Breakout là một khái niệm quen thuộc và khá quan trọng đối với trader trên các thị trường tài chính như chứng khoán, ngoại hối hay tiền điện tử. Breakout là một hiện tượng phá vỡ của giá khi nó chuyển động trên thị trường, đồng thời cũng là tên của một chiến lược giao dịch mà tại đó, các trader tận dụng những sự phá vỡ này của giá để tìm kiếm lợi nhuận.
Chiến lược giao dịch với breakout chưa bao giờ là đơn giản và dễ dàng, những người thành công với chiến lược này thường là những nhà giao dịch chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, là một trader mới, các bạn vẫn hoàn toàn có thể thành công nếu tìm hiểu về nó một cách tường tận, luyện tập thật nhiều và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.
Vậy breakout là gì, làm sao để nhận biết breakout trên thị trường và làm cách nào để hạn chế rủi ro khi giao dịch với breakout?… hãy cùng kienthucforex.com tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Breakout là gì? Các dạng breakout trên thị trường.
Breakout là gì?
Breakout là hiện tượng giá phá vỡ khỏi một vùng giá quan trọng mà nó đã duy trì trong vùng giá đó một khoảng thời gian nhất định trước đó. Sau khi giá breakout thành công, thị trường có xu hướng đi theo chiều hướng phá vỡ của giá.
Vùng giá quan trọng mà thị trường duy trì một khoảng thời gian trước khi xảy ra hiện tượng breakout thường là những đợt tích lũy đi ngang, vùng giá giới hạn bởi trendline của xu hướng tăng hoặc giới hạn bởi trendline của xu hướng giảm hay các vùng giá tích lũy theo một số những hình dáng nhất định nào đó… sau khi breakout xảy ra thành công, thị trường có xu hướng bức phá mạnh mẽ theo hướng phá vỡ, có thể là một cú đảo chiều ngoạn mục, cũng có thể là tiếp diễn xu hướng hiện tại nhưng với lực mạnh hơn, bức phá hơn.
Những nhà giao dịch theo chiến lược breakout sẽ tận dụng sự bứt phá mạnh mẽ này để mang về lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, không phải cú breakout nào cũng có lực đủ mạnh để tạo thành một xu hướng mới, cũng không phải sự phá nào cũng diễn ra thành công. Đây là rủi ro mà các trader thường xuyên gặp phải khi giao dịch với chiến lược này.
Breakout xảy ra đối với mọi loại tài sản được giao dịch trên thị trường và trên mọi khung thời gian khác nhau, vì vậy, chiến lược giao dịch breakout phù hợp với mọi phong cách nhà đầu tư, từ scalping, day trading, đến swing trading hay position trading.
Các dạng breakout trên thị trường.
Mặc dù được hiểu chung là hiện tượng phá vỡ của giá khỏi một vùng giá quan trọng nhưng breakout được hình thành trên thị trường ở nhiều dạng khác nhau, phụ thuộc vào đặc điểm của vùng giá quan trọng trước đó và diễn biến của quá trình breakout. Mỗi dạng breakout sẽ có những đặc điểm khác nhau, tỷ lệ phá vỡ thành công khác nhau và chiến lược giao dịch được áp dụng cũng khác nhau.
- Breakout khỏi vùng tích lũy đi ngang
Vùng tích lũy đi ngang hoặc nghiêng được hình thành khi các phe mua hoặc bán đang trong giai đoạn tạm nghỉ để củng cố lực lượng trước một sự bức phá mới. Giá phá vỡ khỏi vùng tích lũy này nghĩa là nó đã vượt ra khỏi giới hạn của ngưỡng hỗ trợ để đi xuống hoặc vượt khỏi ngưỡng kháng cự để đi lên.
Ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự có lực cản mạnh khi giá ít nhất 3 lần chạm ngưỡng và quay đầu. Khi giá breakout khỏi các mức cản càng mạnh thì lực phá vỡ càng cao.
- Breakout khỏi trendline của xu hướng
Đường trendline dưới của xu hướng tăng đóng vai trò như một ngưỡng hỗ trợ mạnh, ngược lại, đường trendline trên của xu hướng giảm đóng vai trò như một ngưỡng kháng cự mạnh. Khi giá breakout khỏi các ngưỡng quan trọng này, thị trường có xu hướng đảo chiều.
