Dow Jones là một trong những chỉ số chứng khoán phổ biến và quan trọng nhất của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Chỉ số này phản ánh được sức khỏe nền kinh tế của Mỹ, vì thế mà bất kỳ một sự kiện chính trị hay kinh tế quan trọng nào xảy ra, người ta cũng đều quan tâm đến sự thay đổi của chỉ số này đầu tiên. Nếu bạn là một nhà đầu tư chứng khoán hay chỉ là một người quan tâm đến kinh tế thế giới thì không thể không biết về chỉ số Dow Jones. Trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, sau các cổ phiếu blue chip thì Dow Jones là sự lựa chọn của rất nhiều nhà đầu tư, và trên thị trường forex cũng vậy, chỉ số này cũng chỉ xếp sau các cặp tỷ giá chính và vàng về mức độ quan tâm cũng như khối lượng giao dịch.

Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu Dow Jones là gì? Dow Jones được đầu tư theo những hình thức nào và chỉ số này quan trọng ra sao đối với nền kinh tế thế giới.

Lịch sử ra đời của chỉ số Dow Jones

Trước khi tìm hiểu Dow Jones là gì thì chúng ta sẽ cùng điểm sơ lại lịch sử ra đời của chỉ số chứng khoán nói chung và Dow Jones nói riêng.

Trước đây, nhà đầu tư chỉ quan tâm đến những cổ phiếu mà mình đang nắm giữ và không mấy mặn mà với những cổ phiếu khác. Người ta chỉ biết mỗi cổ phiếu tăng hay giảm trong hôm nay chứ không thể biết được thị trường chung đang tăng hay giảm vì có đến hàng trăm thậm chí hàng nghìn cổ phiếu được niêm yết trên một sàn, không thể nhìn sơ qua là biết ngay được mà phải có một cái gì đó để đại diện cho toàn thị trường. Chính Charles Dow, người đã tạo ra lý thuyết Dow nổi tiếng và cũng là cha đẻ của trường phái phân tích kỹ thuật, ông đã sớm nhận ra được điều này, ông cho rằng hầu hết các cổ phiếu đều chịu ảnh hưởng bởi thị trường và nền kinh tế chung vì thế ông đã cố gắng để tìm ra một đại lượng kinh tế phản ánh được xu hướng chung của toàn thị trường. Đại lượng đó ngày nay gọi là chỉ số chứng khoán.

Ngày 3/7/1884, Charles Dow đưa ra một khái niệm về mức trung bình của 11 công ty vận tải, trong đó bao gồm 9 công ty vận tải đường sắt của Mỹ trong tờ báo Wall Street Journal. Khái niệm này cũng chính là tiền thân của chỉ số chứng khoán.

Sự ra đời của chỉ số Dow Jones

Chỉ số này được tính toán lần đầu tiên vào ngày 26/5/1896, Dow Jones đã lấy giá đóng cửa của 12 công ty lớn nhất thuộc nhóm ngành công nghiệp Mỹ và tính trung bình của các mức giá đó. Và mức giá đầu tiên được công bố trên The Wall Street Journal là 40.94$, đây cũng chính là giá trị đầu tiên của chỉ số Dow Jones này. Đến năm 1916, số lượng cổ phiếu để tính ra chỉ số này đã thay đổi thành 20, rồi tiếp tục 30 vào năm 1928 và duy trì con số này đến tận bây giờ.

Chỉ số Dow Jones là gì?

Chỉ số Dow Jones, tên gọi đầy đủ là Dow Jones Industrial Average (DJIA) Index – Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones, là một chỉ số chứng khoán của thị trường chứng khoán Mỹ, được tính từ giá đóng cửa của 30 cổ phiếu blue chip, niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York và Nasdaq. 30 công ty này thuộc các ngành công nghiệp khác nhau như tài chính, công nghệ, bán lẻ, tiêu dùng, giải trí…

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số này được ký hiệu là DJIA, Dow 30, DJ30…

Danh sách các công ty hiện nay cấu thành nên chỉ số Dow Jones:

Danh sách này không cố định mà có thể thay đổi. Nếu cổ phiếu nào không còn đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn của một cổ phiếu blue chip trên thị trường chứng khoán Mỹ thì sẽ bị loại khỏi danh sách này. Trong số 30 cổ phiếu được lựa chọn để tính chỉ số Dow Jones thì chỉ có duy nhất General Electric là vẫn tồn tại trong danh sách từ trước đến nay.

