Copy trade được biết đến là một hình thức đầu tư hiện đại, dành riêng cho những nhà đầu tư “3 không” trên các thị trường tài chính trực tuyến như forex hay tiền điện tử. “3 không” ở đây chính là không kiến thức, không kinh nghiệm và không thời gian, với một nhà đầu tư “3 không”, thì việc tự mình giao dịch trên các thị trường này và có thể mang về lợi nhuận là điều hết sức khó khăn. Chính vì thế, copy trade ra đời nhằm giúp họ có thể tham gia vào thị trường, tìm kiếm lợi nhuận tiềm năng, trong khi vẫn thiếu một, hai hoặc cả 3 yếu tố nêu trên.

Nghe có vẻ hấp dẫn, đặc biệt đối với những trader mới, khi mà các bạn đang bắt đầu cảm thấy việc gia nhập vào các thị trường này là điều không hề đơn giản. Vậy thì, copy trade là gì? Hình thức giao dịch này có ưu điểm, nhược điểm như thế nào và một trader mới có nên copy trade hay không? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết lần này. Cùng theo dõi nhé.

Copy trade là gì? Ví dụ cụ thể về copy trade.

Copy trade là gì?

Copy trade hay copy trading có nghĩa là sao chép giao dịch, một số nền tảng khác gọi là social trading hay giao dịch xã hội, là một hình thức giao dịch thụ động, trong đó, người sao chép (gọi là nhà đầu tư hoặc follower) được quyền đăng ký theo dõi tài khoản giao dịch của người được sao chép (trader chuyên nghiệp, chuyên gia, master hay leader…). Khi tài khoản master thực hiện bất kỳ một giao dịch nào thì các giao dịch đó sẽ được sao chép y nguyên trên tài khoản của follower, các thông số giao dịch như khối lượng sẽ được sao chép theo tỷ lệ vốn giữa 2 tài khoản. Nếu master giao dịch thành công, lệnh có lợi nhuận thì lệnh của follower cũng có lợi nhuận, ngược lại, nếu master giao dịch thất bại, đương nhiên follower cũng sẽ phải chịu thua lỗ theo.

Ví dụ cụ thể về copy trade

Nhà đầu tư “3 không’ A đăng ký copy trading trên tài khoản của một trader chuyên nghiệp B. Số vốn mà A đầu tư vào tài khoản sao chép này là 1,000$, trong khi tài khoản của trader B đang có 5,000$.

Trader B thực hiện giao dịch 2 lệnh với tổng khối lượng là 1,000$, tức là bằng 1/5 số vốn hiện có trên tài khoản thì 2 lệnh này sẽ được sao chép lại trên tài khoản của nhà đầu tư A nhưng với khối lượng là 200$ (1/5 của 1,000$), các cài đặt khác như stop loss, take profit… đều giống y nguyên. Nếu trader B có lợi nhuận 500$ từ 2 lệnh này (tức là 50% so với số tiền đầu tư) thì nhà đầu tư A sẽ có lợi nhuận là 100$.

Các thực thể tham gia vào hình thức copy trade

Một giao dịch copy trade diễn ra sẽ có sự góp mặt của 3 thực thể, hay 3 bên: nhà đầu tư hay follower, trader chuyên nghiệp hay master và sàn giao dịch.

Để đơn giản hơn, Copy Trade giống hệt như khi bạn đi sao chép tài liệu tại quán photo đấy là:

Thứ 1: cần phải có bản chính là bản các bạn cầm theo. Đấy chính là các Pro trader, người sẽ bắt đầu đưa ra các lệnh.

Thứ 2: là bản sao hay chính là các trader mới, những người sẽ tham gia vào hình thức Copy Trade.

Thứ 3: muốn hai hoạt động này diễn ra được thì phải có máy photocopy ở đây chính là các Broker, các sàn forex hoặc là các nền tảng copy trung gian kiểu như MQL5 hoặc Myfxbook.

Hoạt động copy trade diễn ra như thế nào?

Copy trade được thực hiện trên một nền tảng hoàn toàn riêng biệt so với các nền tảng tự giao dịch. Ở đó, các follower sẽ được xem hồ sơ của các master, được quản lý tài khoản copy trade của mình. Các master thì được theo dõi các tài khoản đang sao chép tài khoản của mình, còn các lệnh mua, bán sẽ được thực hiện trên các nền tảng tự trade thông thường.

Mỗi sàn giao dịch sẽ cung cấp các nền tảng copy trade khác nhau, với các tính năng khác nhau nhưng quy trình của một hoạt động sao chép giao dịch đều trải qua các bước cơ bản như sau.

Bước 1: đăng ký tài khoản

Đối với nhà đầu tư: đăng ký tài khoản follower, sau đó lựa chọn một hoặc một số tài khoản master mà các bạn tin tưởng rằng họ sẽ mang về lợi nhuận cho mình.

Đối với trader chuyên nghiệp: đăng ký tài khoản master/leader/chuyên gia…, cung cấp các thông tin về tài khoản như số dư, kinh nghiệm, các chiến lược sử dụng… để thu hút các follower đăng ký sao chép tài khoản của mình.

Bước 2: tiến hành phân bổ vốn đầu tư/vốn giao dịch

Đối với follower: sau khi lựa chọn được tài khoản master thì tiến hành phân bổ vốn cho tài khoản copy trade, đồng thời, tùy chọn cài đặt một vài thông số như khối lượng giao dịch tối đa (dù cho tài khoản master đặt lệnh bao nhiêu thì lệnh được copy trên tài khoản follower cũng sẽ có khối lượng tối đa như đã cài đặt), tỷ lệ ngừng sao chép/dừng giao dịch (khi thua lỗ hoặc lợi nhuận của lệnh đã đạt đến một tỷ lệ nhất định thì việc sao chép sẽ tự động dừng lại)…

Đối với master: vì trực tiếp đặt lệnh trên thị trường nên sẽ có những chiến lược giao dịch rõ ràng, ngoài ra, chiến lược quản trị vốn, quản trị rủi ro cũng giúp họ xác định được khối lượng tối ưu cho mỗi giao dịch, đa dạng hóa sẽ giúp họ xác định số vốn cần thiết để tham gia vào thị trường forex…

Bước 3: thực hiện lệnh mua, bán và sao chép giao dịch

Người trực tiếp thực hiện đặt các lệnh mua, bán, thiết kế stop loss, take profit… là master. Khi một lệnh được mở trên tài khoản master sẽ được sao chép lập tức đến tài khoản follower với khối lượng theo tỷ lệ vốn giữa 2 tài khoản hoặc theo cài đặt riêng của follower. Follower chỉ cần đảm bảo cho máy tính của mình được kết nối internet mọi lúc, mọi nơi vì master có thể mở lệnh giao dịch bất cứ lúc nào mà không cần phải thông báo cho follower. Follower không có quyền tác động đến lệnh của master cũng như lệnh được sao chép trên tài khoản của mình như chỉnh sửa stop loss, take profit nhưng có thể đóng lệnh trên tài khoản của mình hoặc dừng việc sao chép bất cứ lúc nào, nếu muốn.

Bước 4: kết quả copy trade

Khi bất kỳ một lệnh nào được master đóng lại thì lợi nhuận hay thua lỗ được tính và kết chuyển ngay vào tài khoản của follower. Nếu giao dịch thành công, lợi nhuận được cộng vào cả 2 tài khoản, riêng tài khoản master sẽ được cộng thêm phần trăm lợi nhuận từ follower như cam kết ban đầu. Nếu giao dịch thất bại, cả 2 tài khoản đều bị thua lỗ, master không được nhận hoa hồng hay phí copy nào từ follower.

Bước 5: có lệnh giao dịch mới

Khi master thực hiện lệnh mua, bán mới, quá trình sao chép sẽ được thực hiện tương tự từ bước thứ 3.

Ưu điểm và hạn chế của copy trade

Bất cứ một hình thức giao dịch nào nếu có những ưu điểm nổi bật thì cũng sẽ tồn tại những hạn chế nhất định, và copy trade cũng không ngoại lệ.

  • Ưu điểm của copy trade

Thứ nhất, dù là copy trade hay tự trade thì các bạn cũng đã tham gia vào thị trường forex, điều này đồng nghĩa với việc các bạn có cơ hội mang về lợi nhuận rất tiềm năng từ thị trường béo bở này.

Thứ hai, tham gia vào thị trường forex thông qua hình thức copy trade, nhà đầu tư đã có thể giải quyết được vấn đề “3 không”.

