Theo dõi chỉ số chứng khoán là một trong những việc làm không thể thiếu của nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu vì nó phản ánh trực tiếp thực trạng hiện tại của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, mà điều này lại ảnh hưởng không nhỏ đến các quyết định mua/bán của nhà đầu tư trên thị trường này.

Với thị trường chứng khoán Mỹ, chúng ta đã không quá xa lạ với các chỉ số Dow Jones, Nasdaq hay S&P 500 thì trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng ta cũng không thể không nhắc đến các chỉ số như VN-Index, HNX Index, VN30, HNX30…

Và trong bài viết này, kienthucforex.com sẽ giới thiệu đến các bạn chỉ số VN-Index, chỉ số chứng khoán quan trọng và lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chỉ số VN-Index là gì?

VN-Index là chỉ số chứng khoán của Sở Giao Dịch Chứng Khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). VN-Index đại diện cho tất cả các cổ phiếu được niêm yết trên HOSE, thể hiện xu hướng biến động giá của toàn bộ số cổ phiếu này bằng cách so sánh tổng giá trị vốn hóa thị trường của chúng ở thời điểm hiện tại với thời kỳ gốc.

VN-Index ra đời vào ngày 28/07/2000, cũng là ngày giao dịch đầu tiên của Sở Giao Dịch Chứng Khoán TP Hồ Chí Minh, với 2 cổ phiếu được niêm yết đầu tiên là REE (Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh) và SAM (Công ty Cổ phần SAM Holdings). Chính vì thế, ngày 28/07/2000 được chọn làm thời kỳ gốc như đã nhắc đến ở trên, giá trị của chỉ số VN-Index tại thời kỳ gốc này là 100 điểm.

Công thức tính chỉ số VN-Index

VN-Index được Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước quy định tính toán theo phương pháp chỉ số bình quân Passcher.

Công thức:

Trong đó:

  • Pit là giá thị trường cổ phiếu i (giá đóng cửa) tại thời điểm tính toán chỉ số (hiện tại), Qit là số lượng cổ phiếu i (cổ phiếu thường) đang lưu hành (được niêm yết) trên thị trường ở thời điểm hiện tại.
  • Pi0, Qi0 lần lượt là giá thị trường và số lượng cổ phiếu i ở thời kỳ gốc.
  • n: tổng số công ty được niêm yết trên HOSE ở hiện tại, tính đến thời điểm hiện nay, n = 389.
  • m: tổng số công ty được niêm yết trên HOSE ở thời kỳ gốc, vào ngày 28/07/2000, m = 2.
  • 100: là hệ số nhân, được chọn bởi bộ phận quản lý bộ chỉ số.

Tổng Pit*Qit và tổng Pi0*Qi0 chính là tổng giá trị vốn hóa thị trường của tất cả công ty niêm yết ở thời điểm hiện tại và ở thời kỳ gốc.

Ví dụ: chỉ số VN-Index vào ngày 24/11/2020 là 995.76 điểm. Con số này có nghĩa là tổng giá trị thị trường của tất cả các công ty đang niêm yết trên HOSE vào ngày này gấp 9.9576 lần so với giá trị của thời kỳ gốc.

Chỉ số VN-Index được tính toán và công bố sau mỗi phiên giao dịch, theo đó, sự biến động của giá cả cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sẽ làm thay đổi đến giá trị của chỉ số. Vào cuối mỗi phiên giao dịch, giá trị chỉ số VN-Index sẽ được công bố, kèm theo đó là so sánh tăng hoặc giảm theo tỷ lệ phần trăm so với phiên giao dịch trước đó.

  • Các yếu tố làm thay đổi giá trị của chỉ số VN-Index

Yếu tố đầu tiên chắc chắn là giá cả của cổ phiếu. Giá cổ phiếu biến động liên tục trên thị trường dưới sự tác động của cung-cầu, khi giá cổ phiếu thay đổi, giá trị của VN-Index cũng sẽ thay đổi.

