Biểu đồ giá là một phần không thể thiếu trong bất kỳ một hoạt động giao dịch nào trên thị trường tài chính. Có rất nhiều ý kiến cho rằng chỉ có các trader theo trường phái phân tích kỹ thuật mới quan tâm và sử dụng đến biểu đồ giá, còn với các trader phân tích cơ bản thì công cụ này chỉ là “đồ bỏ đi”. Thực tế, biểu đồ giá cung cấp cho trader 1 cái nhìn tổng quan nhất về thị trường, bạn hoàn toàn có thể biết được giá đã tăng giảm như thế nào, có thể so sánh với các dữ liệu biểu đồ trong quá khứ, để từ đó đánh giá được xu hướng thị trường. Và tất nhiên, việc này dễ dàng hơn rất nhiều lần khi nhìn vào những con số, hay là chỉ dựa trên 1 tin tức nào đó. Vì thế, cho dù bạn có theo trường phái nào đi chăng nữa, biểu đồ giá cũng là một công cụ thiết yếu để giao dịch trong thị trường tài chính nói chung và forex nói riêng.

Tìm hiểu về các loại biểu đồ giá là bước đầu tiên và cũng là kiến thức căn bản nhất trước khi đi sâu vào nghiên cứu các phương pháp phân tích cụ thể khác.

Có 3 loại biểu đồ giá cơ bản trong giao dịch forex:

  • Biểu đồ đường (Line chart)
  • Biểu đồ thanh (Bar chart)
  • Biểu đồ nến Nhật (Candlestick chart)

Biểu đồ đường – Line chart

Biểu đồ đường được xây dựng từ việc nối các mức giá đóng cửa của tất cả các phiên giao dịch trong một khung thời gian nhất định. Đây là loại biểu đồ đơn giản nhất trong 3 loại biểu đồ giá trên thị trường forex.

Về lý thuyết, mức giá được sử dụng trong biểu đồ đường có thể là bất kỳ loại giá nào, chẳng hạn như giá mở cửa, giá cao nhất hay giá thấp nhất của một phiên giao dịch. Tuy nhiên, người ta thường chỉ sử dụng giá đóng cửa vì mức giá này được xem là quan trọng nhất, thể hiện rõ ràng phe nào đang nắm giữ vị thế áp đảo trên thị trường.

Với biểu đồ đường, chúng ta sẽ xác định hướng di chuyển của giá trong một phiên giao dịch thông qua độ dốc của đoạn thẳng nối giá đóng cửa của 2 phiên liên tiếp nhau. Nếu đoạn thẳng dốc lên thì giá tăng, ngược lại, dốc xuống thì giá giảm. Độ dốc càng lớn thì giá tăng/giảm càng mạnh.

Ví dụ: biểu đồ đường của cặp EUR/USD trên khung thời gian H1

Một trong những ưu điểm lớn nhất của biểu đồ đường chính là chúng vô cùng đơn giản, dễ nhìn và không bị rối mắt. Nhưng cũng chính sự đơn giản này lại là hạn chế của biểu đồ đường.

Cái duy nhất mà trader có thể quan sát được ở đây là 1 bức tranh tổng quát về giá cả. Hay biểu đồ đường chỉ thể hiện giá tăng hay giảm trong một phiên giao dịch, điều này sẽ khiến trader không thể biết được giá đã tăng/giảm ở các mức nào, hay nói cách khác, 2 phe mua và bán đã tranh giành vị thế ra làm sao.

Nếu xem biểu đồ đường như một cuộc chiến, thì cái duy nhất cung cấp cho bạn chính là kết quả của trận chiến đó: phe nào thắng, phe nào thua mà  không chỉ ra được diễn biến toàn bộ của trận đấu, phe nào nắm quyền kiểm soát, hay một phe thắng thế áp đảo hoàn toàn ngay từ đầu trận đến cuối trận.

Cũng vì lí do này khiến biểu đồ đường ít được trader forex quan tâm mà chủ yếu được sử dụng trong giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option).

Biểu đồ thanh – Bar chart

Trước khi biểu đồ nến Nhật được ông Steve Nison giới thiệu cho người phương Tây, biểu đồ thanh là 1 trong những công cụ phổ biến nhất trong thị trường tài chính nói chung và forex nói riêng.