Sau một xu hướng tăng/giảm dài hạn hoặc một đoạn xu hướng tăng/giảm trung hạn hay một đợt sóng tăng/giảm trong ngắn hạn, thị trường sẽ di chuyển chậm lại một chút do xu hướng hiện tại đang dần yếu đi hoặc đơn giản chỉ là tạm nghỉ, lúc này, phe còn lại ra sức tấn công, tạo nên các đợt breakout mạnh mẽ. Kết quả là xu hướng hiện tại bị đảo chiều hoặc hình thành một đợt điều chỉnh mới trước khi tiếp tục xu hướng cũ.
Cũng trong nhiều trường hợp, giá breakout đường trendline trên của xu hướng tăng (lúc này đóng vai trò như một ngưỡng kháng cự) và hình thành một xu hướng tăng mới có đường trendline với độ dốc mới. Tương tự, giá breakout đường trendline dưới của xu hướng giảm (lúc này đóng vai trò như một ngưỡng hỗ trợ) và hình thành một xu hướng giảm mới có đường trendline với độ dốc mới.
Ví dụ: breakout đảo chiều xu hướng chính
Ví dụ: breakout hình thành đợt điều chỉnh thị trường
- Breakout khỏi các mô hình giá
Mô hình giá (price pattern) là một trong những công cụ quan trọng của trường phái phân tích hành động giá price action.
Đa số các mô hình giá là đại diện cho những đợt tích lũy của thị trường, nhưng không đơn thuần là những đợt tích lũy đi ngang mà vùng tích lũy sẽ có những hình dáng rất đặc biệt như hình tam giác, chữ nhật, lá cờ, cái nêm…
Khi giá breakout khỏi những mô hình này, nó sẽ đi theo một hướng nhất định và thường mang về tỷ lệ lợi nhuận cao cho nhà giao dịch.
Tham khảo: Price action là gì? Tìm hiểu về phương pháp price action toàn tập.
Ví dụ: giá breakout mô hình tam giác giảm
Thị trường đang trong xu hướng tăng, sau đó di chuyển chậm dần và tích lũy thành một vùng giá hình tam giác. Đây là mô hình giá Tam giác giảm (Descending Triangle, đường kháng cự dốc xuống và đường hỗ trợ đi ngang).
Mô hình giá Tam giác không cho tín hiệu chính xác thị trường sẽ đi theo hướng nào sau khi giá breakout ra khỏi mô hình. Trong mô hình giá Tam giác giảm, khi hình thành vùng tích lũy, giá tạo các đỉnh thấp hơn, đáy vẫn duy trì ở ngưỡng hỗ trợ chứng tỏ phe bán dường như đang chiếm ưu thế hơn. Theo nghiên cứu của Kirkpatrick C.D & Dahlquist J.R thì xác suất để giá breakout theo hướng đi xuống sẽ cao hơn so với đi lên theo tỷ lệ tương ứng là 64%:36%, tuy nhiên, tình huống trên đã rơi vào trường hợp xác suất thấp hơn khi giá đã phá vỡ theo hướng đi lên và thị trường tiếp tục tăng giá ngay sau đó.
Tại sao chiến lược giao dịch breakout lại rủi ro? Breakout giả là gì?
Giao dịch breakout có khả năng mang về lợi nhuận cao do giá thường bức phá mạnh mẽ sau đợt breakout. Tuy nhiên, quan trọng là giá có breakout thành công hay không. Mặc dù giá đã vượt ra khỏi các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự nhưng ngay sau đó lại lập tức quay trở về vùng giá trước và duy trì trong đó một thời gian nữa hoặc phá vỡ thành công ở hướng ngược lại, điều này khiến các trader tưởng rằng giá đã breakout thành công và vào lệnh ngay nhưng kết quả nhận lại khá ê chề.
Hiện tượng giá breakout không thành công nói trên chính là breakout giả, false breakout hay fakeout.
Sở dĩ chiến lược giao dịch breakout rủi ro hơn so với những chiến lược khác vì thị trường thường xuyên xảy ra các đợt breakout giả hoặc giá đã breakout thành công nhưng lực bức phá không mạnh, giá không đi xa theo hướng phá vỡ khiến cho lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí giao dịch hoặc tỷ lệ risk:reward không tốt, không hiệu quả trong dài hạn.
