Có lẽ khi nhắc đến hedging hay phòng ngừa rủi ro trong giao dịch forex, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc mở vị thế ngược lại với vị thế đang nắm giữ trên cùng một loại tài sản. Về bản chất là như thế nhưng hedging không hề đơn giản và rất nhiều người hiểu sai về nghiệp vụ này, dẫn đến áp dụng sai các chiến lược hedging hoặc không hiệu quả.

Các nhà giao dịch chuyên nghiệp thường không hedging theo cách thức cơ bản như vậy, nghiệp vụ hedging của họ phức tạp hơn và đa dạng hơn các loại tài sản được sử dụng trong chiến lược phòng ngừa rủi ro của họ. 

Trong bài viết lần này, kienthucforex sẽ bật mí cho các bạn những chiến lược hedging hiệu quả nhất trong giao dịch forex, được sử dụng và đề xuất bởi các pro trader. Cùng theo dõi nhé.

Nhưng trước hết, các bạn cần hiểu rõ hedging trong forex là gì? Và tại sao trader muốn hedging trong giao dịch forex?

Hedging (phòng ngừa rủi ro) là gì?

Hedging hay phòng ngừa rủi ro được hiểu một cách đơn giản là khi các bạn mở một vị thế mới (vị thế hedging) hay một giao dịch mới với mục đích bù đắp rủi ro cho vị thế hiện tại trong trường hợp thị trường đang di chuyển theo hướng bất lợi cho vị thế hiện tại (vị thế chính).

Trong một giao dịch điển hình, trader sẽ sử dụng mức cắt lỗ stop loss để giới hạn mức thua lỗ nếu thị trường di chuyển không như mong đợi. Trong khi đó, các chiến lược phòng ngừa rủi ro cũng có thể giúp hạn chế tổn thất cho giao dịch mà không cần phải đặt stop loss.

Đặc biệt trong trường hợp thị trường biến động mạnh, giá sẽ di chuyển theo hướng bất lợi cho giao dịch và có khả năng lệnh bị quét stop loss sớm. Do đó, bằng việc mở một vị thế đối nghịch, trader có thể giữ lại được vị thế hiện tại (vị thế chính), chờ cho giá quay trở lại xu hướng lớn mà vẫn có thể kiếm được lợi nhuận từ vị thế hedging. Trong trường hợp giá không trở lại xu hướng kỳ vọng thì lợi nhuận từ vị thế hedging sẽ bù đắp được rủi ro của vị thế chính. Nhưng nếu giá quay trở lại xu hướng kỳ vọng, trader vừa có lợi nhuận từ vị thế hedging, vừa tiếp tục nuôi vị thế hiện tại để kiếm lợi nhuận lớn hơn.

Nguyên tắc phòng ngừa rủi ro trong giao dịch forex là gì?

Như đã nói, các chiến lược phòng ngừa rủi ro hoạt động như một điểm dừng lỗ, đều giúp hạn chế tổn thất cho giao dịch. Tuy nhiên, một chiến lược hedging nếu được thực hiện đúng cách thì vị thế dùng để hedging sẽ mang về lợi nhuận cho trader.

Hầu hết các trader mới, thậm chí những người đã giao dịch được một thời gian trên thị trường nhưng chưa bao giờ sử dụng các chiến lược hedging cũng hiểu sai về nguyên tắc phòng ngừa rủi ro trong giao dịch forex. Họ thường đặt một giao dịch cùng khối lượng và theo hướng ngược lại với giao dịch chính ngay cùng thời điểm. Ví dụ, ngay sau khi vừa khớp một lệnh Buy trên cặp GBP/USD với khối lượng 1 lot thì họ sẽ đặt ngay một lệnh Sell 1 lot cũng trên cặp GBP/USD. Như hình dưới:

Tuy nhiên, đây không phải là cách mà một chiến lược phòng ngừa rủi ro hoạt động.

Một giao dịch phòng ngừa rủi ro thành công yêu cầu trader phải nắm giữ các giao dịch mua và bán đồng thời trên cùng một cặp tỷ giá. Hedging thường được sử dụng để tạm dừng lãi hoặc lỗ của vị thế chính trong khi thị trường đi ngược hướng kỳ vọng. Giả sử thị trường đang đi lên và bạn đang bán khống, thì để phòng ngừa rủi ro, bạn có thể đặt một lệnh mua để tạm thời giữ vị thế bán khống đó cho đến khi thị trường quay lại có lợi cho bạn. Nhưng đó cũng chỉ là một khía cạnh nhỏ của hedging để các bạn có thể dễ hình dung hơn về nghiệp vụ này.