Biểu đồ thanh là dạng biểu đồ mà các mức giá trong một phiên giao dịch được thể hiện trên cùng một thanh đứng. Mỗi thanh đại diện cho một phiên giao dịch, nếu ở khung thời gian H1 thì mỗi thanh là diễn biến của giá trong khoảng thời gian 1 giờ, khung thời gian D1 thì mỗi thanh sẽ biểu diễn tình hình thị trường trong khoảng thời gian 1 ngày…

Mỗi thanh giá trong biểu đồ thanh thể hiện đầy đủ 4 mức giá của một phiên giao dịch, bao gồm: giá mở cửa (Open), giá cao nhất (High), giá thấp nhất (Low) và giá đóng cửa (Close). Biểu đồ thanh còn được gọi với cái tên OHLC chart (ghép 4 chữ cái đầu của 4 mức giá).

Điểm cao nhất của thanh giá là High, điểm thấp nhất là Low. Thanh ngang nhỏ bên trái là Open, thanh ngang nhỏ bên phải là Close.

Với biểu đồ thanh, các bạn có thể dễ dàng phân biệt thanh giá tăng và giảm dựa vào vị trí của giá mở cửa và giá đóng cửa. Open nằm phía trên so với Close thì phiên giao dịch giảm giá, ngược lại thì tăng giá.

Biểu đồ thanh đã giải quyết được hạn chế của biểu đồ đường khi thể hiện phần nào sự tranh chấp giữa hai phe mua và bán trong một phiên giao dịch.

  • Khoảng cách từ Open đến Close: cho biết giá tăng/giảm mạnh hay yếu, khoảng cách càng lớn thì giá tăng/giảm càng mạnh, ưu thế nghiêng hẳn về một phe.
  • Khoảng cách từ High đến Close (thanh giá tăng) hoặc High đến Open (thanh giá giảm) càng lớn thì chứng tỏ trong phiên giao dịch, phe mua cố gắng đẩy giá lên cao nhưng một lực bán quá mạnh kéo giá xuống lại, thị trường từ chối giá lên.
  • Khoảng cách từ Low đến Open (thanh giá tăng) hoặc Low đến Close (thanh giá giảm) càng lớn, chứng tỏ phe bán cố gắng đẩy giá đi xuống nhưng một lực mua mạnh hơn kéo giá lên lại, thị trường từ chối giá xuống.
  • Thanh giá (a): trong phiên giao dịch, không phe nào chiếm ưu thế hơn, giá thay đổi không nhiều so với ban đầu.
  • Thanh giá (b): cả 2 phe mua và bán đều đã có thời gian chiếm ưu thế, nhưng đến cuối phiên thì vẫn không phe nào thắng phe nào.
  • Thanh giá (c): ở đầu phiên, phe mua dường như chiếm ưu thế khi đẩy giá lên rất cao, nhưng phe bán đã cố gắng ép giá xuống thấp cho đến cuối phiên giao dịch, chứng tỏ lực bán rất mạnh và phe bán đang có lợi thế hơn ở phiên sau.
  • Thanh giá (d): ngược lại với thanh (c), phe bán chiếm ưu thế ở đầu phiên khi đẩy giá xuống rất sâu, nhưng sau đó một lực mua mạnh hơn kéo giá lên lại, phe mua đã rất nỗ lực để ép giá lên cao cho đến cuối phiên.

Ví dụ: biểu đồ thanh của cặp EUR/USD trên khung thời gian D1

Rõ ràng, biểu đồ thanh dễ nhìn hơn biểu đồ đường, bạn sẽ dễ dàng phân biệt được từng phiên giao dịch cụ thể, nhưng vì các thanh ngang khá nhỏ nên khó có thể nhận ra ngay được thanh nào tăng, thanh nào giảm.

Chính vì thế, khi sử dụng biểu đồ thanh trên các phần mềm giao dịch, các bạn nên tùy chỉnh màu sắc khác nhau cho thanh tăng và thanh giảm để dễ phân tích hơn, như hình bên dưới, thanh tăng màu xanh và giảm màu đỏ.

Như có nói trước đó, dù biểu đồ thanh đã hạn chế nhược điểm của biểu đồ đường, nhưng so với biểu đồ nến Nhật vẫn không ưu việt bằng, khi chưa thực sự thể hiện 1 cách rõ ràng các “cuộc giao tranh” giữa phe mua và phe bán, hay báo hiệu cho trader biết khi nào 1 trong 2 phe dừng “cuộc chơi”, gió chuẩn bị đảo chiều… Vì thế, trong 3 loại biểu đồ trên, biểu đồ nến Nhật trở thành vũ khí lợi hại, sắc bén nhất mà bất cứ trader nào cũng nên tìm hiểu khi tham giao giao dịch forex.

Biểu đồ nến Nhật – Candlestick chart

Biểu đồ nến Nhật hay biểu đồ nến là loại biểu đồ giá được ưa chuộng và sử dụng phổ biến nhất trên các thị trường tài chính, không chỉ forex mà cả chứng khoán và tiền điện tử.

Mỗi phiên giao dịch được biểu diễn bởi một cây nến. Mỗi cây nến thể hiện đầy đủ cả 4 mức giá Open, High, Low, Close như biểu đồ thanh, nhưng cách biểu diễn có phần hơi khác.

Cách mà biểu đồ nến thể hiện diễn biến của giá trong một phiên giao dịch rất rõ ràng và dễ dàng nhận thấy thông qua hình dạng của từng cây nến. Chúng tôi đã thực hiện một bài viết rất cụ thể về loại biểu đồ này, các bạn có thể tham khảo rõ hơn qua bài viết Mô hình nến Nhật là gì? Cách đọc biểu đồ nến Nhật.

Ví dụ: biểu đồ nến của vàng trên khung thời gian H4

Tương tự như biểu đồ thanh, các bạn cũng có thể tùy chỉnh màu sắc cho biểu đồ nến trên các phần mềm giao dịch.

Trước khi đọc tiếp phần nội dung ngay sau đây, các bạn nên đọc bài viết về biểu đồ nến Nhật mà chúng tôi đã đính kèm link ở trên, vì phần tiếp theo, chúng tôi sẽ sử dụng một số khái niệm có liên quan đến biểu đồ nến Nhật được nhắc đến trong bài viết đó.

Nên sử dụng loại biểu đồ giá nào trong giao dịch forex?

Chúng tôi có thể trả lời ngay cho các bạn là hiện nay, biểu đồ nến đang là loại biểu đồ được sử dụng phổ biến nhất. Không phải tự dưng người ta lại ưa thích loại biểu đồ này mà biểu đồ này vượt trội hơn về nhiều mặt so với biểu đồ thanh, mặc dù cả 2 đều thể hiện được hành vi cụ thể của giá trong từng phiên giao dịch.

Còn riêng với biểu đồ đường, tuy rằng không gây nhiễu nhưng mức độ thông tin thấp nên rất ít khi trader sử dụng loại biểu đồ này.

Khi đã đọc bài viết về biểu đồ nến Nhật thì các bạn sẽ biết được tầm quan trọng của thân nến và bóng nến trong việc phân tích hành vi của giá và đây cũng là những kiến thức căn bản nhất của phương pháp phân tích hành động giá price action.

Price Action là gì?

Nếu biểu đồ nến Nhật có thân nến chính là phần thân màu xanh hoặc đỏ của cây nến và bóng nến là 2 thanh mỏng phía trên và dưới thân thì trong biểu đồ thanh, phần thân nến và bóng nến được ngăn cách với nhau bởi thanh ngang rất nhỏ, nếu nhìn tổng quát cả một đồ thị lớn thì khó lòng mà phân biệt được đâu là thân nến, đâu là bóng nến, nên việc phân tích các cây nến sẽ trở nên khó khăn hơn.

Vì đặc tính rõ ràng và thể hiện tốt hành vi của giá mà biểu đồ nến là loại biểu đồ duy nhất được sử dụng trong phương pháp price action. Các mô hình đảo chiều, tiếp diễn đều dựa trên hình dạng của những cây nến Nhật.

Tóm lại, việc lựa chọn loại biểu đồ nào là phụ thuộc vào sự tập trung của bạn khi nhìn vào biểu đồ đó. Trong đó, biểu đồ nến mang lại sự đơn giản, rõ ràng và thể hiện đầy đủ các thông tin cần thiết hỗ trợ cho việc phân tích.

Hơn nữa, hiện nay, hầu hết các trader chuyên nghiệp, các trang web về kinh tế tài chính, các bài báo, bài phân tích đều sử dụng mô hình nến Nhật nên với một trader forex hay chứng khoán, các bạn nên bắt đầu với biểu đồ nến Nhật.

Tìm hiểu về các loại biểu đồ giá là cơ sở để tiếp cận nhanh hơn với các phương pháp phân tích nâng cao, phân biệt được chúng sẽ giúp các bạn chọn được loại biểu đồ phù hợp nhất. Đừng bỏ qua những kiến thức cơ bản, nền tảng càng vững chắc, sự tiếp thu những kiến thức mới sẽ càng dễ dàng.

Bạn vừa đọc bài viết: Các loại biểu đồ trong giao dịch forex

Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Hoc Forex Mien Phi

Các bài viết liên quan