Chính các biên tập viên của tờ báo The Wall Street Journal là những người trực tiếp lựa chọn 30 cổ phiếu trong danh sách trên. Họ dựa vào danh tiếng, sự tăng trưởng bền vững và mức độ quan tâm của nhà đầu tư đến mỗi cổ phiếu để đưa ra quyết định sau cùng chứ không có một bộ quy tắc cụ thể nào dành cho các công ty này cả.

Công thức tính chỉ số Dow Jones

Không chỉ Dow Jones mà một vài chỉ số khác như JP225 của Nhật hay MBI của Ý cũng áp dụng phương pháp số bình quân giản đơn. Công thức khá đơn giản, giá trị của chỉ số bằng tổng thị giá của các cổ phiếu chia cho số cổ phiếu trong danh sách được tính toán.

DJIA = ∑Pi /n

Với Pi là giá của mỗi cổ phiếu, n là tổng số cổ phiếu được tính toán, trong trường hợp này thì n bằng 30.

Tuy nhiên, trong quá trình tính toán, sẽ có một số yếu tố liên quan đến nghiệp vụ vốn của các công ty như tách, gộp cổ phiếu, thưởng cổ phần, phát hành cổ phiếu mới, bán chứng quyền, cổ phiếu trong rổ đại diện bị giảm giá trong những ngày giao dịch không có cổ tức…làm cho giá trị của chỉ số bị thay đổi trong khi giá cổ phiếu thực chất không đổi. Để loại bỏ các yếu tố này và làm cho chỉ số chứng khoán có thể phản ánh đúng sự biến động của giá cả trên thị trường mà người ta sử dụng một số chia (hay ước số – divisor), số chia này sẽ liên tục thay đổi khi xảy ra bất kỳ một sự kiện nào liên quan đến nghiệp vụ vốn của các công ty như đã nói ở trên.

Lúc này, công thức tính của chỉ số Dow Jones sẽ được thay đổi như sau:

DJIA = ∑Pi /D, với D chính là số chia.

Ví dụ: vì chỉ số DJIA được tính dựa trên 30 cổ phiếu, nên chúng tôi chỉ lấy ví dụ với 3 cổ phiếu để các bạn dễ hình dung hơn về cách tính chỉ số này.

Vào ngày thứ 3, công ty B tiến hành tách cổ phiếu làm cho giá giảm xuống còn một nửa.

Chỉ số DJIA vào ngày thứ 1 là (50 + 48 + 45)/3 = 47.67

Chỉ số DJIA vào ngày thứ 2 là (55 + 48 + 44)/3 = 49

Ở ngày thứ 3, chỉ số DJIA không thể tính theo công thức trên vì thực chất giá cổ phiếu không đổi nên chỉ số DJIA cũng không đổi. Lúc này, số chia D được xác định bằng quy tắc tam suất như sau:

Ngày thứ 2 (ngày cuối cùng trước khi xảy ra nghiệp vụ vốn) thì tổng giá cổ phiếu là 147, có số chia là 3.

Ngày thứ 3 (ngày xảy ra sự kiện liên quan đến nghiệp vụ vốn) với tổng giá cổ phiếu là 123 thì số chia sẽ là D.

147————-3

123————-D

D = (123*3)/147 = 2.51

Suy ra chỉ số DJIA của ngày thứ ba sẽ là 123/2.51 = 49.

Giả sử ngày thứ 4, giá cổ phiếu như sau: A: 57, B: 26 và C: 44 thì chỉ số DJIA sẽ là (57 + 26 + 44)/2.51 = 50.6

Các chỉ số khác trong bộ chỉ số Dow Jones

Ngoài Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones (DJIA) thì còn 3 chỉ số khác nữa cũng được phát triển bởi Charles Dow, đó là Chỉ số trung bình vận tải Dow Jones, Dow Jones dịch vụ công cộng và Dow Jones hỗn hợp.

  • Dow Jones Vận tải (Dow Jones Transportation Average – DJTA): đây chính là chỉ số chứng khoán đầu tiên đã được chúng tôi nhắc đến ở phần lịch sử của chỉ số chứng khoán. Ngày nay, chỉ số này bao gồm 20 cổ phiếu của các công ty đại diện cho ngành đường sắt, đường thủy và hàng không, được niêm yết tại Sàn giao dịch chứng khoán New York. Mặc dù hiện tại chỉ số này đã được sáp nhập vào chỉ số Dow Jones (Dow Jones hỗn hợp) và không còn xuất hiện trên thị trường chứng khoán Mỹ nhưng các công ty đường sắt của Mỹ vẫn tính toán chỉ số này để đánh giá thực trạng nội bộ của ngành. Tuy nhiên, các trader muốn đầu tư vào chỉ số này không khó, DJTA vẫn được các sàn forex đưa vào danh mục các chỉ số được giao dịch trên thị trường.
  • Dow Jones dịch vụ công cộng (Dow Jones Utility Average – DJUA): chỉ số này bao gồm 15 công ty lớn nhất ngành khí đốt và điện ở Mỹ. DJUA được công bố lần đầu tiên vào tháng 1/1929 trên tờ The Wall Street Journal.
  • Dow Jones hỗn hợp: là chỉ số chung của 65 cổ phiếu trong cả 3 chỉ số Dow Jones nói trên.

Trong cả 4 chỉ số Dow Jones kể trên thì DJIA là chỉ số được sử dụng phổ biến nhất và cũng chính là thước đo của thị trường chứng khoán Mỹ. Chính vì thế, khi nhắc đến chỉ số Dow Jones, người ta thường sẽ nói đến Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones.

Tầm quan trọng của chỉ số Dow Jones

Mặc dù được tính toán dựa trên dữ liệu giá của chỉ 30 công ty trong tổng số rất rất nhiều cổ phiếu được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, tuy nhiên, đây lại là 30 công ty lớn nhất quốc gia này. Xét về danh tiếng thì khỏi phải bàn, giá trị vốn hóa lại cao nhất trên thị trường chứng khoán và sự quan tâm của hầu hết các trader trên toàn thế giới là cũng là cao nhất nên việc sử dụng chỉ số Dow Jones làm đại diện cho toàn thị trường cũng không có gì phải thắc mắc.

Bên cạnh đó, 30 công ty này không chỉ tập trung tại một lĩnh vực công nghiệp nhất định mà bao hàm rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghệ, giải trí, thương mại, hàng tiêu dùng đến bán lẻ…gần như đầy đủ các lĩnh vực nòng cốt của kinh tế Mỹ hiện tại.

Dow Jones phản ứng mạnh mẽ với những tác động chính trị, kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn như thiên tai, chiến tranh, các bất ổn trong hệ thống chính trị, các chính sách kinh tế về lãi suất, lạm phát hay các chỉ số kinh tế khác như tỷ lệ thất nghiệp, GDP, xuất nhập khẩu… Bất kỳ một sự thay đổi lớn nào trong những yếu tố hay sự kiện đó cũng đều tác động đến giá trị của chỉ số Dow Jones.

Do đó, có thể nói, tình trạng kinh tế, chính trị của Hoa Kỳ sẽ tác động trực tiếp đến chỉ số Dow Jones hay nói cách khác, nhìn vào Dow Jones, chúng ta có thể hình dung được bức tranh tổng thể của nền kinh tế của quốc gia này, mà Mỹ đang là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới, nên chỉ số Dow Jones cũng phản ánh phần nào sức khỏe của cả nền kinh tế thế giới.

Nghiên cứu về chỉ số Dow Jones là việc làm hết sức quan trọng, những biến đổi lớn trong giá trị của Dow Jones sẽ tác động rất lớn đến tâm lý của đa số nhà đầu tư trên toàn thế giới, dẫn đến xu hướng chung trong hành vi của họ đối với thị trường chứng khoán và cả thị trường forex.

Quan trọng là thế, nhưng một số nhà kinh tế vẫn cho rằng chỉ số Dow Jones tồn tại một số nhược điểm nhất định:

Thứ nhất, con số 30 có lẽ hơi ít so với một thị trường rất lớn, hơn nữa, Dow Jones chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp nên khó có thể phản ánh chính xác được thực trạng của các lĩnh vực quan trọng khác.

Thứ hai, chỉ số Dow Jones được tính toán dựa trên giá cả của cổ phiếu nên không thể phản ánh đúng giá trị nội tại hay hiệu suất thực tế của các công ty thành phần chứ chưa nói đến hiệu suất thực của nền kinh tế.

Thứ ba, một sự thay đổi lớn về giá của một cổ phiếu bất kỳ có thể làm thay đổi lớn đến chỉ số Dow Jones, nhưng không đồng nghĩa với việc nó có ảnh hưởng đến toàn thị trường.

Chính vì những nhược điểm đó mà các trader ngày càng cẩn trọng hơn trong việc giao dịch chỉ số này, điều quan trọng là theo dõi và phân tích các điều kiện thị trường một cách tổng quát và cụ thể nhất để tránh những sai lầm không đáng có.

Đầu tư vào chỉ số Dow Jones trên các thị trường tài chính.

Ngày nay, các trader có thể đầu tư vào chỉ số nổi tiếng này trên 2 thị trường tài chính chủ yếu, đó là thị trường chứng khoán và thị trường forex.

Với thị trường chứng khoán, sân chơi này chỉ dành cho các nhà đầu tư Mỹ, đơn giản vì Dow Jones là chỉ số chứng khoán của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.

Các trader muốn đầu tư vào chỉ số Dow Jones có thể thông qua các chứng khoán phái sinh như Hợp đồng quyền chọn hay Hợp đồng tương lai hoặc một cách thông thường nhất là đầu tư vào các cổ phiếu trong danh sách các cổ phiếu được sử dụng để tính chỉ số này.

Hợp đồng quyền chọn Chỉ số Dow Jones được các trader giao dịch nhiều nhất chính là Hợp đồng quyền chọn với mã DJX được phát hành bởi CBOE (The Chicago Board Options Exchange – Sàn giao dịch quyền chọn Chicago).

Với Hợp đồng tương lai thì tiêu biểu là E-mini Dow ($5) Futures, sản phẩm phái sinh này được giao dịch trên CME (Chicago Mercantile Exchange – Sàn giao dịch hàng hóa Chicago) và CBOT (Chicago Board of Trade – Sàn giao dịch Chicago).

Ngoài ra, trader còn có thể đầu tư vào các Quỹ hoán đổi danh mục ETF. Một vài trong số đó như Dow Diamonds, The Proshares Trust Ultra Dow 30 hay Diamonds Trust…các quỹ này thông thường sẽ nắm giữ toàn bộ các cổ phiếu trong rổ cổ phiếu Dow Jones hoặc phản ánh gần nhất các biến động của chỉ số này.

Ở thị trường chứng khoán Việt Nam, một chỉ số cũng tương tự như DJIA, chính là VN30, các trader Việt có thể đầu tư vào chỉ số này.

Bên cạnh đó, như đã nói, chỉ số Dow Jones không chỉ phản ánh sức khỏe nền kinh tế Mỹ mà nó còn cho thấy tình hình chung của nền kinh tế toàn cầu, chính vì thế mà tất cả những nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thế giới đều quan tâm đến chỉ số này. Để theo dõi sự biến động của Dow Jones, các bạn có thể xem biểu đồ và lịch sử giá của nó thông qua rất nhiều trang web khác nhau, chẳng hạn như vn.investing.com.

Ngược lại, với thị trường forex, không chỉ riêng các trader Hoa Kỳ mà tất cả trader trên toàn thế giới đều có cơ hội giao dịch chỉ số Dow Jones.

Hiện nay, hầu hết các sàn forex đều đưa chỉ số vào danh mục sản phẩm được giao dịch của mình đến nhà đầu tư, và tất nhiên là không thể thiếu Dow Jones. Tùy vào mỗi sàn mà chỉ số này được ký hiệu theo nhiều cách khác nhau, có thể là DJ30, Dow 30 hoặc US30…

Để giao dịch chỉ số Dow Jones trên thị trường forex, nhà đầu tư sẽ mua bán chỉ số này thông qua Hợp đồng chênh lệch CFDs, giống với cách thức mà các bạn giao dịch các cặp tỷ giá hay vàng.

Đồ thị nến của chỉ số Dow Jones (US 30) trên phần mềm MT4:

Không ai có thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của chỉ số Dow Jones trên thị trường chứng khoán thế giới. Mặc dù hiện nay có rất nhiều chỉ số chứng khoán nổi tiếng khác như S&P500 (SPX), NASDAQ Composite (IXIC) hay Russell 2000 nhưng Dow Jones vẫn được xem là chỉ số tiêu chuẩn nhất đại diện cho nền kinh tế. Ngày nay, việc tiếp cận các thông tin liên quan đến Dow Jones rất dễ dàng, điều này càng thu hút nhiều hơn sự tham gia đầu tư và giao dịch chỉ số này trên các thị trường tài chính thông qua các sản phẩm phái sinh mà chúng tôi đã trình bày ở trên. Với một nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hay forex thì chỉ số Dow Jones là một chỉ số kinh tế mà các bạn cần nghiên cứu và theo dõi thường xuyên, để kịp thời phản ứng với những biến động của thị trường được phản ánh trực tiếp vào chỉ số này.

Bạn vừa đọc bài viết: Dow Jones là gì ? Tìm hiểu về chỉ số Dow Jones Index

Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Các bài viết liên quan

Bình luận
Subscribe
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments