EMA có lẽ là 1 trong những chỉ báo “quen mặt” với bất cứ trader nào khi chơi forex dù có sử dụng hay không. Về cơ bản, EMA vẫn là cản nhưng được xem là cản động biến đổi dựa theo giá. Và cũng chính vì bám sát đường giá nên rất nhiều trader áp dụng và coi EMA như là 1 trong những chỉ báo không thể nào thiếu trong hệ thống giao dịch của chính họ. Nếu đang thắc mắc vì sao EMA lại  trở thành “con cưng” của nhiều trader đến như vậy, thì hãy cùng kienthucforex tìm hiểu bằng bài viết dưới đây các bạn nhé.

EMA là gì?

EMA hay Exponential Moving Average (EMA) – Đường trung bình động hàm mũ (EMA) là một dạng trung bình động (MA) mà dựa vào công thức tính toán đặt trọng số theo cấp số nhân phản ứng đáng kể hơn với những thay đổi giá gần đây, so với đường trung bình động đơn giản (SMA) chỉ áp dụng trọng số bằng nhau cho tất cả các chu kỳ, giúp EMA làm mượt đường giá hơn so với SMA.

EMA cung cấp tín hiệu gì cho trader?

Phần này mình sẽ diễn giải hơi dài dòng về tâm lý thị trường cùng mối quan hệ với các đường EMA. Hay chính xác hơn đường EMA giải quyết câu hỏi gì trong thị trường tài chính nói chung và forex nói riêng.

Các bạn có thể bỏ qua, vì không phải ai cũng có nhu cầu hiểu tường tận, rõ ràng về 1 thứ nào đó, nhưng do mình đi theo hướng nghiên cứu và học thuật nên thích nói kỹ, để giúp các bạn nắm được bản chất 1 vấn đề. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy không cần thiết thì có thể kéo xuống dưới xem luôn phần hướng dẫn giao dịch với đường EMA.

Tương tự nhiều chỉ báo khác, khi EMA bắt đầu di chuyển đồng nghĩa giá đã di chuyển. Không kể, do công thức tính toán mà đường trung bình động sẽ lấy điểm giữa của giá trong quá khứ, chúng luôn thấp hơn hoặc cao hơn phạm vi hiện tại trong xu hướng tăng hoặc giảm; giá tăng có xu hướng tìm hỗ trợ ở mức giá trung bình của n ngày qua. Ngược lại với giá giảm sẽ có xu hướng tìm kháng cự ở mức giá trung bình của n ngày. Nên EMA có thể được xem như là bộ record ghi nhớ các mốc giá trong 1 chu kỳ nhất định. Giả sử bộ nhớ của giá trong thị trường ở dạng ngắn hạn là 9 ngày, thì giá sẽ  “ghi nhớ” những giao dịch đã tập hợp trong suốt 9 ngày qua.

Do vậy, ưu điểm lớn lao nhất của đường trung bình là chúng thể hiện sự rõ ràng về mặt xu hướng giá. Nghĩa là đường EMA không thể nào tăng hay nằm trên đường giá nếu giá không tăng. Hoặc nó không thể nào nằm dưới đường giá nếu giá không thực sự giảm. Và đây cũng chính là tính năng quan trọng nhất của đường trung bình động khi cung cấp cho trader 1 xu hướng giá thực sự rõ ràng, chứ không phải dạng “nửa nạc nửa mỡ”.

Xu hướng chính là cái giúp trader tìm kiếm cơ hội vào lệnh.

Trong một xu hướng tăng, giá sẽ tiếp tục đạt 1 mức cao mới nên luôn tạo ra các đáy cao hơn và đỉnh cao hơn.

Như vậy, một điều chắc chắn nếu bạn muốn mua thì sẽ phải mua với giá đắt hơn, nhưng rõ ràng nếu so với n ngày được giao dịch thì mức giá bạn mua có thể vẫn rẻ hơn mức giá giao dịch trung bình trong n ngày qua.

