng cân đối kế toán của FED được công bố mỗi tuần, thường là vào chiều Thứ Năm, khoảng 4:30 chiều theo giờ Mỹ. Bảng cân đối kế toán là một trong những nội dung được bao gồm trong Bản phát hành thống kê H.4.1 của FED.
Bản phát hành thống kê H.4.1 có tên gọi là “Các yếu tố ảnh hưởng đến số dư dự trữ của các tổ chức lưu ký và Tuyên bố điều kiện của các ngân hàng dự trữ liên bang”. Bản phát hành này trình bày bảng cân đối kế toán của từng Ngân hàng Dự trữ Liên bang, bảng cân đối hợp nhất cho tất cả 12 Ngân hàng Dự trữ, một tuyên bố liệt kê các yếu tố ảnh hưởng đến số dư dự trữ của các tổ chức lưu ký và một số bảng khác trình bày thông tin về tài sản, nợ và cam kết của các Ngân hàng Dự trữ Liên bang.
Bảng cân đối kế toán của FED chứa rất nhiều thông tin về quy mô và phạm vi hoạt động của FED. Những người tham gia vào các thị trường tài chính thường nghiên cứu kỹ diễn biến bảng cân đối kế toán của FED để hiểu rõ hơn các chi tiết quan trọng liên quan đến việc thực hiện chính sách tiền tệ. Và trong những năm gần đây, việc triển khai một số cơ sở cho vay mới để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính đã làm tăng tính phức tạp của Bảng cân đối kế toán, dẫn đến sự quan tâm nhiều hơn của công chúng đối với công cụ này
Tổng tài sản của FED tính đến ngày 17/04/2023 là 8,593,263 triệu USD.
Tài sản và nợ phải trả của FED bao gồm những gì?
Tài sản của FED
Nói một cách dễ hiểu thì bất cứ thứ gì mà FED đang nắm giữ và mua thêm vào chính là tài sản của FED. Bất cứ thứ gì Cục Dự trữ Liên bang mua đều là tài sản. Và vì FED có nguồn cung cấp tiền không giới hạn để mua tài sản, do đó, quy mô của Bảng cân đối kế toán chỉ bị hạn chế bởi sự sẵn có của các tài sản đủ điều kiện (tức giới hạn của những tài sản mà FED được mua vào) cũng như các cân nhắc thực tế về chính trị và các chính sách kinh tế khác.
Những tài sản mà FED nắm giữ bao gồm: trái phiếu kho bạc, chứng khoán cho đại lý vay theo cơ sở cho vay qua đêm, chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp; các khoản cho vay chiết khấu đối với các tổ chức nhận tiền gửi, tài sản của các công ty trách nhiệm hữu hạn đã được hợp nhất vào bảng cân đối kế toán, ngoại tệ liên quan đến các thỏa thuận tiền tệ đối ứng với các ngân hàng trung ương khác… và các loại tài sản khác. Trong đó, chứng khoán kho bạc và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp là 2 loại tài sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Bảng cân đối kế toán của FED.
Chứng khoán kho bạc
Chứng khoán kho bạc, bao gồm chủ yếu là kỳ phiếu và trái phiếu kho bạc, là loại tài sản chiếm phần lớn nhất trong Bảng cân đối kế toán của FED, chiếm 5,265,070 triệu USD trong tổng 8,643,408 triệu USD tài sản của FED tính đến ngày 19/04/2023.
Chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp
Là loại chứng khoán cho phép người mua nhận được thu nhập từ các khoản vay thế chấp, là loại tài sản lớn thứ hai tính theo giá trị trên Bảng cân đối kế toán của Fed. Các chứng khoán có thu nhập cố định này được các ngân hàng và tổ chức tài chính tạo ra và bán cho các nhà đầu tư, bao gồm cả các doanh nghiệp được chính phủ tài trợ như Fannie Mae và Freddie Mac và Ginnie Mae. FED sở hữu 2,593,042 triệu USD chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp tính đến ngày 19/04/2023
Nợ phải trả của FED.
