Giá và khối lượng là 2 yếu tố cốt lõi của trường phái phân tích kỹ thuật, mối tương quan trong sự dịch chuyển của giá và khối lượng là cơ sở để các nhà phân tích nhận định xu hướng của thị trường. Tuy nhiên, hầu hết các chỉ báo kỹ thuật phổ biến nhất hiện nay chỉ được tính toán dựa trên giá cả, từ các dữ liệu giá trong quá khứ mà xác định chuyển động của giá trong tương lai, chúng ta sẽ rất ít khi bắt gặp các chỉ báo khối lượng.
Trong bài viết lần này, kienthucforex.com sẽ giới thiệu đến các bạn chỉ báo OBV, một indicator không mấy phổ biến trong giao dịch forex nhưng khả năng cung cấp các tín hiệu về xu hướng giá của nó thì chúng ta không thể xem thường.
Chỉ báo OBV là gì?
OBV là viết tắt của On Balance Volume (Khối lượng cân bằng), là một chỉ báo khối lượng, có chức năng đo lường động lực của xu hướng dựa vào mối tương quan trong sự di chuyển của giá và khối lượng. Hoặc là động lực của xu hướng được củng cố, thị trường tiếp diễn xu hướng hoặc là động lực của xu hướng đang dần yếu đi, thị trường có khả năng đảo chiều sang xu hướng mới.
Chỉ báo OBV được phát triển bởi Joseph Granville (20/03/1923 – 07/09/2013), một thiên tài phân tích kỹ thuật nổi lên như một làn sóng mạnh mẽ vào những năm 1960. Ngoài OBV thì Joseph Granville còn để lại một gia tài quý báu, được nhiều trader sử dụng như một quy luật giao dịch phổ biến trên các thị trường tài chính, đó là 8 quy tắc vàng về đường trung bình di động MA200. Trong thời gian sớm nhất sắp tới, chúng tôi sẽ dành riêng một bài viết để chia sẻ với các bạn về 8 quy tắc này.
Joseph Granville cho rằng, thứ nhất, khối lượng luôn đi trước giá; thứ hai, vì khối lượng thể hiện tính thanh khoản, mà áp lực của thanh khoản sẽ tác động đến giá nên sự di chuyển của khối lượng sẽ tạo thành các tín hiệu dẫn dắt cho hướng đi của giá.
Công thức tính chỉ báo OBV
Công thức tính OBV phụ thuộc vào biến động giá và khối lượng giao dịch là biến số duy nhất cấu thành nên giá trị của OBV.
Cụ thể: Ở phiên giao dịch thứ n (phiên giao dịch hiện tại), nếu:
- Close (n) > Close (n-1) thì OBV (n) = OBV (n-1) + Volume (n)
- Close (n) < Close (n-1) thì OBV (n) = OBV (n-1) + [– Volume (n)]
- Close (n) = Close (n-1) thì OBV (n) = OBV (n-1)
Trong đó: Close (n): giá đóng cửa của phiên giao dịch hiện tại, Close (n-1): giá đóng cửa phiên giao dịch trước đó, Volume (n): khối lượng giao dịch của phiên hiện tại.
Khi ra mắt chỉ báo OBV thông qua cuốn sách Granville’s New Key to Stock Market Profit (Dịch: Chìa khóa mới của Granville để tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán), tác giả có đề cập đến 2 khái niệm: dòng khối lượng âm và dòng khối lượng dương. Nếu giá đóng cửa thấp hơn so với phiên giao dịch trước đó thì toàn bộ khối lượng giao dịch trong phiên được xem là khối lượng âm và nó sẽ được nhân với hệ số (-1) (trong công thức sẽ trở thành phép trừ) để thể hiện sự biến động giảm giá của phiên đó.
Cách tính OBV ở trên gọi là phương pháp tích lũy dòng khối lượng. OBV sau sẽ bằng OBV trước cộng với dòng khối lượng dương nếu giá biến động tăng, ngược lại sẽ cộng với dòng khối lượng âm nếu giá biến động giảm.
Lưu ý: Thông thường, giá mở cửa của phiên giao dịch này chính là giá đóng cửa của phiên giao dịch trước đó, chính vì thế, nhiều người so sánh Close (n) và Open (n) với nhau để suy ra công thức tính của OBV, nhưng sử dụng Open (n) thay cho Close (n-1) là không chính xác vì không phải lúc nào giá mở cửa của phiên sau cũng bằng giá đóng cửa phiên trước, đó là lúc thị trường tạo GAP.
Khi sử dụng chỉ báo OBV để phân tích, tác giả không chú trọng vào giá trị của OBV mà là di chuyển của nó trên đồ thị cùng với di chuyển của giá, chính vì thế, giá trị OBV tại thời điểm n=0 có giá trị bằng 0.