Trong xu hướng giảm, giá rõ ràng sẽ càng ngày càng giảm nhiều hơn, vì liên tục tạo ra các đáy thấp hơn, đỉnh thấp hơn (mục tiêu là để bán khống), giá bạn sell có thể sẽ thấp hơn so với thời điểm mới tạo dựng xu hướng giảm, nhưng rõ ràng so với giá trung bình ở n ngày giao dịch thì đó vẫn là mức giá tốt nhất nếu giá vẫn tiếp tục giảm.

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây, làm sao có thể tìm kiếm được 1 điểm mua đẹp, hay biết rằng giá khi đang trong 1 đà tăng chẳng hạn, sẽ giảm điều chỉnh tới khoảng nào để tiếp tục mua?

Thực tế, nhiều trader khi tham gia thị trường thường hay có tâm lý tiếc rẻ, nghĩa là phải chờ giá thật rẻ mới dám mua, hoặc chờ khi giá cao tít tận ngọn tre rồi lại tiếp tục mua vào để đu cho mát chẳng hạn.

Chính xác lúc thị trường đi theo 1 hướng liên tục sẽ khiến rất nhiều trader hay đặt ra câu hỏi là nên tìm điểm mua ở đâu, ví giá cứ tiếp tục giảm, hoặc tăng thì đâu là điểm mua phù hợp, bởi trong trường hợp nếu chờ giá giảm xuống tận đáy mới vào lệnh thì lại rất có thể bạn đã bắt dao rơi, chứ không hề mua được giá rẻ thực sự vì giá có thể giảm tiếp trong những trường hợp như vậy.

Chính vì thế các đường EMA sẽ là 1 trong những chỉ báo tốt nhất để tìm kiếm điểm vào lệnh/thoát hàng được xem là đẹp. Hay đường trung bình động chính là công cụ giúp bạn xác định được các điểm “mua đắt” và “bán rẻ” hơn, nếu như giá đang trong 1 xu hướng rõ ràng.

Như vậy để tổng kết lại vài trò chính của EMA sẽ có 3 điểm chính như sau:

  • EMA sẽ trở thành 1 cản động, do nó dịch chuyển theo xu hướng của giá, nghĩa là giá đi đâu EMA sẽ đi theo đó. Nhờ vậy, EMA sẽ giải quyết cho trader được các việc cụ thể như:
  • Trở thành các kháng cự, hỗ trợ động (có thể sử dụng chính những mức cản này để so với đường trendline, đường hỗ trợ và kháng cự tĩnh). Từ đây sẽ tìm kiếm điểm vào lệnh, điểm dừng lỗ và điểm chốt lời.
  • Xác định xu hướng giá.

Công thức tính EMA

Với công thức tính của SMA thì quá đơn giản là bài toán mà ai cũng đều học đó là: trung bình giá trong 1 chu kỳ nhất định.

Ví dụ SMA14 đồng nghĩa bạn sẽ lấy giá đóng cửa giao dịch trong 14 ngày cộng lại rồi chia 14.

Trong khi đó, công thức của EMA sẽ khác rất nhiều, nhằm giải quyết 1 vấn đề mà SMA không thể làm được loại bỏ việc giá diễn ra theo dạng dàn trải trong suốt chu kỳ, thay vào đó EMA sẽ chỉ chú trọng tập trung vào giá gần với giá hiện tại nhất, nhờ giảm độ trễ bằng cách áp dụng nhiều trọng số hơn vào giá gần đây. Tỷ trọng áp dụng cho giá gần đây nhất phụ thuộc vào số thời kỳ trong đường trung bình. EMA khác với các đường trung bình động đơn giản ở chỗ việc tính toán EMA của một ngày nhất định phụ thuộc vào các phép tính EMA cho tất cả các ngày trước ngày đó. Vì lẽ đó, để tính toán chính xác cho EMA sẽ cần phải có hơn 10 ngày dữ liệu. Điều này cũng lí giải lí do vì sao những EMA có chu kỳ càng ngắn sẽ càng dễ bị phá vỡ, trong khi đó  EMA chu kỳ càng dài càng khó bị phá vỡ, là vì vậy.