  • Không kiến thức: forex là thị trường tài chính, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức tài chính, kinh tế, bên cạnh đó, giao dịch forex yêu cầu nhà đầu tư phải có kiến thức về phân tích, lên chiến lược, kế hoạch giao dịch, kỹ năng quản lý vốn, quản lý rủi ro, khả năng tiếp cận công nghệ… và rất nhiều kiến thức khác. Copy trade khá đơn giản, các bạn không cần phải có đầy đủ những kiến thức đó, chỉ cần am hiểu một chút về thị trường, về kỹ năng quản lý vốn và cách sử dụng nền tảng, mọi việc còn lại đã có những trader chuyên nghiệp thực hiện.
  • Không kinh nghiệm: kinh nghiệm là thứ vũ khí rất lợi hại của các trader forex nhưng nó lại là hạn chế đối với các trader mới. Nếu bắt buộc phải có kinh nghiệm giao dịch lâu năm thì mới tham gia thị trường được thì những người mới như chúng ta sẽ chẳng có cơ hội để kiếm tiền từ forex. Copy trade giải quyết được vấn đề này vì đơn giản những master chính là các nhà giao dịch chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm ứng phó trên thị trường, chính kinh nghiệm của họ sẽ giúp bạn kiếm được tiền.
  • Không thời gian: để có được kiến thức cũng như kinh nghiệm, các bạn cần tốn một khoảng thời gian rất lâu để có được, tất nhiên còn phụ thuộc vào khả năng của từng người. Hơn thế nữa, khi giao dịch trực tiếp trên thị trường, các bạn phải bỏ thời gian theo dõi lệnh, ngồi canh trên máy tính hàng giờ liền để kịp thời nắm bắt cơ hội hoặc ứng phó với biến động bất ngờ của thị trường. Nếu bạn là một người bận rộn, không có nhiều thời gian cho forex thì sẽ không thể tự trade. Thay vào đó, với copy trade, bạn chỉ cần bỏ một khoảng thời gian ban đầu để lựa chọn tài khoản master, sau đó giữ cho máy tính luôn kết nối internet hoặc sử dụng VPS thì có thể làm bất cứ công việc nào khác hoặc thậm chí đi ngủ.

Thứ ba, ngày càng có nhiều sàn forex cạnh tranh nhau cung cấp dịch vụ copy trade nên các tính năng ngày càng được cải thiện, thông tin các tài khoản master minh bạch hơn, nhiều trader giỏi đăng ký làm master nên nhà đầu tư càng có nhiều sự lựa chọn, cơ hội mang về lợi nhuận cao hơn.

  • Hạn chế của copy trade

Chịu rủi ro từ thị trường. Rủi ro từ giao dịch forex thì có lẽ sẽ không bàn đến nữa, nên cho dù là copy trade hay tự trade thì các bạn cũng đang tham gia vào thị trường, tài khoản của bạn đang có những lệnh giao dịch mua, bán thì đồng nghĩa với việc nó sẽ phải đối mặt với rủi ro từ những biến động của thị trường.

Rủi ro đến từ việc lựa chọn tài khoản master. Có hàng nghìn tài khoản master trên mỗi nền tảng social trading, bạn có chắc mình đã lựa chọn được một trong số những tài khoản tốt nhất, giỏi nhất. Tuy nhiên, rủi ro này còn liên quan đến kiến thức của bạn, bạn phải am hiểu về các thông số trên hồ sơ của mỗi master, từ đó mới biết được thông số đó là tốt hay xấu rồi phải so sánh với nhiều tài khoản khác. Nếu lựa chọn phải một tài khoản “tồi”, đồng nghĩa với việc bạn sẽ đối mặt với rủi ro cao hơn.

Rủi ro do phân bổ nguồn vốn không hiệu quả. Mặc dù copy trade là hình thức đang được ưa chuộng, rất có tiềm năng nhưng không phải vì thế mà các bạn đổ hết vốn vào tài khoản copy trade, hãy luôn chừa cho mình một con đường sống. Bên cạnh đó, việc chọn tỷ lệ dừng sao chép hợp lý cũng là một cách để các bạn bảo toàn nguồn vốn của mình, vì không phải lúc nào các master cũng giao dịch thành công, vài chục lệnh thắng có thể mang về cho bạn vài trăm đô nhưng một lệnh thua cũng có thể khiến bạn cháy tài khoản.

Copy Trade không phải là Group bắn tín hiệu

Kienthucforex cũng có group bắn tín hiệu tương tự như rất nhiều group bắn tín hiệu khác ở trên Telegram, Zalo hoặc là Facebook. Tuy nhiên, tất cả nhứng group này, bao gồm cả Kienthucforex không được xem là hình thức Copy Trade nhé các bạn, là bởi vì:

Thứ nhất: hình thức Copy Trade là sao y bản chính, khi bạn đã quyết định Copy lệnh từ một người nào đó thì bên đó họ làm hành động gì thì bên bạn lệnh sẽ được thực thi y hệt như vậy.

Thứ 2: khi đã thực hiện Copy Trade thì phải thông qua một đơn vị trung gian hoặc là một nền tảng giao dịch copy trung gian kiểu như các sàn forex hoặc là Myfxbook hoặc MQL5.

Thứ 3: Copy Trade thì luôn luôn mất phí.

