Trong hệ thống tất cả các chỉ báo phân tích kỹ thuật trên thị trường ngoại hối thì có một indicator với cái tên nghe rất oách “Chỉ báo dao động tuyệt vời” – Awesome Oscillator. Đây là một chỉ báo không quá quen thuộc với đa số các trader như RSI, Bollinger Bands, MACD hay MA… nhưng nếu hiểu được bản chất và biết sử dụng một cách hiệu quả thì những gì mà chỉ báo này mang lại sẽ khiến cho các bạn phải ngạc nhiên.

Vậy thì Awesome Oscillator là gì? Chỉ báo này có ý nghĩa như thế nào và có thật sự lợi hại như cái tên của nó? Chúng ta sẽ cùng nhau đi giải đáp các vấn đề này ở những nội dung chính của bài viết.

Awesome Oscillator là gì?

Awesome Oscillator (viết tắt là AO) là một chỉ báo kỹ thuật được giới thiệu lần đầu tiên ra thị trường bởi Bill Williams nên nhiều lúc chỉ báo này vẫn được gọi là chỉ báo Bill Williams.

AO được sử dụng để xác định xu hướng của thị trường và cho biết lực của xu hướng đó ở thời điểm hiện tại.

  • Công thức của chỉ báo AO

AO được tính toán dựa trên các dữ liệu của giá, bao gồm giá cao nhất và giá thấp nhất.

AO chính là hiệu số giữa giá trị trung bình đơn giản 5 kỳ và giá trị trung bình đơn giản 34 kỳ. Dữ liệu được dùng để tính giá trị trung bình chính là giá High và giá Low của các phiên giao dịch.

Giá Trung bình (TB) = (High + Low)/2

AO = SMA (TB, 5) – SMA (TB, 34)

AO được biểu diễn trên khung thời gian nào thì dữ liệu giá được sử dụng là của các phiên giao dịch tương ứng với khung thời gian đó. Ví dụ: khung thời gian H1, thì dữ liệu sẽ là giá High và Low của các phiên giao dịch 1 giờ, khung thời gian M30 thì sẽ là giá High và Low của các phiên giao dịch mỗi 30 phút.

Chỉ báo AO được biểu diễn trên đồ thị giá là một biểu đồ dạng histogram tách biệt đồ thị giá và nằm phía dưới đồ thị giá, như hình dưới:

  • Đặc điểm của chỉ báo AO

Các bạn có thể hình dung đơn giản thì đây chính là một biểu đồ cột, với mỗi cột là hiệu số giữa SMA (TB, 5) và SMA (TB, 34), hiệu số này âm thì biểu đồ cột sẽ nằm phía dưới trục 0, hiệu số này dương thì biểu đồ cột sẽ nằm trên trục 0.

Cột màu xanh thể hiện các giá trị AO tăng, cột màu đỏ thì giá trị AO giảm.

Độ dài của cột AO càng cao thì khoảng cách giữa 2 đường trung bình càng lớn, nghĩa là động lực của xu hướng càng mạnh (tăng mạnh hoặc giảm mạnh). Ngược lại, độ dài cột AO càng thấp thì khoảng cách 2 đường trung bình càng nhỏ, tức là động lực của xu hướng đang giảm đi.

Nhìn biểu đồ trên thì các bạn sẽ thấy rõ hơn sự tương quan giữa hình dáng của chỉ báo AO và 2 đường trung bình.

Khi AO lớn hơn 0 và đang tăng (các thanh màu xanh liên tiếp nhau và nằm trên đường 0) chứng tỏ xu hướng đang trên đà tăng mạnh, ngược lại AO giảm dần (các thanh màu đỏ liên tiếp nhau và nằm trên đường 0) thì thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng nhưng đà tăng của xu hướng đang giảm dần.

Khi AO nhỏ hơn 0 và đang giảm (các thanh màu đỏ liên tiếp nhau và nằm dưới đường 0) thì giá đang trong đà giảm mạnh, nếu AO tăng dần (các thanh màu xanh liên tiếp nhau và nằm dưới đường 0) thì giá vẫn trong xu hướng giảm nhưng lực của xu hướng này đang giảm dần đi.

Cách cài đặt chỉ báo AO trên phần mềm MT4

Trên phần mềm MT4, ở thanh Menu, chọn Insert, sau đó chọn Indicators ? Bill Williams ? Awesome Oscillator.

Hộp thoại cài đặt hiện ra như sau:

Ở tab Colors, các bạn lựa chọn màu sắc, style và độ dày mỏng của chỉ báo. Value Up là các cột giá trị AO tăng, Value Down là các cột thể hiện giá trị AO giảm.

Tab Levels thì các bạn chọn màu sắc và style cho đường 0. Với chỉ báo này, các bạn không cần phải thêm bất kỳ một đường nào khác nữa cả. Hệ thống đã mặc định sẵn đường 0 rồi.

Tab Visualization: nếu muốn chỉ báo AO hiển thị trên khung thời gian nào thì bấm chọn vào khung thời gian đó.

Cách giao dịch với chỉ báo Awesome Oscillator

Giao dịch với tín hiệu giao cắt đường 0

Đây là cách giao dịch cơ bản nhất của chỉ báo này. Khi AO nằm trên đường 0, nghĩa là giá đang trong xu hướng tăng, khi AO nằm dưới đường 0 thì giá đang trong xu hướng giảm. Chiến lược giao dịch với tín hiệu này chính là vào lệnh Buy khi AO cắt đường 0 từ dưới lên và vào lệnh Sell khi AO cắt đường 0 từ trên xuống.

Ở hình trên, có tổng cộng là 7 lệnh thì chỉ có 3 lệnh là giao dịch hiệu quả, các lệnh còn lại có tỷ lệ R:R không tốt hoặc lợi nhuận không đủ để bù đắp chi phí giao dịch.

Bên cạnh đó, tín hiệu giao cắt giữa chỉ báo AO và đường 0 xảy ra rất thường xuyên nên rất nhiều tín hiệu nhiễu. Để giao dịch hiệu quả với tín hiệu này, các bạn chỉ nên giao dịch thuận xu hướng. Điều này có nghĩa là trong một xu hướng chung đang tăng, chỉ được vào lệnh Buy khi AO cắt đường 0 từ dưới lên và trong một xu hướng giảm, chỉ vào lệnh Sell khi AO cắt đường 0 từ trên xuống.

Ở hình trên, 2 lệnh Buy sẽ hiệu quả hơn so với lệnh Sell.

Hay như trường hợp bên dưới trong một xu hướng giảm:

Ở một xu hướng tăng hoặc giảm mạnh, các bạn có thể nhồi lệnh với tín hiệu giao cắt giữa AO và đường 0 để tăng lợi nhuận.

Chiến lược đĩa bay (Saucer)

Đây là chiến lược giao dịch đặc biệt của riêng chỉ báo này mà không một chỉ báo oscillator nào có được.

Chiến lược này được hình thành khi có sự xuất hiện của 3 giá trị AO hay 3 biểu đồ cột thỏa mãn các điều kiện sau:

Đĩa bay tăng: Tín hiệu vào lệnh Buy

  • Chỉ báo AO nằm trên đường 0
  • Bao gồm 3 thanh (cột), 2 thanh đầu tiên là màu đỏ, thanh thứ ba là thanh màu xanh
  • Thanh đỏ thứ hai phải ngắn hơn thanh đỏ thứ nhất
  • Thanh màu xanh thứ 3 cao hơn thanh đỏ thứ 2 thì tín hiệu sẽ đáng tin cậy hơn.
  • Chiến lược giao dịch như sau: Chờ đợi sự xuất hiện của đĩa bay tăng và vào lệnh Buy tại giá mở cửa của cây nến thứ 4

Hình trên là đồ thị của USD/CAD trên khung thời gian H4. Với chiến lược này, các bạn cũng đã kiếm được một khoản kha khá rồi đấy.

Đĩa bay giảm: Tín hiệu vào lệnh Sell

  • Chỉ báo AO nằm dưới đường 0
  • Bao gồm 3 thanh (cột) liên tiếp, 2 thanh đầu tiên là thanh xanh, thanh thứ ba là thanh đỏ
  • Thanh xanh thứ 2 ngắn hơn thanh xanh thứ nhất, thanh đỏ dài hơn thanh xanh thứ hai
  • Chiến lược giao dịch như sau: chờ đợi đĩa bay giảm xuất hiện và vào lệnh Sell khi cây nến thứ 4 mở cửa.

Tuy nhiên, các bạn để ý sẽ thấy, ở cả 2 mô hình đĩa bay, chúng ta chỉ vào lệnh Buy khi AO nằm trên đường 0 (xu hướng tăng) và chỉ vào lệnh Sell khi AO nằm dưới đường 0 (xu hướng giảm). Vậy thì ở cả tín hiệu đĩa bay và tín hiệu giao cắt với đường 0 thì chúng ta đều phải giao dịch thuận xu hướng.

Hãy theo dõi ví dụ dưới đây:

Thị trường đang trong xu hướng chung là tăng. Đĩa bay giảm xuất hiện, nếu lúc này các bạn vào lệnh Sell thì chắc chắn đã bị thua lỗ.

Điều quan trọng nhất ở chiến lược giao dịch với đĩa bay chính là xác định xu hướng chung của thị trường và chỉ nên giao dịch thuận xu hướng. Nếu xu hướng mạnh, việc nhồi lệnh sẽ tích lũy được nhiều lợi nhuận hơn, tuy nhiên, nên cẩn thận với tín hiệu đảo chiều xu hướng.