Ba bước để tính toán đường trung bình động hàm mũ (EMA).

  1. Hãy tính toán đường trung bình động đơn giản cho giá trị EMA ban đầu. Đường trung bình động hàm mũ (EMA) phải bắt đầu ở đâu đó, vì vậy, đường trung bình động đơn giản được sử dụng làm đường EMA của kỳ trước trong phép tính đầu tiên.
  2. Tính toán trọng số.
  3. Tính toán đường trung bình động theo cấp số nhân cho mỗi ngày giữa giá trị EMA ban đầu và ngày hôm nay, sử dụng giá, hệ số và giá trị EMA của giai đoạn trước.

Giả sử đây là công thức tính EMA cho đường EMA 10 ngày.

SMA ban đầu: tổng 10 kỳ / 10

Trọng số: 2 / (Khoảng thời gian + 1) = 2 / (10 + 1) = 0,1818 (18,18%)

EMA: {Đóng – EMA (ngày trước)} x trọng số + EMA (ngày trước)

Lưu ý, trên mạng có rất nhiều công thức tính EMA khác nhau và thực ra cũng không cần tính, vì Tradingview hoặc MT4 đã làm việc này rồi. Nên bạn chỉ cần nhớ điều mình vừa diễn giải phía trên hoặc xem phần sau để hiểu EMA so với SMA có gì khác nhau là đủ.

So sánh hành vi giá giữa đường EMA với SMA

EMA và SMA là 2 loại trung bình động luôn được trader nhắc tới. Và thường các trader sẽ khuyên trader nên dùng EMA, không nên dùng SMA do EMA chạy mượt hơn.

Vậy từ “mượt” mà các trader hay nói có nghĩa là gì?

Trước tiên, hãy xem xét cách các đường trung bình động phản ứng với một cú sốc bất ngờ trên thị trường.

Hình dưới cho thấy trước khi vàng thực sự làm 1 đà tăng dài, dường như giá đều có vẻ rất hiền lành và điều này cũng khiến cho cả 2 đường EMA và SMA cũng bám sát vào đường giá hơn.

Tuy nhiên, khi giá bắt đầu tăng, có thể thấy, đường EMA khiến phản ứng  với giá nhanh hơn, bằng chứng là chúng cứ bám sát vào các cây nến, cho thấy giá đều đang được “đỡ” bởi chính EMA.

Trong khi đó, giá lại lật lên lật xuống, không nằm cùng 1 phía ở các đường SMA. Không kể khi giá càng tăng thì SMA sẽ càng đi xa khoảng giá hơn.

Ngược lại, EMA dường như vẫn bám quanh giá. Tuy nhiên, khi giá bắt đầu giảm và đang đi ngang, có thể thấy SMA lại nằm gần giữa trung tâm giá.

Như vậy, có thể thấy:

-Đường SMA sẽ phản ứng nhanh hơn khi giá thực sự đang thay đổi để hình thành 1 xu thế. Bởi vì đường trung bình động giản đơn sẽ tiếp cận giá  dễ hơn khi giá đang rơi vào trạng thái sideway, nhờ vào công thức tính cực kỳ đơn giản chỉ là phép cộng giá trong 1 chu kỳ sau đó chia trung bình. Nên SMA mới có thể phản ứng nhanh hơn trong thị trường sideway là vậy.

Trong khi đó, đường EMA cũng phản ứng chậm hơn khi giá cả rơi vào trạng thái đi ngang.

Đây là 2 điểm quan trọng nhất thể hiện sự khác biệt giữa EMA so với SMA. Để bạn biết cách nên dùng đường trung bình động dạng nào, vào các thời điểm khác nhau của thị trường.

Và nhìn vào ví dụ trên, bạn cũng thấy tại sao EMA lại được xem như là các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ rồi chứ?

Nó như 1 cái giá đỡ vậy, nếu nằm trên EMA giá sẽ tăng và nằm dưới EMA giá sẽ giảm, tức khi giá chạm vào EMA giá thường sẽ có nhiều phản ứng khác nhau và nơi đây cũng được xem là các khu vực giao tranh để trader lưu tâm, khi giao dịch forex.

Hướng dẫn cách cài đặt EMA

Để cài đặt EMA, bạn chỉ cần lên tradingview gõ EMA và EMA mặc định trong Tradingview sẽ là EMA 9, nếu bạn muốn chỉnh sửa để thay đổi sang các chu kỳ EMA khác, hãy nhấn vào chữ cài đặt, hoặc có thể tham khảo video phía trên để hiểu hơn bạn nhé.

Nên sử dụng EMA nào cho hợp lý nhất?

Như vậy, việc sử dụng EMA sẽ phụ thuộc vào từng trader, và chúng sẽ liên quan tới chiến lược giao dịch của mỗi trader. Tất nhiên việc này sẽ không thể làm để cho vui rồi.

Một số nguyên tắc để áp dụng EMA cho đúng nhất đó chính là:

Trong 1 biểu đồ giá sẽ thường có 2 đường EMA, trong đó 1 đường EMA nhanh và 1 đường EMA chậm

Đường EMA càng có chu kỳ thấp thì sẽ càng dễ bị phá vỡ nhưng chúng sẽ bám sát đường giá hơn so với EMA có chu kỳ dài.

Không kể, dựa trên công thức tính có thể thấy đường giá phải có trước mới tạo ra được các đường EMA, nên dù thế nào đi chăng nữa, EMA cũng sẽ trễ hơn so với đường giá.

Chính vì thế trader mới hay “song kiếm hợp bích” 1 đường EMA ngắn với 1 đường EMA dài để có thể dễ xác định xu hướng hơn.

Chính vì lẽ đó, để tăng tính thuyết phục hơn, các đường EMA mà được nhiều trader chọn lựa là làm sao nó phải bám sát đường giá nhất nhưng lại không quá ngắn tránh trường hợp dễ dàng bị phá vỡ.

Vì thế, nhiều trader thường sử dụng 1 số loại EMA như sau:

EMA 9 hoặc EMA 10: đây là con số tượng trưng cho 2 tuần giao dịch, nên EMA9/EMA10 thường tượng trưng cho các giao dịch ngắn hạn

EMA 34/ EMA 89 để bám vào các con sóng chủ theo lý thuyết sóng của Elliott.

EMA 20, EMA 50, EMA 200 vì theo họ nhưng EMA này bám sát các phiên giao dịch hơn. Trong đó, 1 năm chúng ta có thể giao dịch khoảng 200 ngày (sau khi trừ đi các ngày lễ tết và ngày nghỉ) tượng trưng cho sự dài hạn, EMA50 tượng trưng cho trung hạn, vì 1 năm có 4 mùa nếu tính theo chu kỳ giao dịch 200 thì mỗi mùa sẽ có 50 phiên giao dịch. Tương tự với EMA 20 sẽ tượng trưng cho tháng…

Ngoài EMA 200 cũng có những trader sẽ dùng EMA 250, theo họ 250 mới là số ngày giao dịch trong 1 năm thay vì 200.

EMA100 đây là số tròn, số tròn được xem là cản tâm lý nên đây cũng là EMA được nhiều trader lựa chọn.

So sánh trendline với đường EMA

Như phía trên tôi có nói EMA cũng là 1 trong những cách dùng để xác định xu hướng và đường trendline cũng vậy.

Nên để hiểu rõ vấn đề này hơn, về bản chất đường trendline nó là 1 cản tĩnh, nghĩa là bạn đã kẻ 1 đường trendline thì nó sẽ đóng đinh theo đường giá đó.