Ý nghĩa của chỉ báo OBV. Mối tương quan giữa chuyển động của OBV và giá
- Chỉ báo OBV tăng (đường OBV có xu hướng đi lên) khi khối lượng giao dịch của các phiên tăng giá cao hơn khối lượng giao dịch các phiên giảm giá hay dòng khối lượng dương lớn hơn dòng khối lượng âm. Chỉ báo OBV tăng phản ánh được áp lực mua đang cao hơn so với áp lực bán, giá có khả năng tăng cao hơn.
- Chỉ báo OBV giảm (đường OBV có xu hướng đi xuống) khi khối lượng giao dịch của các phiên giảm giá cao hơn khối lượng giao dịch các phiên tăng giá hay dòng tiền âm lớn hơn dòng tiền dương. Chỉ báo OBV giảm phản ánh áp lực bán đang cao hơn, giá có khả năng sẽ giảm xuống.
- Chỉ báo OBV tăng nhưng giá không thay đổi hoặc giảm chứng tỏ lực giảm của giá đã dần yếu đi, khả năng cao là giá sẽ đảo chiều tăng.
- Chỉ báo OBV giảm nhưng giá không thay đổi hoặc tăng chứng tỏ lực tăng của giá dần yếu đi, khả năng cao là giá sẽ đảo chiều giảm.
Hướng dẫn cài đặt chỉ báo OBV trên phần mềm MT4
Để chèn chỉ báo OBV vào đồ thị giá, các bạn làm theo đường dẫn sau: Insert ? Indicators ? Volumes ? On Balance Volume.
Tham khảo: MT4 là gì? Hướng dẫn sử dụng phần mềm MT4 chi tiết nhất
Hộp thoại cài đặt hiện ra như sau:
Đối với chỉ báo OBV, các bạn chỉ cần cài đặt tab Parameters. Tại ô Apply to, chọn Close, sau đó chọn màu sắc và độ dày mỏng cho đường OBV, 2 ô Fixed minimum và Fixed Maximum để nguyên như mặc định, không bấm tick chọn, rồi bấm OK.
Tab Visualization là để lựa chọn khung thời gian muốn chèn chỉ báo vào.
Chỉ báo OBV sau khi cài đặt sẽ hiển thị trên đồ thị giá như hình dưới:
Cách sử dụng hiệu quả chỉ báo OBV trong giao dịch forex
Tín hiệu củng cố xu hướng
Tín hiệu này xuất phát từ mối quan hệ giữa khối lượng và giá: khi giá tăng cộng với khối lượng giao dịch lớn, nghĩa là áp lực tăng đang rất mạnh, giá sẽ tiếp tục tăng lên và ngược lại.
Nếu xu hướng của OBV và giá giống nhau thì xu hướng của giá được củng cố nhờ sự hỗ trợ của khối lượng hay tính thanh khoản.
Ví dụ:
Cả giá và OBV đều đang trong xu hướng tăng khi tạo đáy mới cao hơn, đỉnh mới cao hơn. Sự ủng hộ của OBV làm cho xu hướng tăng của giá được củng cố. Sau giai đoạn tăng đầu tiên, thị trường bắt đầu tái tích lũy. Sau đợt tái tích lũy, giá sẽ bức phá và tiếp tục xu hướng tăng. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể ngoại trừ trường hợp giá phá vỡ ngưỡng hỗ trợ trong vùng tích lũy và đâm thẳng xuống dưới.
Quay trở lại đồ thị OBV, khi giá hình thành đợt tích lũy, OBV cũng rơi vào giai đoạn tích lũy, nhưng OBV lại di chuyển trong một range đi ngang rõ rệt. Khi OBV breakout ngưỡng kháng cự của range và tăng thì tín hiệu tăng của giá được củng cố hơn, khả năng giá tiếp tục tăng cao hơn. Nếu các bạn vào lệnh Buy ngay sau khi OBV breakout ngưỡng kháng cự thành công thì sẽ có lợi nhuận, stop loss tại vùng giá thấp nhất của giai đoạn tái tích lũy, đóng lệnh khi xuất hiện tín hiệu giá đảo chiều.
Tín hiệu phân kỳ/hội tụ
Tín hiệu này bắt nguồn từ mối tương quan trong sự di chuyển của OBV và giá.
Phân kỳ khi giá tăng (tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước) nhưng OBV giảm (tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước): khi giá đang trong xu hướng tăng mà OBV giảm nghĩa là dòng khối lượng âm lớn hơn dòng khối lượng dương, áp lực bán đang cao hơn, chứng tỏ đà tăng của xu hướng đó đang yếu đi, khả năng cao là giá sẽ đảo chiều giảm.
Hội tụ khi giá giảm (tạo đáy sau thấp hơn đáy trước) nhưng OBV tăng (tạo đáy sau cao hơn đáy trước): OBV tăng khi dòng khối lượng dương lớn hơn dòng khối lượng âm, áp lực mua đang chiếm ưu thế, mà giá lại đang trong xu hướng giảm, điều này chứng tỏ đà giảm của xu hướng này đang dần yếu đi, khả năng cao là thị trường sẽ đảo chiều tăng.
Ví dụ:
Ở giai đoạn đầu, giá đang trong xu hướng giảm, chiều giảm của OBV cũng ủng hộ cho xu hướng này. Tuy nhiên, về cuối xu hướng, trong khi giá vẫn tạo đáy thấp hơn thì OBV lại tạo đáy cao hơn, điều này chứng tỏ áp lực bán đang dần yếu đi, đà giảm của xu hướng yếu đi, giá sẽ đảo chiều tăng. Qua giai đoạn sau, OBV cũng tăng lên, củng cố thêm cho xu hướng tăng của giá.
Ở giai đoạn đầu, giá đang trong xu hướng tăng, khi giá tạo đỉnh mới cao hơn thì OBV lại tạo đỉnh mới thấp hơn, chứng tỏ đà tăng của xu hướng đang giảm dần, giá có khả năng đảo chiều giảm. Tín hiệu này càng được xác nhận một lần nữa khi OBV bắt đầu phá ngưỡng hỗ trợ để đi xuống, củng cố thêm cho xu hướng giảm sau đó.
Tín hiệu phá vỡ các ngưỡng quan trọng
Cũng tương tự như giá, khi đi vào các vùng volume quan trọng, khối lượng cũng sẽ phản ứng rất mạnh mẽ, đặc biệt, khi phá vỡ các vùng/ngưỡng quan trọng đó thì khối lượng giao dịch cũng sẽ biến động mạnh theo một hướng nhất định.
Các trader sử dụng tín hiệu này như một công cụ xác nhận tín hiệu đảo chiều của giá. Cụ thể:
- Khi giá có tín hiệu đảo chiều tăng, nếu OBV phá vỡ ngưỡng kháng cự mạnh và tăng lên thì tín hiệu đảo chiều tăng của giá được củng cố hơn, đáng tin cậy hơn.
- Khi giá có tín hiệu đảo chiều giảm, nếu OBV phá vỡ ngưỡng hỗ trợ mạnh và giảm xuống thì tín hiệu đảo chiều giảm của giá càng đáng tin cậy hơn, giao dịch có xác suất thành công cao hơn.
Ví dụ:
Khi giá phá vỡ trendline của xu hướng tăng, dự báo khả năng giá sẽ đảo chiều giảm. Lúc này, OBV cũng bắt đầu phá vỡ ngưỡng hỗ trợ và đi xuống, xác nhận lại tín hiệu đảo chiều giảm của giá.
Ngược lại với trường hợp ở trên, lúc này, giá đang trong xu hướng giảm, khi giá phá vỡ trendline của xu hướng, thị trường có khả năng đảo chiều tăng. Tín hiệu này được xác nhận lại và tăng độ tin cậy hơn khi OBV cũng bắt đầu phá vỡ ngưỡng kháng cự của range giá trong giai đoạn tích lũy và đi lên.
Khi giao dịch với tín hiệu phân kỳ/hội tụ giữa giá và OBV, có lẽ việc khó nhất là xác định điểm vào lệnh hợp lý. Thông thường, giá sẽ phá vỡ trendline trước khi OBV phá vỡ các mức cản, và tín hiệu OBV phá vỡ các mức cản này chính là một sự xác nhận lại, vì thế, nếu giao dịch với tín hiệu này, các bạn phải đợi sau khi OBV phá vỡ cản thành công thì mới vào lệnh.
OBV không phải là một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh, càng không phải “chén thánh” nên việc sử dụng chỉ báo này một cách độc lập thường không mang về hiệu quả cao. Bên cạnh đó, việc xác định các điểm vào lệnh, thoát lệnh đẹp cũng không phải sở trường của chỉ báo này. Chính vì thế, khi sử dụng OBV, các bạn cần kết hợp thêm các công cụ phân tích khác như chỉ báo kỹ thuật, mô hình nến, mô hình giá… để giao dịch đạt hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn, các bạn có thể sử dụng tín hiệu phân kỳ, hội tụ từ chỉ báo OBV để xác định hướng giao dịch, kết hợp chỉ báo RSI xác định vùng quá mua, quá bán để xác nhận lại tín hiệu đảo chiều từ OBV, đồng thời dùng mô hình nến đảo chiều để vào lệnh, dùng các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự để đặt stop loss, take profit…
Có thể nói rằng, trong số tất cả các indicators thì OBV là chỉ báo kỹ thuật tốt nhất trong việc thể hiện mối tương quan giữa giá và khối lượng, cung cấp tín hiệu xác nhận xu hướng cực kỳ hiệu quả. Điều các bạn cần làm là luyện tập giao dịch thật nhiều với chỉ báo này bằng cách kết hợp thêm những công cụ phân tích khác để tạo thành một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh nhất cho riêng mình. Hy vọng rằng, qua những gì mà chúng tôi chia sẻ trong bài viết, các bạn đã hiểu rõ hơn về chỉ báo đặc biệt này và có thể sử dụng nó một cách thuần thục, hiệu quả nhất.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.