Ví dụ 1: giá breakout giả vùng tích lũy đi ngang
Cây nến đỏ với thân nến khá dài phá vỡ ngưỡng hỗ trợ của vùng tích lũy đi ngang, nhưng ngay sau đó, giá quay đầu đi vào lại vùng tích lũy, sau một vài phiên giao dịch nữa, giá mới thật sự breakout đi lên thành công bằng cây nến xanh với thân nến rất dài. Nếu các bạn vào lệnh Sell ngay sau khi cây nến đỏ (false breakout bar) đóng cửa thì giao dịch đó đã bị thua lỗ.
Ví dụ 2: giá breakout giả trendline của xu hướng
Trong xu hướng giảm, giá đã 2 lần vượt ra khỏi đường trendline của xu hướng nhưng chỉ sau một vài phiên giao dịch thì lại trở ngược vào trong và tiếp tục xu hướng giảm, đó là 2 đợt false breakout của giá. Đến lần thứ 3, giá thật sự phá vỡ đường trendline dưới của xu hướng, lúc này đang đóng vai trò như một ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Lần breakout thành công này không làm đảo chiều xu hướng hiện tại nhưng lại bắt đầu cho một xu hướng giảm mới, với biên độ giảm mạnh hơn, đường trendline của xu hướng mới cũng dốc hơn.
Ví dụ 3: giá breakout thành công nhưng lợi nhuận thấp, rủi ro cao
Đầu tiên, giá breakout thành công đường trendline của xu hướng tăng, thị trường đảo chiều giảm. Tuy nhiên, lực phá vỡ không đủ mạnh khiến giá chỉ đi xuống một đoạn xong lại quay đầu đi lên. Nếu các bạn vào lệnh Sell tại điểm phá vỡ, sau đó chốt lời khi có tín hiệu đảo chiều tăng từ mô hình nến Bullish Engulfing thì lợi nhuận mang về không cao. Ngược lại, nếu các bạn không nhận ra tín hiệu đảo chiều mà tiếp tục giữ lệnh vì hy vọng giá sẽ đi xuống sâu theo hướng phá vỡ thì lệnh của bạn có thể đã bị quét stop loss bởi cây nến Doji, nếu các bạn đặt dừng lỗ ngay trên đỉnh cao nhất của xu hướng tăng trước đó.
Trong trường hợp này, sau khi phá vỡ thành công nhưng lực phá vỡ không mạnh, giá đã tiếp tục hình thành thị trường đi ngang sideway. Trong vùng sideway này, giá hình thành một đợt breakout giả khi cây nến xanh đóng cửa phía ngoài ngưỡng kháng cự. Nếu nôn nóng vào lệnh Buy khi cây nến này kết thúc, lệnh của bạn sẽ bị thua lỗ vì ngày sau đó, xuất hiện cây nến đỏ tạo thành mô hình đảo chiều giảm Tweezer Top.
Sau khi duy trì trong vùng sideway một thời gian nữa, giá hình thành mô hình nến Sao Hôm, cho tín hiệu đảo chiều giảm, các bạn có thể vào lệnh Sell tại đây để mang về lợi nhuận tối đa, hoặc nếu không, ngay sau đó, giá đã phá vỡ thành công ngưỡng hỗ trợ và giảm mạnh, vào lệnh Sell lúc này vẫn giúp bạn mang về lợi nhuận cao do lực phá vỡ mạnh, giá giảm rất sâu và độ dốc gần như thẳng đứng.
Dấu hiệu nhận biết breakout và false breakout
Điều quan trọng là làm thế nào để biết được giá sẽ breakout thành công hay làm sao để tránh được những đợt breakout giả.
Thứ nhất, mọi dự đoán đều không thể nào chắc chắn 100%. Ngay cả khi giá đã đóng cửa bên ngoài các ngưỡng giá quan trọng mà nó vẫn có thể quay đầu vào trong chỉ vài phiên sau đó. Mặc dù không thể dám chắc rằng giá sẽ breakout thành công 100% thì cũng sẽ có những dấu hiệu để các nhà giao dịch có thể nhận biết được xác suất để giá breakout thành công là cao hay thấp.
