Trong bài “Cơ cấu tổ chức FED” tôi từng nói trái tim quan trọng nhất của Cục Dự trữ Liên Bang chính là Uỷ Ban Thị Trường mở FOMC, nơi quyết định toàn bộ vấn đề liên quan tới lãi suất. Nên hiểu về FOMC cũng là điều rất cần thiết với trader, để biết vì sao FOMC lại “oách xà lách” đến như vậy.
Nếu như bạn chưa biết về FED thì hãy xem lại những bài viết viết sau đây của chúng tôi. Còn nếu biết rồi, hãy cùng nhau tìm hiểu FOMC hay Uỷ Ban Thị Trường Mở Liên Bang là gì các bạn nhé!
FOMC là gì?
FOMC được viết tắt bởi Federal Open Market Committee – Ủy ban Thị trường mở Liên bang, là 1 nhánh thuộc hệ thống Dự trữ Liên bang FED, nơi không chỉ hoạch định chính sách tiền tệ mà thông qua các cuộc họp của FOMC, FED sẽ đưa ra các quyết định về lãi suất.
Thông tin cơ bản về cuộc họp Uỷ Ban Thị Trường mở Liên Bang FOMC
- Số lượng thành viên FOMC: 19 người
- Thời gian họp: Trung bình 8 lần/năm, tương đương 6 tuần họp 1 lần hoặc lâu hơn. Số lượng cuộc họp có thể nhiều hơn nếu FED thấy cần phải làm vậy, ví dụ vào thời kỳ khủng hoảng tài chính chẳng hạn.
- Địa điểm họp: Tòa nhà Eccles ở Washington, DC, đôi khi sẽ là họp online.
Cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Thị trường mở Liên Bang FOMC
Ủy ban FOMC = 12 Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ + 7 Thống đốc = 19 người
Thành viên Bỏ phiếu = 5 Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ + 7 Thống đốc = 12 người
Thường khi nói về Uỷ Ban FOMC rất nhiều nơi cho rằng chỉ có 12 thành viên, nhưng đây là số lượng người được quyền bỏ phiếu, còn thành viên cốt cán tham gia vào cuộc họp vẫn là 19 người.
Ngoài 7 thành viên thuộc Hội đồng Thống đốc và chủ tịch FRB New York (phó chủ tịch FOMC) là những thành viên bất di bất dịch, 4 người còn lại sẽ phục vụ 1 năm trên cơ sở luân phiên, theo các nhóm sau:
Tại sao 7 chủ tịch FRB còn lại dù không có bỏ phiếu vẫn phải đi họp?
Là bởi mỗi thành viên trong bảng trên sẽ phục vụ theo dạng xoay vòng. Giả sử năm 2022, FRB Boston được bỏ phiếu, thì năm sau quyền bỏ phiếu sẽ thuộc FRB Philadelphia, chủ tịch FRB Boston và Richmond lại được “ngồi chơi xơi nước” chờ tới lượt. Đồng nghĩa, kiểu gì thì kiểu họ đều phải thay phiên bỏ phiếu cho từng năm, vì thế việc theo dõi thông tin cuộc họp, chính sách kinh tế là điều buộc phải làm.
Nói ngoài lề 1 chút, các thành viên FOMC thường chia làm 2 phe gồm:
- Phe diều hâu: những người thích tăng lãi suất.
- Phe bồ câu: những người yêu hoà bình ghét tăng lãi suất.
Nên nếu nắm rõ thông tin từng thành viên, nhiều cao thủ còn đoán được năm nay FED có tăng lãi suất hay không. Vì nhìn bảng trên bạn cũng biết thành viên FOMC của từng năm sẽ là chủ tịch các ngân hàng nào rồi.
Tôi cũng muốn giải thích 1 chút việc chủ tịch New York luôn mặc định là Phó chủ tịch FOMC. New York không chỉ là trung tâm tài chính Mỹ, mà toàn bộ giao dịch mua bán trái phiếu của Fed đều được tiến hành tại đây. Giao dịch trái phiếu lại nằm trong phần Nghiệp vụ Thị trường mở (OMO) cũng là công cụ chính mà FOMC chịu trách nhiệm giám sát. Đó là lí do tại sao chủ tịch FRB New York lại có tiếng nói lớn như vậy.
Uỷ ban Thị Trường mở Liên bang FOMC họp về cái gì?
Cuộc họp FOMC luôn diễn ra trong vòng 2 ngày, chủ yếu bàn về chính sách tiền tệ (tất nhiên). Với các hoạt động cụ thể như sau:
- Chủ tịch FRB New York thảo luận về những diễn biến trên thị trường tài chính và ngoại hối, cũng như các hoạt động của Bàn giao dịch Fed New York, nơi mua và bán chứng khoán của chính phủ Hoa Kỳ.
