FOMO trong forex là một trạng thái tâm lý tiêu cực mà rất nhiều trader gặp phải, đặc biệt là các trader mới, non kinh nghiệm và kiến thức giao dịch. Và hội chứng tâm lý này cũng là nguyên nhân gây ra phần lớn sự thua lỗ cho trader trên các thị trường tài chính nói chung và thị trường forex nói riêng .
Vậy FOMO là gì? Tại sao trader lại mắc phải hội chứng tâm lý này? Và làm sao để tránh được FOMO trong giao dịch forex. Cùng kienthucforex tìm hiểu trong bài viết lần này nhé.
FOMO là gì?
FOMO là viết tắt của cụm từ Fear of Missing Out (Hội chứng Sợ bỏ lỡ), là một trạng thái tâm lý phổ biến mà trader, nhà đầu tư trên các thị trường tài chính như forex, chứng khoán, tiền điện tử… thường hay gặp phải. FOMO xảy ra khi các nhà giao dịch, nhà đầu tư nghĩ rằng họ đang bỏ lỡ những cơ hội lớn hoặc cảm giác rằng các nhà giao dịch khác đang thành công hơn. Từ đó, FOMO có thể gây ra những kỳ vọng quá cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, quá tự tin hoặc quá tự ti và không sẵn lòng chờ đợi. Những FOMO trader thường đưa ra các quyết định mua, bán đầy cảm tình dựa trên thông tin chưa được xác minh, họ có xu hướng mua vào khi giá đang tăng cao dẫn đến bắt đỉnh hoặc bán ra khi giá đang giảm mạnh, dễ bắt đáy → thua lỗ.
Ví dụ về FOMO trong giao dịch forex:
Khi tỷ giá EUR/USD đang tăng, trader thường rơi vào cảm giác hối tiếc, “biết vậy mình đã mua vào”. Khi tỷ giá tiếp tục tăng mạnh, cảm giác hối tiếc chuyển dần cảm giác sợ bỏ lỡ cơ hội lớn nếu giá tiếp tục tăng lên. Một FOMO trader sẽ ngay lập tức mua vào mà không quan tâm đến bối cảnh hiện tại của thị trường như thế nào. Kết quả là ngay sau khi mua vào, giá đảo chiều giảm.
Ví dụ về FOMO trong đầu tư chứng khoán
Thị trường cổ phiếu đang tăng giá và một người bạn của bạn khoe rằng anh ta đã kiếm được vài chục triệu khi đầu tư vào cổ phiếu A dù không biết gì về thị trường chứng khoán cả.
Có thể ban đầu bạn sẽ không quan tâm lắm vì chứng khoán không phải là sở trường, bạn không hề hiểu gì cũng như chưa từng tìm hiểu về lĩnh vực đầu tư này. Nhưng số tiền lợi nhuận mà anh bạn kia kiếm được đang ngày càng tăng, thậm chí lên đến hàng trăm triệu đồng. Lúc này, nếu là một người lý trí, bạn sẽ không có cảm giác hối tiếc và có thể chúc mừng bạn của mình một cách vô tư nhất. Ngược lại, nếu bạn có cảm giác tiếc nuối vì không đầu tư vào chứng khoán sớm hơn, đó là lúc bạn đang trải qua hội chứng sợ bỏ lỡ FOMO.. Sau đó, nghe lời anh bạn của mình mua vào cổ phiếu khi giá đang tăng mà không hề nghiên cứu, phân tích thị trường, không hề có chút am hiểu về chứng khoán. Đó chính là nguyên nhân thua lỗ chung của hầu hết những người mới tham gia vào thị trường chứng khoán.
Ví dụ về FOMO trên thị trường tiền điện tử
Một sự thật là hầu như chúng ta đều đang hối tiếc vì đã không mua BTC khi nó được giao dịch ở mức giá chưa tới 1$, trong khi hiện tại, giá của nó là lên đến 60,000$. Do đó, vì không muốn phải hối tiếc về sau nếu đồng coin này vẫn tiếp tục tăng giá, những người đã rơi vào trạng thái FOMO vẫn sẽ mua bất chấp khi giá đang tăng cao vì họ không muốn bị bỏ rơi.
Tâm lý thị trường đằng sau hội chứng FOMO
Hội chứng FOMO gắn liền với tâm lý giao dịch, hay chính xác hơn thì FOMO có thể bắt nguồn từ nhiều cảm giác và cảm xúc khác nhau xảy ra trong quá trình giao dịch của trader trên thị trường. Những cảm xúc, cảm giác đó bao gồm sự sợ hãi, tham lam, lo lắng, ghen tị và thiếu kiên nhẫn. Bản chất nhịp độ nhanh của giao dịch là nguyên nhân dẫn đến nhiều tình huống có thể thúc đẩy những cảm xúc này. Từ những sự kiện đáng chú ý đến những biến động đột ngột của thị trường cho đến những điều đơn giản như cuộc trò chuyện với một nhà giao dịch khác, tất cả đều có thể gây ra hội chứng FOMO cho trader.
Khi giá đang tăng cao, FOMO thường bị chi phối bởi những cảm xúc như tham lam và hưng phấn. Cảm xúc này xảy ra khi trader đang nắm giữ vị thế mua, khi giá tăng cao, trader hưng phấn vì giao dịch của họ đã mang về khá nhiều lợi nhuận. Thay vì dừng lại với lợi nhuận mục tiêu hoặc phân tích xác định thời điểm thị trường có khả năng đảo chiều thì họ lại bắt đầu tham lam muốn có thêm nhiều lợi nhuận hơn. Sự tham lam và hưng phấn quá mức ngay tại thời điểm giá tăng cao này dẫn đến hội chứng FOMO, và họ lại tiếp tục giữ vị thế. Hoặc đối với những người đang ở ngoài thị trường thì sẽ nhảy vào mua vì ghen tị với số người đang có lợi nhuận từ sự tăng giá này.
Khi giá đang giảm mạnh, sợ hãi và lo lắng chính là 2 trạng thái cảm xúc dẫn đến FOMO. Nếu một nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu thì khi giá giảm, họ sẽ sợ hãi, lo lắng mà bán hết ra vì nghĩ rằng giá sẽ tiếp tục giảm. Còn trong giao dịch forex, giá tăng hay giảm đều là cơ hội đáng giá cho trader, nên khi giá giảm mạnh, chu kỳ cảm xúc sẽ tương tự như với khi giá đang tăng cao, tức những người đang nắm giữ vị thế bán sẽ trải qua sự hưng phấn quá mức và tham lam, dẫn đến giữ vị thế lâu hơn hoặc những người bên ngoài sẽ nhảy vào bán vì ghen tị với người khác khi đã kiếm được nhiều lợi nhuận từ xu hướng giảm này.
Và cuối cùng, giai đoạn giá phục hồi hoặc điều chỉnh là giai đoạn dễ gây ra sự mất kiên nhẫn cho trader. Khi thị trường đang phục hồi, các trader thường sẽ rơi vào trạng thái đứng ngồi không yên, sợ giá sẽ tiếp tục tăng mạnh, nếu không mua ngay sẽ bỏ lỡ phần lớn lợi nhuận hấp dẫn. Chính sự mất kiên nhẫn này đã khiến họ vào lệnh mà không xem xét liệu rằng đây có chính xác là thị trường đang phục hồi hay chỉ đơn giản là một đợt điều chỉnh nhẹ trước khi tiếp tục giảm mạnh.
Một FOMO trader có tính cách như thế nào?
Thật khó để chính bản thân mỗi người xác nhận rằng mình có đang thực sự rơi vào hội chứng FOMO hay không, bởi vì lúc đó, toàn bộ tâm trí của họ có lẽ đã bị những cung bậc cảm xúc FOMO đã che lấp. Tuy nhiên, những FOMO trader thường sẽ có một số tính cách, hành vi giống nhau khi giao dịch trên thị trường, để các bạn có thể biết được mình có đang bị hội chứng FOMO trong giao dịch hay không, cụ thể:
Họ sẽ giao dịch mà không hề thực hiện bất kỳ phân tích nào. “Phần lớn người ta đều mua, nên giá không thể nào giảm được”. Đó là suy nghĩ của các FOMO trader. Tâm lý bầy đàn có thể dẫn đến các quyết định giao dịch vô trách nhiệm và chúng cực kỳ nguy hại. Hoặc những FOMO trader thường sẽ nói rằng: “Tôi sẽ thử mua”, hay “Tôi sẽ thử bán” Điều này cho thấy sự do dự vì không có căn cứ trong các quyết định của mình.
Một trader có kỷ luật sẽ yên tâm hơn với các quyết định của mình vì họ có cơ sở để thực hiện giao dịch, họ hình dung ra được cách mà thị trường di chuyển sẽ như thế nào. Ngược lại, một FOMO trader sẽ lo lắng với tất cả những giao dịch mà họ đã thực hiện.
Các trader có kỷ luật, có hệ thống giao dịch cụ thể sẽ chỉ kỳ vọng theo thực tế những gì mà họ phân tích được, khi giá đang tăng, họ sẽ xác định khi nào nó sẽ giảm. Nhưng một FOMO trader sẽ luôn nghĩ rằng giá sẽ tiếp tục tăng.
Một trader có kỷ luật sẽ ghi nhật ký giao dịch và luôn áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro cho mỗi giao dịch, ngược lại các FOMO trader thì không.
Một FOMO trader chỉ luôn nghĩ rằng mình sẽ kiếm được bao nhiêu tiền mà không hề nghĩ đến việc có thể sẽ thua lỗ bao nhiêu. Những giao dịch bị chi phối bởi sự tham lam thường có kết quả tồi tệ.
Các FOMO trader thường rơi vào một trạng thái gọi là “hối hận muộn màng”. Sau mỗi quyết định sai lầm đều hối tiếc, “đáng lẽ ra mình đã không nên mua”, “lẽ ra mình phải biết điều đó sẽ xảy ra”… thật ra chúng không hề hữu ích bằng việc tự mình rút ra kinh nghiệm và bài học cho lần sau. Chúng chỉ khiến họ bị đắm chìm trong sai lầm quá khứ và không thể tốt hơn trong tương lai.
Nguyên nhân gây ra hội chứng FOMO trong giao dịch
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến một giao dịch bị chi phối bởi FOMO được thực hiện. Trong đó, một vài nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng FOMO trên các thị trường tài chính như:
Biến động của thị trường: mỗi chuyển động của thị trường đều có thể tạo ra cơ hội để trader kiếm được tiền. Khi giá tăng hoặc giảm vài nhịp, trạng thái sợ bỏ lỡ bắt đầu xuất hiện và sự mất kiên nhẫn đã khiến trader ra quyết định mà không hề hiểu được bản chất đằng sau mỗi sự di chuyển đó. Các trạng thái cảm xúc như thế có thể len lỏi vào mọi ngóc ngách khi thị trường có biến động, là nguyên nhân chủ yếu gây ra FOMO trong giao dịch.
Chuỗi chiến thắng lớn: cảm giác hưng phấn quá mức vì liên tục chiến thắng sẽ rất dễ khiến trader nhìn đâu cũng ra cơ hội tốt và rất dễ bị cuốn vào chúng. Và khi có thêm sự đồng thuận của nhiều người khác, họ càng thêm tự tin vào khả năng của mình. Nhưng bạn biết đấy, thị trường không dễ ăn như vậy và chuỗi chiến thắng cũng không thể kéo dài mãi mãi.
Chuối thua lỗ lặp đi lặp lại: thắng liên tiếp hay thua liên tiếp cũng đều gây ra hội chứng FOMO trong giao dịch. Sau một chuỗi thua liên tiếp thì trader thường sẽ có tâm lý sợ hãi. Sợ bị thua nhiều hơn, sợ mất đi lợi nhuận ít ỏi, vào lệnh và giao dịch trong sự lo lắng tột độ, rồi lại đóng lệnh sớm vì sợ hãi. Chu kỳ tâm lý và hành vi này lặp đi lặp lại chỉ khiến cho trader bị tổn thất nhiều hơn.
Tin đồn: tin đồn là thứ ám ảnh nhất trong cuộc đời, không riêng gì trong giao dịch tài chính. Một tin đồn xảy ra sẽ khiến cho trader cảm giác sợ bị bỏ rơi, sợ rằng ai cũng đã hành động rồi và đã có lợi nhuận, còn mình thì chưa, cảm giác bơ vơ, lạc lõng này sẽ rất dễ dẫn đến những quyết định sai lầm nhất.
Phương tiện truyền thông, mạng xã hội: thật là nguy hại khi lên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và thấy rằng mọi người đều giao dịch có lợi nhuận. Điều này sẽ khiến trader phải đứng ngồi không yên, phải giao dịch để có lợi nhuận giống những người khác, chỉ cần vào lệnh thôi mà không quan tâm đến bất kỳ vấn đề nào khác. Các phương tiện truyền thông và mạng xã hội sẽ thật sự hữu ích khi trader sử dụng các bài đăng để lấy cảm hứng giao dịch, để nghiên cứu và đánh giá thị trường, ngược lại, chúng sẽ khiến trader rơi vào FOMO.
Làm sao để tránh FOMO trong giao dịch?
Sau khi hiểu được FOMO là gì? Tại sao trader dễ rơi vào trạng thái FOMO trong giao dịch? thì bước quan trọng cuối cùng chính là làm thế nào để chúng ta có thể tránh được FOMO?
Trên thực tế thì cảm giác sợ bỏ lỡ cơ hội tốt xảy ra rất phổ biến và chúng ta có thể bị mắc kẹt trong đó rất lâu. Việc dừng ngay FOMO lại không phải là một cách khắc phục hiệu quả và nhanh chóng mà chúng ta cần phải điều chỉnh suy nghĩ và cải thiện cảm xúc. Việc đó là cả quá trình và đừng mong chờ sẽ làm được ngay nếu các bạn đang bị mắc kẹt bởi FOMO hoặc thường xuyên bị cảm giác FOMO len lỏi vào trong các giao dịch của mình.
Đầu tiên, bạn phải chấp nhận FOMO
Điều gì cũng vậy, trước khi muốn vượt qua thì phải chấp nhận nó. Điều này có nghĩa là nhiều người khác đang thành công, đang vui vẻ vì chiến thắng có thể sẽ khiến bạn có cảm giác bị bỏ rơi, bạn chấp nhận điều này vì đó là lẽ thường. Một sự chấp nhận từ chính bản thân mình sẽ khiến bạn nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Hãy tự nhủ rằng “Đúng vậy, tôi đang rơi vào trạng thái FOMO và cũng đã từng bị nhiều lần trước đó, mọi quyết định giao dịch của tôi đều chẳng có căn cứ gì cả”, như vậy sẽ tốt hơn nhiều so với việc chối bỏ nó “FOMO là gì? Tôi hoàn toàn kiểm soát được giao dịch của mình”.
Cải thiện tâm lý giao dịch
FOMO về bản chất là liên quan trực tiếp đến cảm xúc và tâm lý giao dịch. Do đó, để tránh FOMO, chúng ta cần cải thiện tâm lý giao dịch hay kiểm soát tốt cảm xúc của mình. Đừng bao giờ xem nhẹ và bỏ qua cảm xúc của bạn trên thị trường, bạn có thể thất vọng khi gặp chuỗi thua liên tiếp hoặc cảm thấy hãnh diện khi thắng một loạt các giao dịch. Những lúc như thế, bạn cần nhận thức được cảm xúc của mình, bạn cần nên biết khi nào bạn đang hưng phấn quá mức, khi nào đang tuyệt vọng và nên tránh xa máy tính của mình. Nếu đang ở 1 trong 2 cảm xúc đó, tốt hơn hết là dừng ngay việc giao dịch lại. Hãy tìm hiểu về chu kỳ tâm lý trong giao dịch (trading psychology cycle), về cách phản ứng tốt nhất với mỗi trạng thái cảm xúc và đưa chúng vào trong kế hoạch giao dịch của mình như một thành phần quan trọng không thể thiếu.
Kiểm soát hoạt động của bạn trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội
Nếu biết cách sử dụng, các phương tiện truyền thông hay mạng xã hội sẽ thật sự hữu ích đối với trader. Các bạn sẽ học được rất nhiều từ kinh nghiệm của những người thành công qua các bài chia sẻ của họ hoặc tránh xa những điều không tốt khi được những người đi trước cảnh báo.
Ngược lại, mạng xã hội rất dễ gây ra FOMO trong giao dịch cho trader. Bạn sẽ gặp phải tình trạng “Nhiều người đang giao dịch thắng, tại sao tôi lại không thể như họ?” Suy nghĩ đó sẽ khiến bạn mất đi sự tự tin và cũng dần mất đi động lực.
Để kiểm soát tốt hoạt động trên các phương tiện truyền thông hay mạng xã hội, không nhất thiết là chúng ta phải tách biệt chúng hoàn toàn nhưng phải sử dụng làm sao để chúng thực sự hữu ích đối với bạn. Đừng theo dõi quá nhiều người, hãy chỉ theo dõi một vài chuyên gia có tiếng tăm, hay có những phân tích sâu sắc về thị trường và luôn chia sẻ kinh nghiệm, bài học của bản thân đến với cộng đồng trader.
Giao dịch theo kế hoạch
Hãy tập dần với việc để mọi quyết định giao dịch của bạn trở nên có căn cứ, kế hoạch rõ ràng. Điều này đòi hỏi các bạn phải nghiên cứu, phân tích thị trường chứ không đơn thuần chỉ giao dịch theo đám đông, theo tin đồn hay “thử vận may”.
Và một thói quen mà bạn cần thực hiện chính là viết Nhật ký giao dịch, đây là một công cụ tuyệt vời, có thể tự phản ánh giao dịch của mỗi người, cho phép bạn phát hiện ra những thói quen hữu ích và ngăn chặn những thói quen có thể dẫn đến một giao dịch bị chi phối bởi FOMO.
Quản lý rủi ro trong giao dịch
Quản lý rủi ro là việc cực kỳ quan trọng trong giao dịch chứ không riêng việc để tránh gặp phải FOMO. Bất kể khi nào giao dịch của bạn bị chi phối bởi FOMO thì quản lý rủi ro tốt sẽ là phương án dự phòng để đảm bảo thua lỗ không vượt khỏi tầm kiểm soát.
FOMO có thể làm cho một giao dịch có vẻ hấp dẫn hơn, nhưng nó không thể thay thế một chiến lược.
Để quản lý rủi ro có hiệu quả, trước hết, các bạn cần tìm hiểu các nguyên tắc, kỹ thuật và phương pháp quản lý rủi ro trong giao dịch. Tiếp đến, lựa chọn phương pháp phù hợp với mỗi chiến lược, hệ thống giao dịch và cuối cùng là vận dụng chúng vào trong mỗi giao dịch thực tế.
Kết luận
Tóm lại, cách tốt nhất để đối phó với FOMO và rất nhiều vấn đề khác liên quan đến giao dịch chính là các bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với kế hoạch giao dịch của. Luôn bám sát theo kế hoạch và đừng để bất kỳ sự biến động nào khác như một sự thoái lui, đà tăng nhanh… thay đổi kế hoạch của bạn.
Ngay cả khi có nhiều lời bàn tán, đừng bao giờ lắng nghe bất kỳ ai cả. Các ý kiến là tốt khi chúng thực sự mang tính xây dựng, ngược lại, chúng sẽ là nguyên nhân chủ yếu gây ra FOMO cho bạn mà thôi.
Hy vọng rằng, qua bài viết này, các bạn đã biết được hội chứng FOMO trong giao dịch là gì, nguyên nhân gây ra FOMO và quan trọng hơn hết là học được cách tránh FOMO một cách hiệu quả nhất.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.