Còn với EMA thì nó sẽ dịch chuyển theo đường giá, nên được gọi là cản động, so với trendline thì EMA sẽ bám sát đường giá hơn, bởi nó lấy chính giá cả để tạo ra công thức tính toán, nên chính xác mà nói EMA được chiết từ chính giá cả vì lẽ đó nó mới có thể ôm sát giá và thể hiện rõ ràng xu hướng khi giá nằm trên, hoặc khi giá nằm dưới EMA.

Hướng dẫn cách giao dịch với EMA

Sẽ có 3 cách giao dịch cơ bản đó là:

  • Giao dịch EMA cùng đường giá
  • Giao dịch khi các đường EMA giao cắt
  • Giao dịch EMA kết hợp 1 số chỉ báo, công cụ khác

Trong 3 cách kể trên, kienthucforex sẽ chỉ hướng dẫn bạn giao dịch theo cách 1 và cách 3.

Cách thứ 2 giao dịch khi các đường EMA giao cắt nhau, theo quan điểm cá nhân, nó sẽ không phải là 1 lựa chọn tốt.

Bởi ngay từ đầu chúng tôi đã nói với bạn rằng, EMA được chiết từ chính giá cả mà ra, nên so với đường giá EMA luôn CHẬM hơn. Chính vì thế, khi các EMA này có thể giao cắt nhau và trader tiến hành vào lệnh thì, về mặt bản chất giá đã thực sự chạy được cả 1 đoạn rồi.

Chính vì thế, đây không thực sự là phương án khả thi khi áp dụng với EMA. Bây giờ, chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu 2 cách giao dịch còn lại, bạn nhé.

Hướng dẫn giao dịch EMA cùng đường giá

Nguyên tắc giao dịch này về cơ bản rất đơn giản. Đó chính là thuận xu hướng:

  • Khi giá nằm trên EMA đồng nghĩa giá sẽ tăng>>> thực hiện các lệnh buy
  • Khi giá nằm dưới EMA đồng nghĩa giá sẽ giảm>>> thực hiện các lệnh Sell

Như vậy việc của bạn là phải chờ giá nằm hẳn trên đường EMA, bởi EMA hướng tới giá gần với giá thực tại nhất, nên EMA bám rất sát đường giá, vì thế bạn chỉ cần cho khi giá điều chỉnh về các vùng EMA này sẽ tiến hành lệnh mua hoặc bán.

Tuy nhiên, với EMA thường trader sẽ luôn sử dụng ít nhất là 2 đường gồm 1 EMA nhanh và 1 EMA chậm, nên trong rất nhiều trường hợp giá có thể nằm trên EMA Này, nhưng lại nằm dưới EMA kia. Vì thế, bạn cần phải kiên nhẫn chờ đợi và vì đường EMA cũng luôn bị phá vỡ.

Nếu như chỉ sử dụng duy nhất đường EMA giao dịch, thì các bạn có thể chờ đợi các bước như sau:

Bước 1: Chờ giá nằm trên hoặc dưới hoàn toàn cả 2 đường EMA

Bước 2: Chờ giá phản ứng với các vùng EMA Này ít nhất 2 lần ở đây là giá xuống text đường EMA. Việc này sẽ giúp cho bạn không bị dính cú lừa từ chính EMA. Và khi EMA được text càng nhiều lần mà không bị phá vỡ thì xu hướng đó càng trở nên rõ ràng đó là 1 xu hướng tăng hoặc giảm.

Không kể, việc chờ đợi EMA text (ít nhất là 2 lần) cũng là khoảng thời gian để thị trường phân phối lại giữa các lệnh mua/ bán đồng thời cũng là lúc để phát triển 1 xu hướng.

Hãy nhớ chẳng có giá nào gọi là giá cao, và giá nào gọi là giá thấp, khi thị trường đang đi đúng 1 xu hướng bạn nhé. Nên nếu EMA đã xác định cho bạn rõ ràng xu hướng hiện tại là tăng thì bạn có thể ch giá điều chỉnh về các vùng EMA rồi giao dịch.