Ví dụ:

Sau khi giá breakout hỗ trợ, trader mở lệnh Sell. Sau một thời gian giá giảm xuống như kỳ vọng thì thị trường bắt đầu điều chỉnh tăng. Để phòng ngừa rủi ro cho vị thế bán, trader sẽ mở một vị thế mua dựa trên đợt pullback tăng này. Vị thế hedging sẽ được đóng lại một khi đợt pullback kết thúc và thị trường tiếp tục xu hướng giảm.

Một sai lầm khác khi sử dụng chiến lược hedging là cho rằng đã hedging thì sẽ không có rủi ro, nên trader thường giữ vị thế hedging trong thời gian rất lâu, mà điều này thì hoàn toàn không chính xác. Vì giữ giao dịch hedging quá lâu sẽ liên quan đến nhiều chi phí phát sinh khác, trong đó có phí qua đêm, đôi khi các loại phí này lại dẫn đến khoản lỗ lớn, khiến cho việc sử dụng chiến lược hedging không hiệu quả.

Tại sao trader muốn phòng ngừa rủi ro trong giao dịch forex?

Rõ ràng, nếu thực hiện có hiệu quả, chiến lược hedging sẽ giúp trader hạn chế tổn thất. Đó là lý do lớn nhất để các trader sử dụng nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro trong giao dịch forex.

Nếu làm tốt hơn, một chiến lược hedging còn có thể gia tăng lợi nhuận cho trader. Hoặc ngay cả khi không có gì đảm bảo rằng rủi ro sẽ được loại bỏ, trader vẫn có thể hưởng lợi từ chiến lược này vì hedging giúp giảm thiểu tổn thất hoặc giới hạn rủi ro ở một mức cụ thể. 

Các trader chuyên nghiệp chủ yếu sử dụng chiến lược này khi dự đoán thị trường vẫn sẽ ủng hộ các vị thế của họ sau các biến động ngược chiều. Thì thay vì phải đóng hoàn toàn giao dịch khi thị trường đảo chiều, họ thực hiện giao dịch theo hướng ngược lại. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn hết chính là sự tự tin về dự đoán của bạn, các bạn phải đủ kiến thức về những biến động xảy ra trên thị trường và sẵn sàng mạo hiểm với các giao dịch của mình thì hedging sẽ là một chiến lược cực kỳ tuyệt vời. 

Ngoài ra, còn nhiều lý do khác khiến các trader luôn muốn sử dụng chiến lược hedging trong giao dịch ngoại hối.

Thứ nhất, công cụ hedging đa dạng. Ngoài mở vị thế ngược lại trên cùng cặp tỷ giá thì trader có thể sử dụng những công cụ khác để thực hiện một chiến lược hedging. Trong đó, các công cụ phái sinh như Hợp đồng quyền chọn, Hợp đồng tương lai là công cụ hedging cực kỳ hiệu quả và được ưa chuộng bởi rất nhiều trader chuyên nghiệp. Những công cụ phái sinh này thường được sử dụng trong các chiến lược ngắn hạn để giảm thiểu rủi ro cho các vị thế dài hạn.

Thứ hai, một số công cụ hedging có thể khóa lợi nhuận một cách hiệu quả cho giao dịch của trader. Trong trường hợp này, hedging tạo ra lợi ích ngay cả trong dài hạn.

Thứ ba, các chiến lược hedging giúp trader tiết kiệm thời gian theo dõi danh mục đầu tư của mình. Bởi vì, khi một chiến lược hedging được thực hiện, các biến động giá ngược chiều trong ngắn hạn đã được xử lý. Do đó, trader không cần bận tâm nhiều đến những biến động nhỏ hằng ngày trên vị thế dài hạn của mình nữa.

Rủi ro của giao dịch hedging là gì?

Tất nhiên, một vị thế hedging cũng là một giao dịch tài chính, do đó, bản thân nó đã tồn tại rủi ro.

Thứ nhất, một chiến lược hedging muốn có hiệu quả cao cần sự tự tin và kinh nghiệm vững chắc. Do đó, nếu thực hiện không đúng cách, hedging sẽ khiến trader thua lỗ nhiều hơn là giảm thiểu rủi ro.