Tiền tệ trong lưu thông, thậm chí kể cả tiền trong túi của mỗi người dân Mỹ đều là nợ phải trả của FED. Khoản này chiếm tỷ lệ cao thứ ba trong Bảng cân đối kế toán của FED, 2,323,062 triệu USD trong 8,643,408 triệu USD tổng nợ phải trả của FED tính đến ngày 19/04/2023.
Đứng thứ hai trong hạng mục nợ phải trả của FED chính là các thỏa thuận mua lại đảo ngược (hay Repo ngược). Chúng là các khoản vay của Kho bạc từ các đối tác thương mại, được sử dụng để giữ lãi suất quỹ liên bang trong phạm vi mục tiêu của Fed. Giá trị của các Repo ngược này trên Bảng cân đối kế toán ngày 19/04/2023 là 2,666,343 triệu USD.
Và một loại nợ phải trả quan trọng nữa của FED chính là các khoản tiền gửi mà hàng nghìn tổ chức lưu ký, Kho bạc Hoa Kỳ và các tổ chức khác nắm giữ trong tài khoản tại các Ngân hàng Dự trữ Liên bang. Đó chính là hạng mục đang dẫn đầu trong tổng số nợ phải trả của FED, 3,636,015 triệu USD.
Các thông tin đáng chú ý trong Bản phát hành thống kê H.4.1
Bảng cân đối kế toán của FED chỉ là một thành phần của Bản phát hành thống kê H.4.1. Trong Bản phát hành này còn những loại thông tin quan trọng khác, được quan tâm nhiều bởi những nhà quyết định chính sách và cả giới đầu tư, bên cạnh Bảng cân đối kế toán.
Bản phát hành thống kê H.4.1 có tất cả 12 bảng, nhưng không phải tất cả chúng đều được quan tâm một cách đặc biệt. Có 3 bảng cung cấp các thông tin quan trọng, được người xem chú ý và tập trung phân tích nhiều nhất, đó là Bảng 1, Bảng 1.A và Bảng 5.
Bảng 1 với tên gọi “Các yếu tố ảnh hưởng đến số dư dự trữ của các tổ chức lưu ký”
Bảng 1 của bản phát hành H.4.1 bao gồm hai trang và trình bày chi tiết về các yếu tố cung cấp và hấp thu (tức làm thay đổi: tăng hoặc giảm) số dư dự trữ, cũng như cấp độ về số dư dự trữ (là tiền mà các tổ chức nhận tiền gửi giữ tại Cục Dự trữ Liên bang để đáp ứng yêu cầu dự trữ bắt buộc). Bảng 1 không phải là Bảng cân đối kế toán của FED, nhưng các thành phần trong bảng 1 chính là những hạng mục được trình bày chi tiết nhất của các thành phần có trong Bảng cân đối kế toán.
Dữ liệu chi tiết về số dư dự trữ và cấp độ của nó chính là thông tin quan trọng để chúng ta có thể hiểu được tác động của hoạt động thị trường mở đối với Bảng cân đối kế toán và với nền kinh tế. Đơn giản vì yêu cầu dự trữ bắt buộc là một trong 3 công cụ quan trọng của Chính sách tiền tệ. Ở thời điểm hiện tại thì bảng 1 được quan tâm nhất vì nó trình bày chi tiết về các tài sản mà FED đang nắm giữ, đồng thời được đính kèm thời gian đáo hạn của những tài sản này (được công bố trong Bảng 2). Biết được FED đang nắm giữ tài sản nào và thời gian đáo hạn ra sao, những nhà phân tích sẽ dự đoán được xu hướng biến động của Bảng cân đối kế toán khi FED tác động trực tiếp vào những tài sản này.
Bảng 1A với tên gọi “Mục ghi nhớ”
Mặc dù Bảng 1A trình bày các mục không ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản và nợ phải trả của FED, nhưng chúng lại có liên quan đến những hoạt động phản ánh được vai trò quan trọng của FED đối với nền kinh tế. Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York chính là cơ quan giám sát việc nắm giữ chứng khoán thay mặt cho các tổ chức quốc tế hoạt động trong nước và các tổ chức ở nước ngoài. Những người tham gia vào các thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, thường phân tích những dữ liệu này để đánh giá nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài đối với chứng khoán trong nước và trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ, từ đó phần nào xác định được xu hướng biến động của thị trường chứng khoán. Bảng này cũng trình bày thông tin về chứng khoán được FED cho vay theo các chương trình cho vay chứng khoán. Phần này cũng quan trọng vì nó là một phần trong hoạt động thị trường mở của FED. FED cho vay chứng khoán từ danh mục chứng khoán Kho bạc và chứng khoán nợ của các đại lý chứng khoán liên bang để thúc đẩy việc giao dịch hiệu quả và gia tăng tính thanh khoản trên thị trường đối với các chứng khoán này.
Bảng 5 với tên gọi “Tuyên bố hợp nhất về tình trạng của tất cả các Ngân hàng dự trữ liên bang”
Bảng 5 chính là Bảng cân đối kế toán của FED.
Bảng này bao gồm 2 trang, trang đầu tiên trình bày tất cả các tài sản mà FED đang nắm giữ (hình trên), trang thứ hai trình bày các khoản nợ của FED (hình dưới).
Trang đầu tiên của bảng 5 trình bày tài sản mà FED đang nắm giữ. Các tài sản được liệt kê phần lớn song song với các yếu tố làm gia tăng số dư dự trữ từ bảng 1. Trang thứ hai trình bày các khoản nợ của Cục Dự trữ Liên bang, trong đó, tiền tệ của Hoa Kỳ – là khoản nợ đầu tiên được liệt kê và trong lịch sử, nó là khoản nợ lớn nhất, nhưng hiện giờ vị trí đó đã bị thay thế bởi các khoản tiền gửi của hàng nghìn tổ chức lưu ký, Kho bạc Hoa Kỳ và các tổ chức khác. Các tổ chức lưu ký duy trì số dư tiền gửi tại Cục Dự trữ Liên bang, và những số dư này được báo cáo dưới dạng tiền gửi có kỳ hạn do tổ chức lưu ký nắm giữ hoặc các khoản tiền gửi khác do tổ chức lưu ký nắm giữ. Số dư trong tiền gửi có kỳ hạn là riêng biệt và khác biệt với số dư trong tài khoản chính; số dư được giữ trong tiền gửi có kỳ hạn không thể được sử dụng để đáp ứng yêu cầu số dư dự trữ hoặc thanh toán rõ ràng.
Bảng cân đối kế toán của FED quan trọng như thế nào?
Bảng cân đối kế toán của FED rất quan trọng vì các nhà hoạch định chính sách sẽ sử dụng nó để tác động đến lãi suất dài hạn. Khi muốn kích thích nền kinh tế, FED sẽ tăng lượng tiền vào lưu thông bằng cách mua thêm tài sản và mở rộng danh mục tài sản của mình. Khi muốn hạn chế sự tăng trưởng quá mức, FED sẽ thu hẹp bảng cân đối kế toán.
Bảng cân đối kế toán đã thu hút sự chú ý của công chúng kể từ cuộc Đại suy thoái 2008. Vào tháng 11/2008, Chủ tịch FED khi đó là Ben Bernanke phải đối mặt với một cơn hoảng loạn tài chính. FED đã giảm lãi suất xuống gần như bằng 0, nhưng quyết định đó vẫn chưa đủ để cứu vớt một nền kinh tế đang chịu tình trạng hỗn loạn tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái.