Các tiêu chí lựa chọn tài khoản master

Hiện nay, tất cả các nền tảng social trading đều công khai hồ sơ của các master và các thông tin đều rất minh bạch, được kiểm chứng bởi chính sàn giao dịch. Vì thế, nhà đầu tư có nhiều dữ liệu hơn để lựa chọn được một tài khoản master mà họ cho rằng là tốt nhất, có khả năng giúp họ mang về lợi nhuận.

Thông thường, một hồ sơ của master có rất nhiều thông tin, dữ liệu như số năm giao dịch trên thị trường, số lượng người đang theo dõi (đăng ký sao chép), số dư tài khoản, tỷ lệ thắng/thua…, mỗi nhà đầu tư sẽ đặt ra một số tiêu chí nhất định cho các dữ liệu này để chọn ra tài khoản mà họ ưng ý nhất. Nếu chưa có kinh nghiệm trong việc lựa chọn tài khoản master, các bạn có thể tham khảo một số tiêu chí quan trọng sau đây:

Kết quả giao dịch ổn định hay thu nhập ổn định.

Một tài khoản master ổn định là tài khoản có thu nhập đều đặn qua mỗi tháng. Thu nhập hàng tháng có thể thấp nhưng luôn giữ được kết quả dương. Ngược lại, một tài khoản master không ổn định có thể được hiểu là một tài khoản có thu nhập cao trong một vài tháng nhưng phần lớn thời gian còn lại đều thua lỗ, điều này có thể sẽ không tốt trong dài hạn.

Tỷ lệ thắng cao

Tùy thuộc vào mỗi nền tảng mà chỉ tiêu này được thống kê theo nhiều cách khác nhau, có thể là tổng số lệnh thắng trên tổng số lệnh thua hoặc trung bình lãi so với trung bình lỗ… nhưng dù sao, tỷ lệ thắng hay trung bình lãi càng cao và cao hơn nhiều so với tỷ lệ thua hay trung bình lỗ là một tài khoản tốt.

Danh mục đầu tư đa dạng, tỷ lệ sinh lời mỗi danh mục cao

Đa dạng hóa danh mục đầu tư luôn là chiến lược khôn ngoan để hạn chế rủi ro khi giao dịch tài chính, một tài khoản master đáp ứng được tiêu chí này, đồng thời có tỷ suất sinh lời cao trên mỗi danh mục sẽ là tài khoản được ưu tiên hàng đầu.

Thời gian giao dịch thực tế trên thị trường ít nhất 1 năm.

Tất nhiên, kinh nghiệm nhiều hay ít không thể hiện hoàn toàn qua số năm hoạt động thực tế nhưng đó sẽ là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ am hiểu thị trường và khả năng ứng biến tốt của trader. Các bạn chỉ nên lựa chọn những tài khoản master có thời gian hoạt động lâu, ít nhất là 1 năm, nhưng một yếu tố nữa cần đảm bảo là số lượng giao dịch tương đối lớn, chứ một năm mà thực hiện có vài giao dịch nhỏ lẻ thì cũng không được.

Số lượng người sao chép lớn

Càng nhiều người theo dõi, sao chép thì càng chứng tỏ tài khoản master đó tốt, đem lại lợi nhuận ổn định. Thông thường, các nền tảng sẽ có tính năng lọc tài khoản master theo số lượng người follow, các bạn có thể dựa vào đó để tìm kiếm dễ dàng hơn.

Tài khoản master có background tốt, chiến lược giao dịch cụ thể

Các bạn có thể xem được nội dung này qua phần giới thiệu từ chính chủ của các tài khoản master, tất nhiên, các thông tin mà họ giới thiệu đã được kiểm chứng bởi sàn giao dịch. Khi nghiên cứu về phần chiến lược giao dịch mà các tài khoản master sử dụng, các bạn cần xem xét về tính hiệu quả cũng như mức độ rủi ro của các chiến lược đó, phần này đòi hỏi các bạn phải có kiến thức về thị trường để hiểu ngay được hoặc phải chấp nhận mất thời gian tìm hiểu.

Kết luận

Copy trade ngày càng được ưa chuộng và trở thành một trong những hình thức đầu tư mang về thu nhập thụ động tốt nhất hiện nay trên các thị trường tài chính. Việc tìm hiểu về copy trade sẽ giúp các bạn có thêm một sự lựa chọn mới, đặc biệt đối với những nhà đầu tư “3 không”. Và một trong những công đoạn quan trọng để các bạn thành công với copy trade chính là lựa chọn sàn giao dịch uy tín, chất lượng tốt. Trong một bài viết sớm nhất, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn những sàn giao dịch như thế.

Hy vọng bài viết đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về copy trade và nếu có hứng thú với loại hình giao dịch này thì hãy bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn ngay từ bây giờ.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Copy trade là gì? Ưu điểm và hạn chế của Copy trade

Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Hoc Forex Mien Phi

Các bài viết liên quan