Đối với những ai đang làm việc trong lĩnh vực tài chính thì không thể không biết đến chứng chỉ CFA. CFA là một trong những chứng nhận quan trọng về trình độ và đạo đức của một nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp. Chính vì vậy, rất nhiều người phấn đấu để có thể sở hữu được chứng chỉ này, vì với họ, CFA như một “kim bài hộ mệnh” giúp họ thăng tiến hơn trong công việc. Và cũng rất nhiều doanh nghiệp hiện nay lựa chọn CFA là một tiêu chuẩn không thể thiếu trong quy trình tuyển dụng của mình.

Vậy thì CFA là gì? Chứng chỉ CFA có dễ đạt được hay không? Và những cơ hội nào mở ra cho một CFA Charterholder? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trong bài viết lần này nhé.

Chứng chỉ CFA là gì?

CFA (Chartered Financial Analyst) là một chứng chỉ chuyên nghiệp trong lĩnh vực tài chính, do viện CFA (CFA Institute) cấp cho những nhà phân tích tài chính, những người đã xuất sắc vượt qua tất cả các kỳ thi và đáp ứng được các điều kiện của chương trình học CFA đề ra.

Viện CFA trước đây được biết đến với tên gọi Hiệp hội Nghiên cứu và Quản lý đầu tư (AIMR), là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, thành lập với mục đích cung cấp các kiến thức về đầu tư chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp và các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ nhằm đánh giá và nâng cao năng lực của giới tài chính.

Nếu Toeic hay Ielts được dùng để đánh giá trình độ tiếng Anh của người học thì chứng chỉ CFA chính là thước đo để đánh giá năng lực và đạo đức nghề nghiệp của một chuyên viên phân tích tài chính liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như kế toán, kiểm toán, quản lý quỹ, phân tích chứng khoán, tài chính…

Chứng chỉ CFA ra đời lần đầu tiên vào năm 1962 tại Hoa Kỳ và đã trở thành một chứng nhận uy tín về phân tích tài chính khắp thế giới. Hiện tại đã có gần 170,000 thành viên tại hơn 165 quốc gia được cấp chứng chỉ và trở thành hội viên của CFA Institute. Hơn 30,000 doanh nghiệp trên thế giới sử dụng CFA như một tiêu chuẩn bắt buộc trong quy trình tuyển dụng và thăng chức.

  • Ý nghĩa của chứng chỉ CFA

Không những được sử dụng để đánh giá năng lực mà CFA còn là thước đo về đạo đức nghề nghiệp của mỗi hội viên.

Sở hữu chứng chỉ CFA, các bạn nghiễm nhiên được công nhận là một nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp.

Lý do nên chọn học CFA

Cho dù bạn là một sinh viên kinh tế, một chuyên viên đầu tư hay một người đang bắt đầu nghề nghiệp trong lĩnh vực tài chính thì cũng đều cần nâng cao kiến thức và kỹ năng để có thể phát triển hơn nữa trong một ngành có tính cạnh tranh cao như thế này. Và chứng chỉ CFA sẽ là vũ khí lợi hại để bạn có thể đạt được các mục tiêu nghề nghiệp của mình và ngày càng tiến xa hơn.

Có 3 lý do chính để các bạn nên chọn học chương trình CFA:

Được nâng cao kiến thức và kỹ năng

Chương trình học CFA được thiết kế để trang bị cho các bạn một nền tảng vững chắc về kiến thức chuyên môn, kỹ năng phân tích đầu tư nâng cao và quản lý danh mục đầu tư trên thị trường thực tế.

Chương trình học CFA được giảng dạy trực tiếp bởi các chuyên gia hàng đầu ngành tài chính thế giới, đảm bảo các bạn có thể tự tin thực chiến trên thị trường ngày nay.

Thăng tiến trong công việc và nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp

Hoàn thành chương trình học CFA, các bạn sẽ có khả năng đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau như một nhà đầu tư, nhà giao dịch, nhà phân tích – nghiên cứu, nhà quản lý danh mục đầu tư… đồng nghĩa với việc các bạn có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp hơn. Và tất nhiên, CFA sẽ là bàn đạp để các bạn thăng tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình.

Chứng chỉ CFA được công nhận giá trị toàn cầu

Bạn biết đấy, CFA không còn là một chứng chỉ có giá trị tại Hoa Kỳ mà nó đã được quốc tế hóa, trở thành một tiêu chuẩn đánh giá năng lực tài chính toàn cầu. Dù bạn ở Việt Nam, thì chứng chỉ CFA của bạn vẫn sẽ được công nhận tại nhiều nước khác trên thế giới, bạn sẽ được làm việc tại các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia trong nước, thậm chí tại những “ông lớn” ở nước ngoài.

Điều kiện trở thành CFA Charterholder

Để trở thành một CFA Charterholder, các bạn cần hoàn thành 4 yêu cầu sau:

Một, vượt qua các kỳ thi của chương trình học CFA. CFA Program bao gồm 3 cấp độ (level). Mỗi level sẽ có một kỳ thi riêng. Các bạn cần đậu tất cả các kỳ thi của cả 3 levels để trở thành CFA Charterholder.

Hai, đạt được kinh kiệm làm việc theo yêu cầu. Các bạn phải hoàn thành các yêu cầu về kinh nghiệm làm việc trước, trong hoặc sau khi tham gia chương trình học CFA. Những kinh nghiệm đó liên quan đến việc trực tiếp tham gia vào quá trình ra quyết định đầu tư hoặc sản xuất sản phẩm với vai trò cung cấp thông tin hoặc gia tăng giá trị cho quá trình đó.

Ba, có thư giới thiệu. Một trong những yêu cầu khi đăng ký trở thành thành viên của viện CFA chính là các bạn phải cung cấp từ 2-3 thư giới thiệu. Trong thư, bắt buộc phải có những nhận xét về kinh nghiệm làm việc và tính chuyên nghiệp của bạn.

Bốn, gửi đơn đăng ký trở thành CFA Charterholder. Một lá đơn xin làm hội viên của CFA Institute là việc không thể thiếu cho quá trình trở thành CFA Charterholder. Nếu bạn hoàn thành tất cả các yêu cầu trên thì đơn của bạn sẽ được duyệt và bạn chính thức trở thành hội viên thường xuyên của viện CFA.

Điều kiện tham gia chương trình học CFA

Để trở thành một CFA Charterholder thì các bạn phải đăng ký học chứng chỉ CFA, sau đó hoàn thành 4 yêu cầu được nêu ở trên. Tuy nhiên, việc đăng ký học CFA cũng không phải là điều dễ dàng mà ai cũng làm được.

Bước đầu trở thành một ứng viên của CFA, các bạn phải đăng ký chương trình học CFA và đăng ký kỳ thi level 1. Để ghi danh học, các bạn phải đáp ứng được những điều kiện sau:

  • Có bằng cử nhân hoặc là sinh viên năm cuối của trường đại học, cao đẳng. Nếu là sinh viên năm cuối thì phải hoàn thành việc nhận bằng trước khi đăng ký kỳ thi level 2.
  • Có tổng cộng 4 năm kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp toàn thời gian và/hoặc học tập tại các trường cao đẳng, đại học. Kỹ năng làm việc chuyên nghiệp đòi hỏi phải áp dụng các kỹ năng kinh doanh và phán đoán, bao gồm: lãnh đạo và làm việc nhóm; truyền thông doanh nghiệp; tư duy phản biện và giải quyết vấn đề; quản lý thời gian; kỹ năng phán đoán, phân tích; khả năng thích ứng. Các bạn có thể được yêu cầu để nộp các tài liệu, giấy tờ và bằng cấp liên quan khi đăng ký hồ sơ học.
  • Phải có hộ chiếu quốc tế hợp lệ.
  • Phải hoàn thành một bài thi tiếng Anh.
  • Phải hoàn thành một biểu mẫu về Ứng xử chuyên nghiệp.
  • Phải sống ở một quốc gia mà viện CFA có văn phòng hoặc có làm việc tại đó.

Sơ lược về chương trình học CFA

Chương trình giảng dạy của chứng chỉ CFA bao gồm 10 chủ đề hay 10 môn học khác nhau, liên quan đến kỹ năng phân tích và quản lý danh mục đầu tư.

10 môn học và tỷ trọng của từng môn trong mỗi level:

Môn học

Level 1 (%)

Level 2 (%)

Level 3 (%)

Tiêu chuẩn Đạo đức và Nghề nghiệp

15 – 20

10 – 15

10 – 15

Phương pháp định lượng

8 – 12

5 – 10

Kinh tế

8 – 12

5 – 10

5 – 10

Phân tích và Báo cáo tài chính

13 – 17

10 – 15

Tài chính Doanh nghiệp

8 – 12

5 – 10

Đầu tư Vốn cổ phần

10 – 12

10 – 15

10 – 15

Thu nhập cố định

10 – 12

10 – 15

15 – 20

Chứng khoán phái sinh

5 – 8

5 – 10

5 – 10

Các khoản đầu tư thay thế

5 – 8

5 – 10

5 – 10

Lập kế hoạch Quản lý danh mục và tăng trưởng

5 – 8

10 – 15

35 – 40

 

Thời gian chương trình học: các học viên sẽ có hơn 900 giờ tự học (cả 10 chủ đề trên) và 4,000 giờ kinh nghiệm làm việc đạt yêu cầu.

Chi phí cho chương trình học CFA dao động từ 2,400 – 4,590 USD, phụ thuộc vào thời hạn đóng phí.

Cơ hội nghề nghiệp với chứng chỉ CFA

Với những kiến thức và kỹ năng được đào tạo trong chương trình học, các bạn sẽ có khả năng đảm nhiệm được nhiều vị trí và chuyên môn khác nhau trong ngành tài chính. Sở hữu chứng chỉ CFA, tiêu chuẩn về năng lực và đạo đức của bạn được thiết lập ở mức cao hơn, chắc chắn các bạn sẽ được săn đón như những chuyên gia phân tích tài chính và quản lý đầu tư chuyên nghiệp.

Những công việc, vị trí mà một người sở hữu chứng chỉ CFA có thể đảm nhiệm:

  • Quản lý danh mục đầu tư
  • Nghiên cứu tài chính và đầu tư
  • Tư vấn đầu tư
  • Phân tích và quản trị rủi ro
  • Xây dựng chiến lược đầu tư
  • Kế toán, kiểm toán
  • Phân tích tín dụng
  • Lập kế hoạch tài chính

Một số loại hình doanh nghiệp mà các bạn có thể đảm nhiệm những vị trí liên quan đến quản lý đầu tư như:

  • Quỹ đầu tư
  • Ngân hàng thương mại
  • Ngân hàng đầu tư
  • Công ty bảo hiểm
  • Các công ty Fintech

Hiện nay, có rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới yêu cầu CFA là một tiêu chuẩn trong quy trình tuyển dụng của mình. Trong đó có: JPMorgan Chase, Morgan Stanley Wealth Management, Royal Bank of Canada, BofA Securities, UBS Group, HSBC Holdings, Wells Fargo and Company, PricewaterhouseCoopers, BlackRock, TD Bank Financial Group…

Tại Việt Nam, các công ty lớn, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia rất coi trọng những ứng viên sở hữu chứng chỉ CFA, chẳng hạn như các công ty Chứng khoán: VNDIRECT, SSI, HSC, ACBS…, công ty kiểm toán: EY, Deloitte, KPMG, PwC…, các ngân hàng lớn như Vietinbank, BIDV, Vietcombank, ACB…

Có thể nói, chứng chỉ CFA là một trong những vũ khí đỉnh cao cho con đường phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực tài chính. Nếu đáp ứng được các điều kiện trở thành một CFA Charterholder, các bạn nên đăng ký học ngay từ bây giờ. Thế giới ngày càng thay đổi theo xu hướng đi lên và chúng ta cũng phải phát triển bản thân để hòa nhập được với xu hướng đó.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: CFA là gì? Cơ hội nghề nghiệp với chứng chỉ CFA

Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Các bài viết liên quan

Bình luận
Subscribe
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments