Bạn đã bao giờ bị thị trường “gài bẫy” dẫn đến cháy sạch tài khoản chưa? Khi bạn cho rằng mình đã phân tích khá chính xác và các điều kiện thị trường đều phù hợp với nhận định của bạn nhưng kết cục là vẫn bị một vố rất đau, những lúc như thế bạn có nghĩ là do chiến lược của bạn có vấn đề hay là thị trường có vấn đề? Chiến lược của bạn có thể có vấn đề nhưng thị trường thì không thể có vấn đề mà vấn đề duy nhất ở đây là các bạn chưa thật sự thấu hiểu thị trường. Bản chất của thị trường tài chính không dễ xơi như bạn nghĩ, nó sẽ liên tục tạo ra những cái bẫy để săn các trader còn non yếu về kinh nghiệm, nếu bạn không trang bị đầy đủ những kiến thức hoặc không đủ bản lĩnh, bạn sẽ dễ dàng trở thành con mồi của những cái bẫy đó.
Và 2 trong số những cái bẫy phổ biến nhất trên các thị trường như chứng khoán, forex hay tiền điện tử chính là Bull trap và Bear trap. Vậy Bull trap, Bear trap là gì? Làm sao để tránh được 2 bẫy giá này hoặc nếu như đã lỡ mắc bẫy thì làm cách nào để hạn chế thua lỗ? thì trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ các vấn đề đó.
Bull trap, Bear trap là gì?
Trap có nghĩa là cái bẫy. Bull (thị trường bò) và bear (thị trường gấu) là 2 thuật ngữ chỉ thị trường tăng giá hoặc giảm giá. Vậy thì, ở đây bull trap có nghĩa là bẫy tăng giá và bear trap là bẫy giảm giá.
Bull trap (bẫy tăng giá) là tín hiệu đảo chiều tăng giả trong một thị trường đang đi xuống. Tín hiệu này thường xuất hiện tại các ngưỡng kháng cự, khi giá bắt đầu phá vỡ mức cản này, các trader vui mừng khi cho rằng sẽ đón đầu được xu hướng mới và nhanh chóng vào lệnh Buy với kỳ vọng giá đảo chiều tăng. Nhưng ngay sau đó, giá quay đầu và tiếp tục xu hướng giảm, stop loss bị quét sạch, các trader không đặt stop loss sẽ bị cháy tài khoản một cách rất dễ dàng.
Bear trap (bẫy giảm giá) là tín hiệu đảo chiều giảm giả trong thị trường đang có xu hướng tăng. Khi giá bắt đầu phá vỡ ngưỡng hỗ trợ, các trader nghĩ rằng thị trường sẽ đảo chiều giảm và nhanh chóng vào lệnh Sell với kỳ vọng đón đầu xu hướng mới. Nhưng thật không may, giá chỉ vừa giảm xuống một chút đã nhanh chóng quay đầu đi lên, tiếp tục xu hướng tăng ban đầu.
Khi trader tin chắc rằng thị trường sẽ đảo chiều tăng nhưng giá vẫn tiếp tục giảm thì đó chính là bẫy tăng giá (bull trap). Ngược lại, khi trader tin rằng thị trường đảo chiều giảm nhưng giá cứ tiếp tục tăng thì đó là bẫy giảm giá (bear trap).
Bull trap, bear trap còn được xem là các false breakout (phá vỡ giả).
Bull trap, bear trap xảy ra trên hầu hết các thị trường tài chính như chứng khoán, forex và cả tiền tiền tử.
Tâm lý thị trường đằng sau các bẫy giá
Đối với bull trap, khi giá tăng lên và bắt đầu chạm kháng cự, sẽ có 2 khả năng xảy ra: hoặc là giá quay đầu hoặc là giá phá vỡ ngưỡng và đi lên.
Lúc này, một số trader nghĩ rằng giá sẽ breakout và đảo chiều tăng, họ vào lệnh Buy bằng mọi giá (lệnh Market) để có thể đón đầu xu hướng làm cho giá tăng lên phá vỡ ngưỡng kháng cự. Số còn lại kỳ vọng giá sẽ pullback lại trước khi tăng nên đặt lệnh giới hạn mua làm cho đà tăng của giá giảm đi. Giai đoạn giằng co diễn ra, khi giá giảm xuống một ít, các trader vào lệnh Market bắt đầu hoảng loạn, một số đóng vị thế để hạn chế lỗ làm cho giá tiếp tục đi xuống. Khi giá quét stop loss của các trader này, họ lại bắt đầu nhanh chóng bán ra, càng đẩy giá xuống thấp hơn. Và đó là kết quả của Bull trap.