- Một, xác suất để giá breakout thành công thường đi kèm với khối lượng giao dịch cao.
Sự bức phá mạnh mẽ của một trong 2 phe mua hoặc bán sẽ được xác nhận bằng khối lượng giao dịch tại thời điểm đó so với khối lượng trung bình trong khoảng thời gian gần nhất trước đó. Nếu khối lượng giao dịch cao hơn nhiều so với mức trung bình thì khả năng cao là giá sẽ breakout thành công và ngược lại.
Khối lượng giao dịch cao chứng tỏ phe bán hoặc mua đã thực sự tham gia vào cuộc chiến một cách quyết liệt. Giá nhất định sẽ đi theo hướng của phe có lực mạnh hơn.
Đợt false breakout có khối lượng giao dịch không thay đổi nhiều so với trước đó, trong khi ở đợt breakout thành công, khối lượng giao dịch tăng một cách nhanh chóng.
Còn trong tình huống này, những tưởng giá sẽ breakout thành công vì sau khi nến đóng cửa phía dưới ngưỡng hỗ trợ, thị trường tiếp tục những phiên giảm giá liên tiếp. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm breakout, khối lượng giao dịch không những không tăng cao mà còn giảm so với những phiên giao dịch trước đó, kết quả là giá đã đi lên ngay sau đó là hình thành xu hướng tăng mới.
- Hai, sau khi breakout, giá thường sẽ quay trở lại các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự để retest trước khi đi theo hướng phá vỡ.
Các đợt retest của giá như một sự xác nhận breakout chắc chắn hơn. Trong thực thế, giá có thể retest lại các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự chỉ sau 1-2 phiên giao dịch rồi tiếp tục xu hướng phá vỡ, có khi thời gian retest sẽ lâu hơn và cũng có trường hợp giá retest hơn 1 lần trước khi chính thức đi theo xu hướng breakout. Và thông thường, các nhà giao dịch sẽ vào lệnh sau khi giá retest hơn là ngay tại lúc phá vỡ.
Tuy nhiên, cũng không ít các trường hợp sau khi breakout thì giá đi theo hướng phá vỡ ngay mà không retest lại, nếu các bạn chờ đợi đợt retest để vào lệnh thì có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội cơ hội vào lệnh tốt.
- Ba, tín hiệu breakout thường được xác nhận bởi các chỉ báo kỹ thuật.
Các trader thường sử dụng tín hiệu đảo chiều từ các chỉ báo kỹ thuật để xác nhận sự phá vỡ của giá. Một trong những tín hiệu được sử dụng nhiều nhất và mang lại hiệu quả cao chính là tín hiệu hội tụ, phân kỳ của các chỉ báo nhanh (leading indicators).
- Tín hiệu phân kỳ: khi giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước nhưng chỉ báo tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước.
- Tín hiệu hội tụ: khi giá tạo đáy sau thấp hơn đáy trước nhưng chỉ báo tạo đáy sau cao hơn đáy trước.
Trước khi giá breakout ngưỡng kháng cự thì xuất hiện tín hiệu hội tụ giữa giá và chỉ báo RSI, tín hiệu này dự báo giá sẽ đảo chiều tăng. Tín hiệu này đã xác nhận thêm khả năng breakout thành công của giá.
Trên thực tế, càng nhiều tín hiệu xác nhận breakout thì khả năng giá sẽ phá vỡ thành công càng cao, các bạn có thể sử dụng cả 3 tín hiệu trên để nhận dạng breakout trên thị trường.
Ngoài ra, để hạn chế rủi ro giao dịch với false breakout, các bạn cần xác định chính xác các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự của vùng giá tích lũy đi ngang hoặc vẽ chính xác các đường trendline của xu hướng. Có như vậy, việc nhận diện một breakout là thật hay giả sẽ có hiệu quả hơn. Có 2 việc mà các bạn cần lưu ý về vấn đề này.
- Không cố ép các đường xu hướng hay hỗ trợ/kháng cự theo ý của mình. Đó phải là những đường đi qua các đỉnh, các đáy và một mức cản mạnh phải đảm bảo có ít nhất 3 lần giá quay đầu tại các mức cản đó.
- Các đường hỗ trợ, kháng cự hay trendline được xác định bằng các mức giá đóng cửa chứ không phải giá cao nhất hay thấp nhất. Vì rất nhiều trường hợp false breakout được tạo thành từ các bóng nến. Và chỉ khi nào giá đóng cửa bên ngoài các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự thì các bạn mới nên tiếp tục xem xét về xác suất thành công của breakout, ngược lại, nếu chỉ có bóng nến vượt ra ngoài thì chúng ta nên bỏ qua và xem đó chắc chắn là một false breakout để hạn chế rủi ro.
Chiến lược giao dịch breakout hiệu quả
Giao dịch breakout trải qua những bước cơ bản như sau:
- Bước 1: xác định xu hướng hiện tại của thị trường: đi ngang, tăng hay giảm
- Bước 2: vẽ trendline hay các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự cho xu hướng đó
- Bước 3: phát hiện tín hiệu giá breakout: giá đóng cửa vượt khỏi các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự
- Bước 4: xác nhận lại tín hiệu breakout bằng khối lượng, retest hay chỉ báo kỹ thuật
- Bước 5: vào lệnh nếu xác suất breakout thành công cao, đặt stop loss và take profit.
Trong 5 bước cơ bản này thì 4 bước đầu tiên đã được lồng ghép vào những nội dung ở các phần trên, riêng bước vào lệnh, mỗi dạng breakout sẽ có chiến lược vào lệnh, đặt dừng lỗ, chốt lời khác nhau.
Đối với dạng breakout vùng tích lũy đi ngang hoặc breakout trendline của xu hướng tăng/giảm thì cách thức vào lệnh và chốt lời/lỗ như nhau.
Có 3 cách vào lệnh:
- Cách 1: vào lệnh ngay khi cây nến phá vỡ (breakout bar) đóng cửa, cách này thường mang về lợi nhuận cao nhất.
- Cách 2: vào lệnh tại mức giá đóng cửa của cây nến xác nhận ngay sau breakout bar. Nếu phá vỡ tăng thì cây nến xác nhận là cây nến xanh và ngược lại.
- Cách 3: chờ đợi giá retest lại ngưỡng hỗ trợ, kháng cự rồi mới vào lệnh.
Cách 1 luôn luôn thực hiện được, cách 2 và 3 có thể không vì cây nến xác nhận hoặc đợt retest không xuất hiện sau khi giá breakout.
Đặt stop loss, take profit
- Đối với vùng tích lũy đi ngang, đặt stop loss ngay phía dưới đường hỗ trợ (nếu breakout đi lên – lệnh Buy) hoặc phía trên đường kháng cự (nếu breakout đi xuống – lệnh Sell).
- Đối với xu hướng tăng hoặc giảm, đặt stop loss tại đáy gần nhất trước đó (lệnh Buy) hoặc đỉnh gần nhất trước đó (lệnh Sell)
- Chốt lời khi đã đạt lợi nhuận mục tiêu hoặc xuất hiện tín hiệu giá đảo chiều.
Đối với dạng breakout các mô hình giá thì ở mỗi price patterns sẽ có những cách thức giao dịch khác nhau, các bạn có thể tìm hiểu thông qua từng mô hình giá.
Tham khảo những bài viết về các mô hình giá dưới đây:
- Mô hình giá Tam giác
- Mô hình giá Chữ nhật
- Mô hình giá Cờ đuôi nheo
- Mô hình giá Cái nêm
- Mô hình giá Hai đỉnh
- Mô hình giá Hai đáy
Kết luận
Hiện tượng breakout xảy ra thường xuyên trên thị trường, trên mọi công cụ giao dịch tài chính, nếu các bạn biết cách nhận diện và lên kế hoạch giao dịch hiệu quả thì tiềm năng lợi nhuận mang về sẽ rất lớn. Tuy nhiên, như đã nói, giao dịch breakout không hề đơn giản, đặc biệt đối với một trader mới, các bạn cần luyện tập nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn để tích lũy kinh nghiệm riêng cho bản thân, đừng quên những kỹ năng quản lý vốn hiệu quả để tránh trường hợp cháy túi vì breakout.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.