Ví dụ: với chiến lược hedging mở vị thế ngược trên cùng một cặp tỷ giá. Bạn có một lệnh Buy đang chạy vì dự đoán thị trường đang tăng giá. Tuy nhiên, ngay khi có dấu hiệu giá điều chỉnh giảm, bạn mở ngay một lệnh Sell để phòng ngừa rủi ro. Khi giá điều chỉnh giảm và chưa có dấu hiệu dừng, rất có khả năng bạn sẽ đóng lệnh Buy lại vì lúc này đang thua lỗ. Nhưng sau khi vừa đóng lệnh Buy xong thì thị trường đảo chiều tăng, bạn tiếc vì không giữ lệnh Buy lâu hơn nên quyết định mở lệnh Buy mới, lệnh Buy mới lúc này đối với bạn đang là một vị thế Hedging cho lệnh Sell hiện tại. Và rất có thể cái vòng luẩn quẩn này sẽ liên tiếp lặp lại và bạn sẽ còn thua lỗ nhiều hơn.

Thứ hai, lợi nhuận có thể sẽ không đủ bù đắp chi phí hedging. Dù thực hiện hedging theo chiến lược nào thì chi phí giao dịch cũng bị đôn lên rất nhiều, đặc biệt là chiến lược hedging với các công cụ phái sinh. Một chiến lược hedging phù hợp sẽ bảo vệ trader khỏi thua lỗ lớn trong thời gian ngắn và sẽ không làm giảm quá mức tiềm năng lợi nhuận dài hạn của họ.

Thứ ba, chiến lược hedging không hiệu quả đối với thị trường đi ngang và cũng không phù hợp với các trader đi theo phong cách giao dịch ngắn hạn như day trading hoặc scalping trading. Ngược lại, hedging hiệu quả trong các thị trường có xu hướng rõ ràng, động lực xu hướng mạnh mẽ và hoạt động tốt với các phong cách swing trading, position trading.

Thứ tư, chiến lược hedging đòi hỏi trader phải có nguồn vốn lớn. Nếu là chiến lược hedging trực tiếp trên cặp tỷ giá hiện tại hoặc cặp tỷ giá liên quan thì số dư tài khoản phải đủ lớn để giao dịch một lệnh mới, nếu là chiến lược hedging với công cụ phái sinh thì nguồn vốn phải đủ lớn để chi trả khoản phí cho việc sở hữu công cụ phái sinh đó.

Các chiến lược hedging hiệu quả nhất trong giao dịch forex

Cuối cùng, hãy cùng xem những trader chuyên nghiệp họ thường sẽ thực hiện các chiến lược hedging như thế nào nhé.

Chiến lược hedging sử dụng 2 cặp tiền tệ

Đây là chiến lược hedging được áp dụng phổ biến trong giao dịch forex chỉ sau chiến lược hedging trên cùng cặp tiền tệ như đã giới thiệu ở phần đầu tiên của bài viết.

Đây là chiến lược sử dụng cặp tiền tệ có tương quan cao với cặp tiền tệ mà trader đang có vị thế mở trên thị trường. Mối tương quan giữa các cặp tiền có thể là thuận hoặc nghịch. Mối tương quan thuận (hệ số tương quan dương) là khi một cặp tiền tăng thì cặp tiền kia cũng tăng. Mối tương quan nghịch là khi một cặp tiền tăng và cặp còn lại sẽ giảm.

Chiến lược được thực hiện như sau:

  • Với 2 cặp tiền tệ có mối tương quan thuận thì khi thực hiện chiến lược hedging, trader sẽ mở vị thế hedging ngược chiều với vị thế chính.
  • Với 2 cặp tiền tệ có mối tương quan nghịch thì khi thực hiện chiến lược hedging, trader sẽ mở vị thế hedging cùng chiều với vị thế chính.

Để thực hiện chiến lược này, các bạn có thể tham khảo ma trận hệ số tương quan giữa các cặp tiền. Công cụ này thường được cung cấp tại website broker hoặc trên nền tảng giao dịch.

Các hệ số tương quan không bao giờ bằng +1 hoặc -1, tức tương quan hoàn toàn 100% mà chúng luôn nhỏ hơn 100%. Do đó, để thực hiện chiến lược hedging này, các bạn chỉ cần chọn các cặp tiền có hệ số tương quan từ 80% trở lên, cho cả chiều âm hoặc dương.