Bên cạnh đó, khi một xu hướng giảm mạnh, các trader bên ngoài thị trường thường hay tiếc nuối vì đã không nhập cuộc sớm hơn, đặc biệt, đây là tâm lý của hầu hết các trader mới, thiếu kinh nghiệm.
Khi giá bắt đầu phá vỡ ngưỡng kháng cự, thậm chí tăng lên rất mạnh mẽ, điều này cho thấy xu hướng giảm đã bắt đầu kiệt sức. Tín hiệu này đã phần nào thỏa mãn được tâm lý của những trader đó, họ nhanh chóng vào cuộc để bù lại phần lợi nhuận đã bị bỏ lỡ. Lợi dụng tâm lý còn quá non nớt này, một cái bẫy đã được giăng sẵn từ các trader chuyên nghiệp, khi những trader non nớt kia đồng loạt vào lệnh Buy làm cho giá tăng lên thì các pro trader này đã chờ sẵn để bán ra với giá cao. Lượng bán quá lớn làm cho giá quay đầu đi xuống. Lúc này, những tâm hồn “yếu ớt” bắt đầu đóng vị thế để sửa chữa sai lầm, đẩy giá xuống sâu hơn.
Trường hợp bear trap có thể được giải thích theo hướng ngược lại.
Cách nhận biết bull trap, bear trap
Việc nhận biết được một sự phá vỡ có phải là bẫy giá hay thật sự là một tín hiệu breakout tốt là rất hữu ích để trader có thể tận dụng cơ hội mang về lợi nhuận hoặc phòng tránh được rủi ro.
Có rất nhiều phương pháp, công cụ để nhận biết bẫy giá, và trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày một số công cụ phổ biến nhất, đó là Fibonacci, tín hiệu hội tụ/phân kỳ từ các chỉ báo và price action.
Các bước chung để nhận diện một sự phá vỡ có phải là bẫy giá hay là breakout thật:
- Bước 1: xác định các vùng giá quan trọng, các ngưỡng kháng cự/hỗ trợ
- Bước 2: khi giá bắt đầu phá vỡ ngưỡng kháng cự/hỗ trợ, sử dụng các công cụ nhận diện để xác định giá có đảo chiều hay không
Lưu ý: giá có thể phá ngưỡng và quay đầu trong cùng một phiên giao dịch hoặc có thể phá ngưỡng, sau đó một vài phiên rồi mới quay trở lại.
- Fibonacci
Fibonacci là một trong những công cụ hỗ trợ rất tốt trong việc nhận diện bẫy giá. Khi giá phá vỡ ngưỡng kháng cự hay hỗ trợ thì tín hiệu breakout này sẽ là bẫy bull trap hoặc bear trap nếu giá dừng lại tại một trong các tỷ lệ quan trọng của Fibonacci.
Ví dụ: Fibonacci nhận diện bear trap
Giá phá vỡ đường hỗ trợ bằng một cây nến giảm mạnh càng củng cố lòng tin của các trader rằng giá sẽ breakout và đảo chiều giảm. Nhưng sau khi phá vỡ, giá chỉ dừng lại ở mức Fibonacci 0.382 và sau đó quay ngược lên trên. Việc giá dừng lại ở một tỷ lệ quan trọng của Fibonacci và quay đầu chứng tỏ xu hướng tăng ban đầu vẫn còn rất mạnh, khả năng đảo chiều là không thể xảy ra và tín hiệu phá vỡ này là giả, đây là bear trap.
Ví dụ: Fibonacci nhận diện bull trap
Giá phá vỡ trendline bằng một cây nến tăng mạnh, đồng thời xu hướng downtrend phía trước có độ dốc khá lớn và kéo dài trong thời gian khá lâu. Cả 3 yếu tố đó tạo điều kiện để củng cố thêm lòng tin để các trader vào lệnh Buy với kỳ vọng xu hướng giảm đã kiệt quệ, thị trường sẽ đảo chiều tăng. Nhưng sau khi giá tăng lên thì bắt đầu chững lại và dừng ngay tại tỷ lệ 0.5 quan trọng của Fibonacci, dự báo giá sẽ hồi lại sau đợt tăng này và kết quả chính xác là như thế. Đây chỉ là một bẫy bull trap chứ không phải tín hiệu đảo chiều tăng.
- Phân kỳ/hội tụ giữa chỉ báo và giá
Các chỉ báo được sử dụng để nhận diện bull trap hay bear trap thường là MACD, RSI, Stochastic… Trong bài viết này, chúng tôi sẽ lấy ví dụ minh họa về chỉ báo MACD.
Giá phá vỡ đường xu hướng đóng vai trò là một mức hỗ trợ, dự báo khả năng thị trường đảo chiều giảm. Tuy nhiên, lúc này lại xuất hiện tín hiệu hội tụ giữa giá và đường MACD, đồng thời, một cây nến tăng mạnh với chiều dài lớn hơn cả cây nến phá vỡ giảm phía trước cho thấy khả năng đảo chiều rất khó xảy ra, trader có thể xác định đây chỉ là bẫy bear trap để tránh vào lệnh Sell trong trường hợp này.