- Sau đó, thành viên Hội đồng Thống đốc sẽ trình bày các dự báo kinh tế và tài chính của họ.
- 7 thành viên Hội đồng Thống đốc và chủ tịch 12 Ngân hàng Dự trữ —dù có phải là thành viên bỏ phiếu trong năm đó hay không— đều phải đưa ra đánh giá ở thời điểm hiện tại và các dự báo kinh tế cho 1 – 2 năm tới chủ yếu ở các vấn đề như: tăng trưởng GDP thực tế, tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát tiêu đề và lạm phát lõi được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE).
FED kết thúc cuộc họp FOMC bằng quyết định về lập trường chính sách, tiến hành bỏ phiếu tăng giảm lãi suất, đưa ra thông báo 1 trong 3 khả năng:
- Giữ nguyên phạm vi lãi suất mục tiêu
- Giảm phạm vi lãi suất mục tiêu
- Tăng phạm vi lãi suất mục tiêu
Xem các tin tức về FOMC ở đâu?
Trước đây, biên bản cuộc họp FOMC không được công bố rộng rãi tới công chúng, dẫn tới việc nhiều nhà phân tích phải “đoán già đoán non” về các chính sách của FED, nhưng kể từ năm 1993, biên bản sẽ xuất bản trên trang chủ của FED sau 3 tuần khi cuộc họp kết thúc.
Các bạn truy cập vào đây sẽ không chỉ thấy toàn bộ nội dung cuộc họp FOMC công bố, mà còn có lịch họp cụ thể trong thời gian tới:
Đó là thông tin chi tiết của FED, đơn giản hơn các bạn có thể truy cập vào các trang có lịch kinh tế như của Kienthucforex chẳng hạn cũng sẽ thấy phần này:
So găng Non Farm và FOMC. Tin nào khiến thị trường biến động mạnh hơn?
Về cách đánh tin Non Farm tôi đã có bài viết khá kỹ lưỡng nên tôi không nhắc lại nữa.
Lí do khiến tôi so sánh 2 loại tin này, bởi đây chính là “nhiệm vụ kép” mà Quốc hội giao cho Fed: tối đa việc làm và ổn định giá cả. Vì thế nó thực sự vừa là 1 cơn địa chấn, vừa là 1 cú áp phe với rất nhiều trader!
Uỷ ban Thị trường mở Liên Bang FOMC |
Bảng lương phi nông nghiệp Mỹ Non Farm |
|
---|---|---|
Thời gian diễn ra | 1h sáng hoặc 2 sáng (giờ Việt Nam) thứ 5 (sau 6 tuần/1 lần). |
19h30 hoặc 20h30 (giờ Việt Nam). |
Giá chạy như thế nào? | Biến động mạnh giật vài trăm pip. | Biến động mạnh giật vài trăm pip. |
Tác động tới thị trường | Cuộc họp có nhiều nội dung, chỉ khi FOMC công bố lãi suất thị trường mới biến động mạnh. Nến thường rút râu khá nhiều. |
Tin nổ như kết quả xổ số, nên thị trường chạy ngay lập tức. Nến đi dứt khoát hơn, thường là theo 1 hướng. |
Thị trường sau khi tin ra | Tin lãi suất nên FOMC thường “định hướng” giá cả thị trường trong khoảng thời gian trung hoặc dài hạn. Không chỉ dừng lại ở thời điểm công bố tin. |
Dữ liệu việc làm xuất hiện 1 tháng 1 lần. Non Farm tác động ngắn hạn hơn so với tin lãi suất. Đôi khi giá sẽ về lại vị trí ban đầu, khi tin kết thúc. |
Hình minh hoạ này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn bảng so sánh phía trên:
FOMC làm cho cậu Vàng “quắn quéo” như thế nào?
Thị trường forex rất nhạy cảm với tin tức đặc biệt tin liên quan đến lãi suất. Vì sao? Vì lãi suất sẽ tác động trực tiếp đến DXY, mà đã liên quan tới DXY thì “auto” liên quan tới vàng. Chính vì thế, nhiều trader chỉ quan tâm FOMC sẽ làm “cậu vàng” chạy như thế nào?
Thực tế đây là câu hỏi mang tầm vĩ mô rất khó trả lời bởi quyết định lãi suất của FED sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều thứ. Trong bài DXY tôi sẽ giải thích vấn đề này kỹ hơn.
Tuy nhiên, giờ có 2 trường hợp cơ bản nhất nhìn thấy ở trên biểu đồ khi FED tăng lãi suất liên tục trong cả 1 năm thì vàng sẽ ra sao?
Ngược lại nếu FED liên tục giảm lãi suất trong vòng 1 năm thì sẽ làm vàng ra sao?
Tất cả những phần này tôi sẽ giải thích kỹ lưỡng trong bài FED tác động tới vàng như thế nào. Các bạn nhớ đón xem nhé!