Để tiếp thêm động lực cho hệ thống tài chính, FED đã chuyển sang các biện pháp độc đáo và chưa từng có trong lịch sử, đó là FED bắt đầu mua trái phiếu kho bạc dài hạn, công cụ nợ của cơ quan liên bang và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp để mở rộng tín dụng cho việc mua nhà và hỗ trợ nền kinh tế. Đó chính là biện pháp mà FED sử dụng để hạ lãi suất dài hạn mà không phải trực tiếp kiểm soát bằng lãi suất chiết khấu quỹ liên bang. Biện pháp này kích thích nhiều hơn cho nền kinh tế, khuyến khích công chúng vay nhiều và các tổ chức tín dụng cho vay nhiều hơn.
Các giao dịch mua tài sản này của FED được các chuyên gia tài chính gọi là “nới lỏng định lượng (Quantitative easing)” viết tắt là QE.
Quá trình này khiến bảng cân đối kế toán mở rộng quá mức đến nỗi được mô tả là bị phình to. Vào tháng 8/2007, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, Bảng cân đối kế toán của FED có tổng trị giá khoảng 870 tỷ đô la. Đến tháng 1/2015, sau khi những giao dịch mua tài sản quy mô lớn đó diễn ra, Bảng cân đối kế toán của FED đã tăng lên 4,5 nghìn tỷ đô la.
Sau giai đoạn đó thì FED đã tiếp tục thực hiện các hoạt động mua tài sản với quy mô mở rộng đáng kể trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái ở giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, mua 1,7 nghìn tỷ USD chứng khoán Kho bạc giữa tháng 3 và cuối tháng 6 năm 2020.
Trên thực tế thì việc sử dụng Bảng cân đối kế toán của FED thông qua nới lỏng định lượng đã gây ra không ít tranh cãi. Mặc dù đó là những nỗ lực rõ ràng nhằm hỗ trợ giảm bớt các vấn đề thanh khoản của ngân hàng, nhưng các nhà phê bình kinh tế cho rằng QE là một trở ngại lớn vì bản chất các hoạt động mua tài sản lớn một cách có chủ ý đã bóp méo các nguyên tắc của thị trường tự do. Việc can thiệp của FED hay Chính phủ có thể sẽ gây ra những bất lợi trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn đến các thị trường tài chính và ngày nay, những vấn đề đó vẫn đang được làm rõ.
Kenneth Kuttner, giáo sư kinh tế tại Đại học Williams, người đã nghiên cứu về chính sách tiền tệ phi truyền thống, cho biết, trước những biện pháp mở rộng Bảng cân đối kế toán của FED, công chúng dường như đã không còn quan tâm nhiều đến tình hình tài chính của FED.
Kuttner cũng nói rằng, QE đã thay đổi tất cả và việc xem Bảng cân đối kế toán của FED là điều nhàm chán nhất thế giới.
Lời kết
Bảng cân đối kế toán của FED có thể quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách, tất nhiên nó cũng chính là cơ sở và cũng là công cụ để FED đưa ra các quyết định tác động đến nền kinh tế và hệ thống tài chính quốc gia. Bảng cân đối kế toán của FED cũng quan trọng đối với người tiêu dùng, nhà đầu tư trên các thị trường tài chính Hoa Kỳ vì các hoạt động của FED làm thay đổi Bảng cân đối kế toán, đặc biệt là QE sẽ tác động trực tiếp đến túi tiền và các danh mục đầu tư của họ.
Nhưng với một nhà đầu tư, nhà giao dịch trên các thị trường tài chính quốc tế như forex chẳng hạn, mặc dù những động thái của FED làm thay đổi Bảng cân đối kế toán sẽ tác động đến giá trị đồng USD, từ đó tác động đến giá cả trên thị trường, nhưng việc xem và đọc các dữ liệu có trong Bảng cân đối kế toán hay Bản phát hành thống kê H.4.1 trên thực tế không quan trọng và cũng không được quan tâm nhiều như các dữ liệu kinh tế khác, chẳng hạn như lạm phát, quyết định lãi suất, hay dữ liệu việc làm của Bản tin Nonfarm…