- Price action
Khi thị trường phá vỡ các ngưỡng giá quan trọng, hãy xác định hành vi của giá thông qua các mẫu hình nến, mẫu hình giá. Nếu hành động giá phù hợp với sự phá vỡ thì đó là tín hiệu breakout, thị trường sẽ đảo chiều, ngược lại thì đó chỉ là bẫy giá bull trap hoặc bear trap.
Thị trường đang trong một xu hướng tăng, khi giá bắt đầu giảm và vượt qua ngưỡng hỗ trợ, nếu các bạn nôn nóng, thấy giá vụt mạnh xuống rồi vào lệnh Sell ngay thì rất rủi ro. Trong trường hợp này, hãy chờ đợi cho cây nến phá vỡ kết thúc, quan sát nó cùng với một vài phiên giao dịch sau đó. Trong tình huống này, nến phá vỡ là một cây bullish pin bar với đuôi nến khá dài, chứng tỏ lực mua đang rất mạnh, giá không thể giảm sâu hơn nữa. Các bạn hoàn toàn có thể dự đoán được đây chính là bear trap thông qua phân tích hành động giá.
Giá 2 lần phá vỡ đường trendline đang đóng vai trò như một ngưỡng hỗ trợ. Nếu vội vàng, trader sẽ rất dễ vào lệnh Sell vì cho rằng giá sẽ thật sự phá vỡ ngưỡng hỗ trợ này và giảm mạnh xuống, đảo chiều xu hướng. Nhưng ngay sau đó, mô hình Bullish Engulfing được thiết lập và giá đã nhanh chóng đi lên lại. Đây chính là bear trap.
Làm sao để tránh được bẫy giá?
Ngay đến những trader chuyên nghiệp cũng đã trải qua không ít lần dính bẫy bull trap hoặc bear trap thì với một trader mới và thiếu kinh nghiệm sẽ rất khó để tìm ra một phương pháp gì cụ thể để tránh được điều này.
Quan trọng là làm sao để hạn chế nhất có thể hoặc nếu đã sập bẫy rồi thì giải quyết làm sao để thua lỗ là ít nhất.
Vậy thì làm sao để hạn chế sập bẫy nhất có thể?
Câu trả lời duy nhất và khả thi nhất chính là tích lũy kiến thức và kinh nghiệm.
Kiến thức về price action, về phân tích kỹ thuật, về phân tích cơ bản, trau dồi thêm những kiến thức nâng cao khác khi đã vững về cơ bản.
Đừng trade breakout khi chưa thật sự hiểu được hành vi của giá.
Kinh nghiệm thì chỉ được tích lũy sau những lần thực hành trên thị trường. Không ai sinh ra đã giỏi ngay về một lĩnh vực nào đó mà muốn thành công phải trải qua quá trình luyện tập. Nghề trader cũng vậy, để có được những kinh nghiệm riêng cho mình, đòi hỏi các bạn phải đánh đổi thời gian, công sức và cả tiền bạc. Nhưng không phải thực hành một cách vô tội vạ mà chỉ thực hành dựa trên những kiến thức đã học được.
Làm sao để hạn chế thua lỗ khi sập bẫy?
Không ai khi mới bước vào giao dịch trên thị trường này đều không dính phải bull trap hay bear trap. Nhưng tại sao chỉ có một vài người thua ít mà lại có rất nhiều người cháy tài khoản? Đơn giản vì họ không tuân thủ theo các nguyên tắc đầu tư sau đây:
- Không đặt stop loss cho lệnh giao dịch. Tất cả các trader chuyên nghiệp, các chuyên gia tài chính đều đặt stop loss và xem đó như là một công cụ không thể thiếu khi vào lệnh, vậy thì một trader mới, thiếu kinh nghiệm lấy lý do gì để không đặt stop loss?
- Điểm cắt lỗ không được quá 2% tổng tài khoản cho một lệnh giao dịch.
- Không sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao.
- Nếu trên thị trường chứng khoán có nguyên tắc “Không nên đặt tất cả trứng vào cùng một rổ” thì ở thị trường forex cũng sẽ có nguyên tắc tương tự, tức là không nên “All in one” – tất cả vào một lần duy nhất. Phân bổ nguồn vốn hợp lý sẽ giúp hạn chế được rủi ro.
Qua bài viết này, hy vọng các bạn sẽ có thêm kiến thức về bull trap và bear trap. Hãy nâng cao kiến thức và luyện tập thật nhiều để hạn chế rủi ro nhiều nhất có thể từ những “cái bẫy” của thị trường.