Hãy quan sát ví dụ sau:

Rõ ràng cho dù bạn sử dụng EMA gì đi chăng nữa, với 1 xu hướng được gọi là giảm thì cả 3 đường EMA ở trên đều nằm dưới giá, và rất nhiều lần giá đều tiến lên để test những đường EMA này, nhưng không thành công nên EURUSD vẫn miệt mài giảm.

Tuy nhiên, để có thể biết EURUSD thực sự đã tiến tới đà giảm hay chưa, các bạn cần chờ giá chạm EMA ít nhất 2 lần nhưng không xuyên phá thành công, nên EMA không chỉ là công cụ giúp xác định xu hướng, mà trong các trường hợp này chúng còn trở thành cản (động) và cũng là 1 trong những cách đơn giản tìm kiếm 1 điểm entry đẹp để vào lệnh.

Kết hợp EMA cũng các công cụ chỉ báo khác

Về cơ bản cách này sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro hơn. Cách kết hợp của EMA với công cụ nào cũng được, tùy style mỗi trader. Tuy nhiên, khi áp dụng cách này thì bản thân EMA sẽ hoạt động như là 1 đường kháng cự/ hỗ trợ động chính vì thế khi sử dụng EMA kết hợp với các chỉ báo thuộc nhóm động lượng như Stoch, MACD hay RSI sẽ giúp cho trader có được 2 thông tin gồm: xu hướng đó đang là xu hướng gì (EMA đảm nhiệm tính năng này), xu hướng đó liệu sắp kết thúc hay chưa ( các chỉ báo động lượng sẽ thông báo tín hiệu này).

Để rõ hơn hãy cùng xem ví dụ sử dụng EMA kết hợp với MACD như sau: 

Nhìn vào hình ảnh trên các bạn có thể thấy thời điểm giá chạm lên các EMA cũng là lúc đường MACD line và đường Signal Line giao cắt nhau. Về các quy tắc giao dịch với MACD các bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau của chúng tôi.

Nhưng 1 điều chắc chắn sau việc các chỉ báo đồng thuận từ EMA cho đến MACD đã cho thấy EU vẫn trong đà giảm và không thể bứt phá để tăng mạnh trở lại, là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Xem thêm:

Một số điểm lưu ý với EMA

Khi giá tiến nằm trên/ hoặc dưới EMA, nhưng sau đó giá lại vòng xuống dưới, thì giá có xu hướng giảm hoặc tăng mạnh.

Khi Giá tiến quá xa đường EMA thì phải chờ giá điều chỉnh về lại gần EMA mới tiền hành giao dịch.

Đường EMA nhanh hay các đường EMA có chu kỳ ngắn sẽ phản ứng nhanh hơn so với đường EMA chậm nhưng chúng lại dễ bị phá vỡ hơn. Đây có thể là con dao hai lưỡi, bởi nó có thể giúp bạn xác định xu hướng sớm hơn so với SMA. Nhưng đường EMA có thể sẽ trải qua nhiều thay đổi ngắn hạn hơn so với đường SMA tương ứng.

EMA cũng chính là các cản động sẽ luôn đi theo đường giá.

EMA không được dùng để bắt đỉnh hoặc đáy 1 cách chính xác. Về bản chất EMA giúp trader giao dịch thuận xu hướng.

EMA luôn có độ trễ, SMA hữu dụng trong 1 thị trường sideway, EMA hữu dụng trong thị trường có xu hướng rõ ràng.

Như vậy, kienthucforex đã giới thiệu với các bạn các kiến thức cơ bản nhất về EMA. Chúng tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các trader mới vào nghề. Chúc các bạn thành công!

Bạn vừa đọc bài viết: Đường EMA là gì? Cách sử dụng EMA hiệu quả nhất

Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Hoc Forex Mien Phi

Các bài viết liên quan