Ví dụ: bạn đang có một lệnh Buy trên cặp EUR/USD và thị trường đang có dấu hiệu điều chỉnh giảm. Để phòng ngừa rủi ro cho vị thế này, bạn sẽ lựa chọn cặp tiền đang có mối tương quan cao nhất với EUR/USD. Dựa vào bảng trên, bạn sẽ chọn cặp USD/JPY, với mối tương quan nghịch và hệ số tương quan đang là -83 tức 83%. Vì là mối tương quan nghịch nên bạn sẽ mở một lệnh Buy trên cặp USD/JPY.

Lưu ý: ma trận hệ số tương quan không cố định mà thay đổi theo thời gian và có thể khác nhau tại mỗi broker, mỗi nền tảng mà bạn đang giao dịch.

Chiến lược hedging sử dụng nhiều loại tiền tệ

Trong giao dịch ngoại hối, khi bạn đặt mua một cặp tỷ giá, tức là bạn đang mua một loại tiền tệ (tiền tệ đứng trước) và bán đi một loại tiền tệ khác (tiền tệ đứng sau). Ngược lại, khi đặt lệnh bán một cặp tỷ giá, bạn sẽ bán đi tiền tệ đứng trước và mua vào tiền tệ đứng sau.

Giả sử bạn đang nắm giữ vị thế mua trên cặp USD/JPY, tức bạn đang mua USD và bán JPY.

Chiến lược hedging nhiều loại tiền tệ sẽ được thực hiện như sau:

  • Bạn sẽ mở một vị thế sao cho đồng USD bị triệt tiêu, tức là bạn phải bán USD. Ví dụ trong trường hợp này, bạn sẽ đặt lệnh Buy trên cặp EUR/USD, tức bạn đang mua vào EUR và bán ra USD. USD lúc này đã bị triệt tiêu nhau giữa 2 vị thế.
  • Các vị thế chính của bạn lúc này chỉ còn bán JPY và mua EUR, tương đương một lệnh Buy trên cặp EUR/JPY. Do đó, để phòng ngừa rủi ro cho giao dịch này, bạn cần đặt lệnh bán cặp EUR/JPY.
  • Lúc này, bạn vừa có vị thể mua và bán trên đồng USD, mua và bán trên đồng EUR và cả mua và bán trên đồng JPY. Đây chính là hàng rào phòng ngừa rủi ro hoàn hảo cho vị thế mua dài hạn của bạn trên cặp USD/JPY.

Nguyên tắc của chiến lược hedging này chính là các bạn phải mở các vị thế sao cho các giao dịch mua và bán trên các tiền tệ được sử dụng triệt tiêu lẫn nhau.

Dưới đây là sự kết hợp các loại tiền tệ với các vị thế tương ứng trong chiến lược phòng ngừa rủi ro sử dụng 3 loại tiền tệ. Các bạn có thể tham khảo để thực hiện chiến lược hedging của mình.

Chiến lược hedging sử dụng vị thế trên vàng giao ngay (XAU/USD)

Chiến lược hedging này có tính khả thi vì đơn giản, vàng và USD có mối tương nghịch với nhau. Bởi vì khi đồng bạc xanh mất giá, người ta sẽ tăng nhu cầu dự trữ vàng, dẫn đến giá vàng tăng và ngược lại, thay vì giữ vàng, người ta sẽ chuyển sang đầu tư vào USD khi đồng tiền này tăng giá, dẫn đến giá vàng giảm.

Vì thế, vàng chính là hàng rào bảo vệ hoàn hảo của nhà đầu tư trước lạm phát, do khi lạm phát mất kiểm soát, đồng USD sẽ mất giá.

Chiến lược này được thực hiện vô cùng đơn giản. Nếu bạn đang có một vị thế mua hoặc bán trên đồng USD (USD Index), khi thị trường đi theo hướng bất lợi, bạn sẽ mở vị thế ngược lại trên vàng để phòng ngừa rủi ro cho vị thế trên USD.

Chiến lược hedging sử dụng dầu thô (Oil)

Một số loại tiền tệ ảnh hưởng trực tiếp đến giá dầu, trong đó, đồng đô la Canada là đồng tiền có ảnh hưởng lớn nhất. Lý do là vì Canada là quốc gia có nguồn tài nguyên dầu lớn mạnh và Hoa Kỳ chính là đối tác lớn của Canada trong việc nhập khẩu dầu. Thống kê cho thấy Canada xuất khẩu dầu thô sang Mỹ khoảng 3 triệu thùng dầu mỗi ngày. Do đó, hoạt động nhập khẩu dầu của Mỹ sẽ tác động trực tiếp đến đồng CAD hay cụ thể là cặp tỷ giá USD/CAD.

Khi nhu cầu về dầu tại Mỹ tăng, nhưng nguồn cung dầu Canada thì có hạn. Do đó, Canada sẽ nâng giá dầu và Mỹ phải đặt mua thêm dầu với giá cao hơn. Khi giá dầu tăng, cùng một lượng dầu nhưng Mỹ phải trả nhiều USD hơn so với trước, tức đồng USD đang bị giảm giá trị so với đồng CAD, đồng nghĩa với việc cặp tiền USD/CAD giảm giá. 

Ngược lại, khi nhu cầu sử dụng dầu tại thị trường Mỹ giảm xuống, Mỹ sẽ đặt ít đơn hàng hơn trước, Canada buộc phải giảm giá dầu xuống. Giá dầu giảm, Mỹ sẽ trả ít USD hơn để mua được cùng lượng dầu so với trước đó, đồng USD tăng giá so với đồng CAD, đồng nghĩa với cặp USD/CAD tăng giá.

Vì vậy, nếu trader đang có vị thế mở trên cặp USD/CAD thì có thể phòng ngừa rủi ro bằng một vị thế trên dầu thô cùng chiều với vị thế trên cặp USD/CAD.

Chiến lược Hedging sử dụng Hợp đồng quyền chọn

Hợp đồng quyền chọn (Options contract) là công cụ hedging được sử dụng phổ biến trên thị trường chứng khoán. Tất nhiên, chiến lược này cũng áp dụng được trên thị trường forex trong trường hợp broker có cung cấp loại sản phẩm phái sinh này cho trader của mình.

Số lượng forex broker trên thị trường hiện nay có cung cấp sản phẩm Hợp đồng Quyền chọn là rất ít và nếu có thì cũng chỉ trên một số loại tài sản cơ sở như kim loại, chỉ số và hàng hóa. Do đó, các bạn chỉ thực hiện được chiến lược hedging này trên thị trường ngoại hối nếu vị thế đang muốn phòng ngừa rủi ro là các vị thế trên những loại tài sản mà broker của bạn có hỗ trợ giao dịch Hợp đồng quyền chọn.

Cách thực hiện chiến lược này như sau:

  • Vị thế mua trên tài sản sẽ được hedging bằng một vị thế mua trên Put Options (Quyền chọn bán) của loại tài sản đó.
  • Vị thế bán trên tài sản sẽ được hedging bằng một vị thế mua trên Call Options (Quyền chọn mua) của loại tài sản đó.

Để hiểu được cách hoạt động của chiến lược hedging này, các bạn cần nắm được đặc điểm và cách hoạt động của Hợp đồng quyền chọn, các bạn có thể tham khảo bài viết sau đây: 

  • Hợp đồng quyền chọn (Options Contract) là gì?

Lưu ý: dù lựa chọn chiến lược hedging nào thì cũng có 2 lưu ý cực kỳ quan trọng, đó là:

  • Vị thế hedging phải có cùng khối lượng giao dịch với vị thế chính.
  • Khi nào thì kết thúc vị thế hedging? Vị thế phòng ngừa rủi ro sẽ được đóng lại khi thị trường quay trở lại đúng hướng kỳ vọng trên vị thế chính. Mà để xác định được thời điểm chính xác để giá quay trở lại xu hướng kỳ vọng thì lại phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng phân tích thị trường của trader.

Kết luận

Phòng ngừa rủi ro (hedging) là một nghiệp vụ không hề dễ, đặc biệt đối với các trader mới. Khi chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa đủ bản lĩnh và tự tin thì các bạn sẽ rất khó để thành công trong các chiến lược hedging.

Do đó, muốn thực hiện các chiến lược hedging hiệu quả và hạn chế rủi ro nhất có thể, các bạn phải luyện tập thật nhiều trên tài khoản Demo trước khi thực chiến. Hãy thử nghiệm tất cả các chiến lược hedging mà chúng tôi đã giới thiệu trong bài viết này để xác định ít nhất một chiến lược phù hợp với phong cách và hệ thống giao dịch của bạn. Quan trọng hơn hết vẫn là sự cố gắng và kiên trì.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Hedging là gì? Bật mí các chiến lược hedging hiệu quả trong Forex

Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Hoc Forex Mien Phi

Các bài viết liên quan