Ở hình trên, trong một xu hướng giảm mạnh, AO nằm dưới đường 0 và kéo dài trong thời gian khá lâu. Đĩa bay giảm cũng xuất hiện liên tục, cho nhà đầu tư tín hiệu vào lệnh Sell. Nếu mạnh dạn nhồi lệnh, các bạn đã mang về lợi nhuận khá lớn.

Chiến lược kết hợp tín hiệu đỉnh đôi, đáy đôi và tín hiệu phân kỳ, hội tụ

Với các indicator thì tín hiệu phân kỳ, hội tụ đã quá quen thuộc.

  • Phân kỳ khi giá tạo đỉnh cao hơn nhưng chỉ báo tạo đỉnh thấp hơn, giá có xu hướng đảo chiều giảm.
  • Hội tụ khi giá tạo đáy thấp hơn nhưng chỉ báo tạo đáy cao hơn, giá có xu hướng đảo chiều tăng.

Tín hiệu đỉnh đôi, đáy đôi của Awesome Oscillator:

  • Tín hiệu đỉnh đôi giảm: Vào lệnh Sell
  • Chỉ báo AO nằm trên đường 0
  • Có 2 đỉnh kề nhau và đỉnh thứ 2 thấp hơn đỉnh thứ nhất
  • Ngay sau đỉnh thứ 2 là một thanh đỏ
  • Vào lệnh Sell khi thanh đỏ phía sau đỉnh thứ 2 kết thúc.
  • Tín hiệu đáy đôi tăng: Vào lệnh Buy
  • Chỉ báo AO nằm dưới đường 0
  • Có 2 đáy kề nhau và đáy sau cao hơn đáy trước
  • Ngay sau đáy thứ 2 là một thanh màu xanh
  • Vào lệnh Buy khi thanh màu xanh phía sau đáy thứ 2 kết thúc

Cách giao dịch với chiến lược kết hợp này như sau:

  • Vào lệnh Buy khi xuất hiện đồng thời đáy đôi tăng và sự hội tụ giữa giá và AO.
  • Vào lệnh Sell khi xuất hiện đồng thời đỉnh đôi giảm và sự phân kỳ giữa giá và AO.

Đối với chiến lược này, các bạn có thể đặt stop loss cách đỉnh gần nhất khoảng vài pip đối với lệnh Sell và cách đáy gần nhất vài pip đối với lệnh Buy.

Sau khi đọc xong bài viết này thì các bạn có kết luận được Awesome Oscillator có tuyệt vời như tên gọi của nó hay không?

Hầu hết tất cả các tín hiệu mà AO cung cấp đều xuất hiện với tần suất khá cao, chính vì thế mà không ít các tín hiệu gây nhiễu. Đối với những trader chuyên nghiệp, họ đủ khả năng để nhận biết tín hiệu nào tốt, tín hiệu nào gây nhiễu, sử dụng chúng một cách nhuần nhuyễn thì chỉ báo này thật sự là một công cụ tuyệt vời. Ngược lại, các trader mới, các bạn hay nóng vội, không hiểu rõ bản chất, thành ra với tín hiệu nào các bạn cũng vào lệnh và kết quả là “lành ít, dữ nhiều”. Vì vậy, để chỉ báo Awesome Oscillator tuyệt vời đúng như cái tên của nó thì các bạn, đặc biệt là những trader mới, chỉ nên giao dịch thuận xu hướng, tìm kiếm cơ hội vào lệnh chắc chắn, ít giao dịch nhưng đã giao dịch thì hiệu quả phải cao, cẩn thận với giao dịch đảo chiều vì thị trường này không dễ xơi như bạn nghĩ.

Và cũng giống như mọi indicator khác, Awesome Oscillator cũng không phải là một chỉ báo mạnh khi sử dụng độc lập, các bạn nên kết hợp nó với một số phương pháp, hay chỉ báo khác như một sự xác nhận lại tín hiệu của AO, để kết quả giao dịch được tốt nhất.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Chỉ báo Awesome Oscillator là gì?

Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Các bài viết liên quan

Bình luận
Subscribe
Notify of
guest
3 Góp ý
oldest
newest most voted
Inline Feedbacks
View all comments
VanPhu Nguyen
VanPhu Nguyen
2 years ago

Cảm ơn bạn về những hướng dẫn tận tình và chu đáo.

Trung
Trung
1 year ago

Chỉ báo này dc nhiều trader nước ngoài dùng trong ptkt

Thanh Vũ
Thanh Vũ
1 year ago

Thánks u bạn nhiều .. chỉ báo rất tuyệt vời nè