Yếu tố thứ hai chính là số lượng cổ phiếu lưu hành, là biến số thứ 2 trong công thức tính. Biến số này sẽ thay đổi khi cơ cấu lượng cổ phiếu bị thay đổi: thêm vào lượng cổ phiếu niêm yết mới (khi có những công ty mới được niêm yết), hủy bớt số lượng niêm yết (khi những công ty bị hủy niêm yết) hoặc tách/gộp cổ phiếu (các công ty mua bán, sáp nhập với nhau)…

Trong trường hợp giá cổ phiếu thay đổi nhưng số lượng cổ phiếu lưu hành không đổi thì VN-Index vẫn được tính với công thức ở trên. Nhưng nếu số lượng cổ phiếu lưu hành thay đổi do bất kỳ một hoạt động nào xảy ra, như đã đề cập ở trên thì công thức tính sẽ được điều chỉnh. Sở dĩ có sự điều chỉnh này là do mục đích của VN-Index là chỉ thể hiện sự biến động về giá trên toàn thị trường, nghĩa là giá tăng thì VN-Index tăng và ngược lại. Khi yếu tố số lượng cổ phiếu thay đổi cũng khiến cho giá trị VN-Index thay đổi, vì thế, khi nhìn thấy VN-Index tăng, chúng ta không thể biết được là giá cổ phiếu đang tăng hay sự gia tăng này là do sự thay đổi về số lượng, điều này thì không còn phù hợp với mục đích ban đầu của VN-Index nữa.

Trong công thức tính của VN-Index ở trên, tổng giá trị vốn hóa thị trường của tất cả các công ty niêm yết tại thời kỳ gốc chính là hệ số chia, trong các chỉ số trên những thị trường chứng khoán Mỹ như Dow Jones hay Nasdaq, chúng ta sẽ bắt gặp thường xuyên khái niệm hệ số chia này.

Khi thị trường có sự thay đổi về lượng cổ phiếu lưu hành, hệ số chia sẽ được điều chỉnh, cụ thể như sau:

  • Hệ số chia cũ = Tổng giá trị vốn hóa thị trường thời kỳ gốc
  • Hệ số chia mới = (Tổng giá trị vốn hóa thị trường sau khi thay đổi/tổng giá trị vốn hóa thị trường trước khi thay đổi) x hệ số chia cũ
  • Lúc này, VN-Index = (Tổng giá trị vốn hóa thị trường sau khi thay đổi/hệ số chia mới) x 100.

Ví dụ minh họa: vào thời kỳ gốc 28/07/2000, chỉ có 2 cổ phiếu được niêm yết là A và B.

  • Cổ phiếu A: giá 10, số lượng 500 → giá trị vốn hóa thị trường (GTVHTT) của A là 5,000
  • Cổ phiếu B: giá 14, số lượng 450 → GTVHTT của B là 6,300 → GTVHTT (A+B) = 11,300

Suy ra, VN-Index tại thời kỳ gốc là (11,300/11,300) x 100 = 100 điểm.

Đến ngày 31/08/2000, vẫn chỉ có 2 cổ phiếu A và B, giá cả thay đổi như sau:

  • Cổ phiếu A: giá 12, số lượng 500 → GTVHTT là 6,000
  • Cổ phiếu B: giá 13, số lượng 450 → GTVHTT là 5,850 → GTVHTT (A+B) = 11,850

Suy ra, VN-Index vào ngày 31/08/2000 là (11,850/11,300) x 100 = 104.87 điểm

Vào ngày 2/09/2000, có 1 công ty C được niêm yết mới trên thị trường:

  • Cổ phiếu A: giá 12, số lượng 500 → GTVHTT là 6,000
  • Cổ phiếu B: giá 17, số lượng 450 → GTVHTT là 7,650 → GTVHTT (A+B) = 13,650
  • Cổ phiếu C: giá 8, số lượng 700 → GTVHTT là 5,600 → GTVHTT (A+B+C) = 19,250

Hệ số chia cũ = 11,300

Tổng GTVHTT sau thay đổi = 19,250, Tổng GTVHTT trước thay đổi = 13,650

Hệ số chia mới = (19,250/13,650) x 11,300 = 15,936

Suy ra chỉ số VN-Index vào ngày 2/09/2000 là (19,250/15,936) x 100 = 120.59 điểm.

Nếu tiếp tục có sự thay đổi nữa thì hệ số chia mới lúc này sẽ trở thành hệ số chia cũ.

Biểu đồ chỉ số VN-Index từ trước đến nay

  • Xuất phát từ 100 điểm vào ngày 28/07/2000, chỉ số VN-Index liên tục tăng nhanh và đạt đỉnh lần đầu tiên vào khoảng tháng 5/2001, chỉ chưa đầy 1 năm, VN-Index đã tăng lên hơn 500 điểm cho thấy sự lạc quan và niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán nước nhà.
  • Sau đó, thị trường chứng khoán tiếp tục có những khởi sắc khi mà VN-Index tăng liên tục. Đến năm 2006, Việt Nam chính thức gia nhập WTO, nhà đầu tư đã có cơ hội chứng kiến đà tăng vô cùng mạnh mẽ, thị trường chứng khoán lúc bấy giờ rất nóng hổi. Đỉnh của VN-Index trong giai đoạn này đạt hơn 11,336 điểm.
  • Đến năm 2008, bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sự lạc quan của nhà đầu tư hoàn toàn biến mất, VN-Index “rơi tự do” kịch sàn, chỉ còn hơn 200 điểm.
  • Sau cuộc đại suy thoái đó thì Chính phủ bắt đầu thực hiện những chính sách kích cầu nền kinh tế, thị trường chứng khoán dần phục hồi và liên tục tăng trưởng. VN-Index một lần nữa tạo đỉnh vào khoảng đầu năm 2018, vượt qua cả đỉnh trong giai đoạn hưng thịnh 2006.
  • Sự kiện gần nhất, đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, nền kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, kéo theo đó là sự sụt giảm của chỉ số VN-Index. Chỉ trong vòng 3 tháng, VN-Index giảm gần 30% so với giá trị lúc đầu năm, một con số khiến nhà đầu tư phải lo lắng.
  • Ở thời điểm hiện tại, khi Việt Nam đã khống chế tốt đại dịch cộng với chính sách cắt giảm lãi suất, nền kinh tế dần phục hồi, nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đã lạc quan hơn, thị trường bắt đầu có sắc xanh trở lại.

Tầm quan trọng của chỉ số VN-Index

VN-Index có ý nghĩa lớn đối với thị trường

Là một chỉ số chứng khoán, đại diện cho thị trường chứng khoán nhưng VN-Index có ý nghĩa rất quan trọng trong nền kinh tế quốc gia. Sự quan tâm đến chỉ số này đối với những nhà kinh tế, chính phủ là không hề thua kém các chỉ số kinh tế khác như lãi suất, lạm phát hay GDP…

VN-Index đo lường hiệu suất hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mặc dù là một chỉ số của Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh nhưng HOSE là sàn giao dịch lớn nhất Việt Nam về cả số lượng và chất lượng doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp lớn, có tiếng đều được niêm yết trên sàn này nên VN-Index có đủ khả năng đại diện cho cả thị trường chứng khoán Việt Nam.

VN-Index đo lường sự biến động giá của tất cả các cổ phiếu được niêm yết, VN-Index tăng nghĩa là các công ty này làm ăn tốt, nhà đầu tư mua cổ phiếu nhiều hơn chứng tỏ thị trường chứng khoán hoạt động có hiệu quả.

VN-Index phản ánh được sức khỏe của nền kinh tế quốc gia.

Nền kinh tế của một quốc gia đang phát triển theo hướng tốt hay xấu là phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng và sự bền vững của các doanh nghiệp hoạt động trong quốc gia đó. Mà thị trường chứng khoán chính là nơi đại diện cho tất cả các doanh nghiệp này nên khi doanh nghiệp phát triển, hoạt động có hiệu quả sẽ thể hiện lên sự tăng trưởng của chỉ số VN-Index từ đó phản ánh một nền kinh tế đang có sức khỏe tốt. Và ngược lại, một sự sụt giảm nghiêm trọng của VN-Index chứng tỏ giá cả cổ phiếu bị giảm mạnh do các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phản ánh nền kinh tế đang có vấn đề.

VN-Index có vai trò quan trọng đối với nhà đầu tư chứng khoán

Như đã nói, việc theo dõi chỉ số VN-Index là vô cùng quan trọng đối với nhà đầu tư chứng khoán, ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định mua, bán của nhà đầu tư trên thị trường này.

Sự biến động của VN-Index phản ánh được tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường. Khi VN-Index sụt giảm, chứng tỏ một bộ phận lớn nhà đầu tư đã bắt đầu bán tháo cổ phiếu để rút khỏi thị trường. Điều này khiến cho phần còn lại cũng trở nên bi quan hơn khi nắm giữ cổ phiếu, họ cũng tìm cách để bán chúng ta làm cho giá cổ phiếu càng giảm xuống, kết quả là VN-Index giảm sâu hơn. Ngược lại, khi VN-Index tăng lên, nghĩa là đang có một bộ phận lớn nhà đầu tư ráo riết mua vào, đẩy giá cổ phiếu tăng cao, thị trường trở nên hưng phấn hơn. Số còn lại đang ở bên ngoài cũng cảm thấy hấp dẫn và bắt đầu nhảy vào, làm cho giá cổ phiếu tăng cao hơn, VN-Index tăng cao hơn.

Dựa vào chỉ số VN-Index, nhà đầu tư có thể đánh giá được chất lượng của một số cổ phiếu có ảnh hưởng lớn trên thị trường. Các công ty quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị vốn hóa thị trường của toàn bộ sàn HOSE sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến giá trị của VN-Index. Khi VN-Index tăng, nghĩa là vốn hóa thị trường của các công ty lớn này đang tăng lên, chứng tỏ họ hoạt động hiệu quả. Nhà đầu tư có thể dựa vào đó để tự tin nắm giữ cổ phiếu hoặc mua thêm vào cổ phiếu của những công ty này và ngược lại sẽ cân nhắc đến việc phải bán ra.

Top 10 các công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất (tính đến tháng 10/2020) bao gồm: VIC (355,625 tỷ VND), VCB (316,924 tỷ VND), VHM (256,271 tỷ VND), VNM (227,957 tỷ VND), BID (164,264 tỷ VND), GAS (137,972 tỷ VND), SAB (118,712 tỷ VND), CTG (113,655 tỷ VND), HPG (101,852 tỷ VND), MSN (99,952 tỷ VND)

Tuy nhiên, đối với các công ty có quy mô nhỏ, sự thay đổi trong giá trị vốn hóa thị trường của chúng không ảnh hưởng nhiều đến giá trị của chỉ số VN-Index, thì nếu chỉ dựa vào VN-Index mà quyết định mua hay bán các cổ phiếu này sẽ có phần không được chính xác. Đây cũng chính là phần hạn chế của chỉ số VN-Index.

Hạn chế của chỉ số VN-Index

Hạn chế lớn nhất của chỉ số VN-Index chính là ở mẫu dữ liệu. VN-Index sử dụng giá trị vốn hóa của tất cả các công ty đang niêm yết, điều này có nghĩa là những công ty có vốn hóa thị trường lớn sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến giá trị của chỉ số. Trong khi ở các nước phát triển như Mỹ, khi xây dựng các bộ chỉ số chứng khoán, họ sử dụng trọng số để hạn chế sự ảnh hưởng quá mức của những công ty này thì VN-Index vẫn chưa khắc phục được.

Giả sử bạn đang nắm giữ cổ phiếu của một công ty nhỏ nhưng đang có tốc độ tăng trưởng tốt, mọi chỉ số báo cáo của nó đều rất tốt và ổn định. Khi chỉ số VN-Index giảm, không đồng nghĩa với việc công ty này cũng đang có vấn đề vì nó quá nhỏ để ảnh hưởng đến giá trị của chỉ số nên sự sụt giảm này không thể quyết định hoàn toàn đến việc nắm giữ hay mua thêm cổ phiếu của bạn.

Mặc dù còn tồn tại những hạn chế nhất định nhưng VN-Index vẫn đang là chỉ số quan trọng nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu bạn đang giao dịch cổ phiếu thì đừng quên theo dõi chỉ số  VN-Index, tích lũy thêm kiến thức về tài chính để phân tích tác động chỉ số này đến danh mục đầu tư của bạn. Hoặc nếu bạn đang có ý định tham gia vào thị trường này thì hãy nghiên cứu về chỉ số VN-Index ngay từ bây giờ.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Chỉ số VN-Index là gì? Tầm quan trọng của VN-Index trong giao dịch chứng khoán

Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Các bài viết liên quan

Bình luận
Subscribe
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments