Nếu nhắc đến những đóng góp to lớn trong phân tích kỹ thuật trên thị trường forex nói riêng và thị trường tài chính nói chung thì không thể không nhắc đến những đóng góp của người Nhật Bản. 2 trong số những đóng góp quan trọng và có ứng dụng rộng rãi nhất của họ chính là biểu đồ nến Nhậthệ thống Ichimoku. Đó là những thành tựu mà không ai có thể phủ nhận, đặc biệt, mô hình nến Nhật được xem như là biểu đồ giá chính thức mà tất cả các nhà đầu tư, trader toàn thế giới đều sử dụng.

Bên cạnh mô hình nến Nhật (candlestick) thì người Nhật còn phát triển một loại nến khác, có tên là Heiken Ashi, tuy nhiên, Heiken Ashi được xem là một chỉ báo chứ không phải là một loại đồ thị giá. Và ưu điểm của Heiken Ashi so với nến Nhật thông thường chính là khả năng xác định xu hướng tuyệt vời.

Vậy thì, nến Heiken Ashi có đặc điểm như thế nào, khác với nến Nhật ra sao và cách sử dụng nó để xác định xu hướng như thế nào? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về Heiken Ashi trong nội dung của bài viết lần này nhé.

Nến Heiken Ashi là gì? Heiken Ashi được tính như thế nào?

Nến Heiken Ashi được phát minh bởi Munehisa Homma vào những năm 1700. Heiken Ashi trong tiếng Nhật có nghĩa là “thanh trung bình” hay “nến trung bình” vì các mức giá của nó có liên quan đến các giá trị trung bình.

Giống như nến Nhật bình thường, Heiken Ashi cũng có hình dáng tương tự, bao gồm thân nến và 2 bóng nến (râu nến). Heiken Ashi cũng có 4 mức giá: cao nhất (High), thấp nhất (Low), giá mở cửa (Open) và giá đóng cửa (Close), tuy nhiên, công thức tính của chúng có phần phức tạp hơn nhiều.

Nếu High, Low, Open hay Close của nến Nhật bình thường được xác định từ chính các mức giá của phiên giao dịch hình thành nên cây nến thì 4 mức giá này trong cây nến Heiken Ashi còn liên quan đến các mức giá của phiên giao dịch ngay trước nó.

  • Công thức tính các mức giá của nến Heiken Ashi

Giá mở cửa bằng trung bình cộng của giá mở cửa và giá đóng cửa của phiên giao dịch trước hay cây nến trước.

Open = (Open of Pre. Bar + Close of Pre. Bar)/2

Giá đóng cửa bằng trung bình cộng của 4 mức giá: mở cửa, đóng cửa, cao nhất, thấp nhất của chính phiên giao dịch hiện tại.

Close = (Open + Close + High + Low)/4

Giá cao nhất là giá trị lớn nhất của 3 mức giá sau: mở cửa, đóng cửa và giá khớp lệnh cao nhất (là mức giá cao nhất đạt được) của phiên giao dịch hiện tại.

High = Max (High, Open, Close)

Giá thấp nhất là giá trị nhỏ nhất của 3 mức giá sau: mở cửa, đóng cửa và giá khớp lệnh thấp nhất (là mức giá thấp nhất đạt được) của phiên giao dịch hiện tại.

Low = Min (Low, Open, Close)

Cách mở/tắt biểu đồ Heiken Ashi trên Trading View và phần mềm giao dịch MT4.

Mở/tắt Heiken Ashi trên Trading View

Rất đơn giản, sau khi mở một biểu đồ giá bất kỳ, trên thanh công cụ, các bạn nhấp chọn vào biểu tượng có hình các cây nến (như bên dưới), rồi chọn Mô hình Heikin Ashi.

Để tắt Heiken Ashi đi thì các bạn cũng làm tương tự, và chọn Biểu đồ nến.

Mở Heiken Ashi trên phần mềm MT4

Bước 1: trên thanh công cụ, nhấp chọn vào biểu tượng Line chart, đồ thị giá sẽ chuyển sang dạng đường như hình dưới:

Bước 2: nhấp chuột phải vào biểu đồ giá, chọn Properties…

Hộp thoại cài đặt biểu đồ hiện ra như bên dưới:

Tại đây, các bạn chú ý đến 2 mục: Background và Line graph. Ở ô Line graph, bạn chọn None.

Biểu đồ Heiken Ashi mặc định sẽ có màu đỏ (nến giảm) và trắng (nến tăng), nếu các bạn để nguyên mặc định như vậy thì ở ô Background bạn chọn màu đen (black) cho dễ nhìn. Còn nếu các bạn muốn chuyển màu của nến tăng sang màu xanh giống với nến Nhật bình thường, thì các bạn có thể chuyển background sang màu trắng tạo cảm giác màn hình sáng hơn, nếu không thì giữ nguyên màu đen vẫn được.

Bước 3: trên thanh công cụ, chèn Heiken Ashi theo đường dẫn sau: Indicators 🡪 Custom 🡪 Heiken Ashi.

Hộp thoại chỉ báo hiện ra, các bạn nhấn OK là xong.

Heiken Ashi hiển thị trên biểu đồ sẽ như thế này:

Nếu muốn đổi màu nến tăng sang xanh, các bạn bấm chuột phải vào một cây nến bất kỳ trên đồ thị, rồi chọn Heiken Ashi properties…

Hộp thoại chỉ báo hiện ra, mở tab Colors, chọn lại màu sắc cho nến tăng, rồi bấm OK là xong.

Để tắt Heiken Ashi và chuyển lại sang đồ thị nến Nhật, đầu tiên, bấm chuột phải vào một cây nến Heiken Ashi bất kỳ trên biểu đồ, rồi chọn Delete Indicator. Sau đó, trên thanh công cụ, bạn bấm chọn lại vào biểu tượng Đồ thị nến (Candlestick), bên cạnh nút Line chart ở bước 1 là xong.

Đặc điểm của nến Heiken Ashi và so sánh với nến Nhật

Để so sánh biểu đồ Heiken Ashi với đồ thị nến Nhật, các bạn quan sát hình bên dưới: cặp EUR/USD trên khung D1, trong cùng một giai đoạn.

Sự khác nhau đầu tiên của Heiken Ashi so với đồ thị nến Nhật chính là nhìn đồ thị Heiken Ashi khá đầy đặn, có vẻ như dày và sát nhau hơn. Lý do là vì ở đồ thị nến Nhật bình thường, giá mở cửa của phiên sau bằng giá đóng cửa phiên trước (ngoại trừ xuất hiện GAP), các cây nến nối tiếp nhau theo quy luật đuôi – đầu, còn với đồ thị Heiken Ashi, cây nến phía sau bắt đầu từ khoảng chính giữa của thân nến phía trước, nên đồ thị Heiken Ashi không bao giờ xuất hiện GAP. Nhìn vào đặc điểm này có thể phân biệt được đâu là đồ thị nến Nhật bình thường, đâu là Heiken Ashi.

Tiếp theo, về xu hướng chuyển động thì cả hai gần như giống nhau nhưng đồ thị Heiken Ashi mượt hơn so với đồ thị nến Nhật, đặc biệt ở những chỗ được khoanh tròn trong hình. Sự khác biệt này tồn tại do tính chất trung bình cộng trong công thức tính, nên Heiken Ashi mượt mà hơn, giống như tính chất của đường trung bình trượt MA. Cũng nhờ tính chất mượt hơn này mà đồ thị Heiken Ashi loại bỏ được khá nhiều tín hiệu gây nhiễu.

Thứ ba, trong 2 đoạn xu hướng giảm và tăng được đánh dấu trong hình, ở đồ thị Heiken Ashi, xu hướng giảm hầu như chỉ bao gồm các cây nến đỏ, xu hướng tăng chỉ bao gồm các cây nến xanh. Trong khi ở đồ thị nến Nhật bình thường, xu hướng giảm vẫn xen kẽ các cây nến xanh và xu hướng tăng vẫn xen kẽ khá nhiều cây nến đỏ. Đặc điểm này làm giúp đồ thị Heiken Ashi thể hiện rõ xu hướng của thị trường hơn so với đồ thị nến Nhật.

Thứ tư, mặc dù mức giá hiện tại của thị trường đều đang là 1.18864, được biểu diễn trên đồ thị, nhưng đối với Heiken Ashi, chuyển động của cây nến không thể hiện được mức giá hiện tại của thị trường, không phải là mức giá sẽ được khớp khi đặt lệnh. Chính vì vậy, đồ thị Heiken Ashi là một chỉ báo chứ không phải là biểu đồ giá. Đó là lý do mà Heiken Ashi được đặt ở mục Indicators thay vì là các dạng biểu đồ giá như nến Nhật, thanh hay đường.

Nhìn đồ thị Heiken Ashi trên Trading View, các bạn sẽ dễ thấy hơn đặc điểm này. Ở khu vực số 1 là mức giá hiện tại của thị trường, trong khi khu vực số 2 là các mức giá ứng với chuyển động của nến Heiken Ashi.

Ứng dụng của đồ thị Heiken Ashi trong giao dịch

Nhờ được làm mượt bởi tính chất trung bình cộng, đồ thị Heiken Ashi phát huy tốt nhất trong vai trò nhận diện và cung cấp tín hiệu xác định xu hướng. Bên cạnh đó, đồ thị Heiken Ashi còn giúp cho việc nhận diện một số mô hình giá trở nên dễ dàng hơn.

Heiken Ashi nhận diện xu hướng thị trường

Xu hướng thị trường có thể được nhận diện bằng mắt thông qua cấu trúc chuyển động của giá. Trong một xu hướng tăng, giá sẽ tạo các đỉnh cao hơn, đáy cao hơn, ngược lại, với xu hướng giảm, giá sẽ tạo đỉnh thấp hơn, đáy thấp hơn.

Đối với đồ thị Heiken Ashi, việc nhận diện xu hướng sẽ dễ dàng hơn nhờ vào đặc điểm đặc biệt của các cây nến hình thành nên xu hướng, mà điều này thì đồ thị nến Nhật không làm được.

Trong xu hướng tăng, số lượng các cây nến xanh (tăng) xuất hiện một cách áp đảo và rất đồng đều, nến đỏ rất ít và đôi khi không xuất hiện nến đỏ nếu trong xu hướng tăng mạnh mẽ. Các cây nến xanh hình thành nên xu hướng tăng thường có bóng nến trên dài, bóng nến dưới rất ngắn hoặc không có bóng nến.

Ví dụ: đồ thị Heiken Ashi và đồ thị nến Nhật của EUR/USD trên khung D1, trong cùng một giai đoạn.

Đường xu hướng ở cả hai đồ thị được xác định giống nhau, độ dốc như nhau.

Ở đồ thị Heiken Ashi, số lượng nến đỏ ít hơn và chúng chỉ xuất hiện trong những đợt điều chỉnh giảm bằng liên tiếp các cây nến đỏ. Ngược lại, ở đồ thị nến Nhật, số lượng nến đỏ xuất hiện nhiều hơn, xen kẽ vào các đợt tăng giá. Còn ở những đợt điều chỉnh giảm, nến xanh vẫn xuất hiện xen kẽ các nến đỏ.

Nhìn ngay vào đồ thị Heiken Ashi, dựa vào màu sắc, chúng ta có thể nhìn thấy ngay xu hướng chính và các đợt điều chỉnh của thị trường.

Trên đồ thị Heiken Ashi, hàng loạt các cây nến xanh trong xu hướng tăng mạnh đều không có bóng nến dưới, còn với nến Nhật bình thường thì đa số đều có bóng nến dưới.

Trong xu hướng giảm, số lượng các nến đỏ (nến giảm) xuất hiện áp đảo và đồng đều, nến xanh rất ít và đôi khi không xuất hiện trong xu hướng giảm mạnh. Các cây nến đỏ hình thành nên xu hướng giảm có bóng nến dưới dài, bóng nến trên rất ngắn hoặc không có.

Trên đồ thị Heiken Ashi, trong xu hướng giảm, các cây nến xanh chỉ xuất hiện ở những đợt thị trường điều chỉnh tăng, còn trong những đợt giảm, số nến đỏ áp đảo. Ngược lại, trên đồ thị nến Nhật, nến xanh xen kẽ trong những đợt giảm chính và nến đỏ cũng xuất hiện trong những đợt điều chỉnh tăng.

Các cây nến Heiken Ashi đỏ liên tiếp trong xu hướng giảm cũng không có bóng nến trên hoặc rất ngắn.

Heiken Ashi cung cấp tín hiệu dự báo xu hướng

  • Tín hiệu mua vào

Khi xuất hiện hàng loạt (tối thiểu 3 cây liên tiếp) các nến Heiken Ashi xanh (nến tăng) với thân nến dài, bóng nến trên dài, bóng nến dưới ngắn hoặc không có bóng nến thì cho tín hiệu thị trường đang trong xu hướng tăng và sẽ tiếp tục tăng sau đó. Cơ hội để vào lệnh Buy.

  • Tín hiệu bán ra

Khi xuất hiện hàng loạt (tối thiểu 3 cây liên tiếp) các nến Heiken Ashi đỏ (nến giảm) với thân nến dài, bóng nến dưới dài, bóng nến trên ngắn hoặc không có bóng nến thì cho tín hiệu thị trường đang trong xu hướng giảm và sẽ tiếp tục giảm sau đó. Cơ hội để vào lệnh Sell.

Sau khi liên tiếp 4 cây nến xanh thân dài, không bóng nến dưới xuất hiện, thị trường đã tăng mạnh ngay sau đó. Các bạn có thể mua vào khi cây nến thứ 4 kết thúc.

Sau khi tăng một thời gian thì xuất hiện liên tiếp 4 cây nến đỏ thân dài, không có bóng nến trên, đây là tín hiệu để các bạn thoát vị thế, đóng lệnh chốt lời. Và thị trường đã đảo chiều giảm ngay sau đó.

Tương tự, sự xuất hiện hàng loạt các cây nến Heiken Ashi đỏ thân dài, không bóng nến trên cho các bạn tín hiệu vào lệnh Sell.

Tuy nhiên, trong tình huống này, nếu các bạn chờ đợi cả 3 cây nến xanh thân dài, không bóng nến dưới liên tiếp nhau xuất hiện rồi mới đóng lệnh thì sẽ không có lợi nhuận hoặc thậm chí thua lỗ, vì khoảng cách vào lệnh và đóng lệnh rất ngắn.

Chính vì thế, khi lựa chọn tín hiệu nến Heiken Ashi để chốt lời, các bạn nên đóng lệnh ngay khi xuất hiện một cây nến xanh thân dài, không bóng nến dưới (đối với lệnh Sell) và đóng lệnh Buy ngay khi xuất hiện một cây nến đỏ thân dài, không bóng nến trên. Có thể kết hợp thêm tín hiệu đảo chiều từ chỉ báo, mô hình nến trên đồ thị nến Nhật.

  • Heiken Ashi cung cấp tín hiệu khả năng đảo chiều

Mẫu nến Heiken Ashi cung cấp tín hiệu này chính là nến Doji. Đặc điểm của nến Heiken Ashi Doji cũng giống như nến Nhật Doji thông thường, là nến có thân nến ngắn (gần như đường thẳng), có bóng nến trên và dưới.

Nến Heiken Ashi xuất hiện trong một xu hướng cho thấy thị trường đang do dự. Có 2 khả năng xảy ra, hoặc là sự tạm nghỉ của thị trường, trước khi phe áp đảo tung đòn đưa xu hướng hiện tại đi với lực mạnh mẽ hơn 🡪 tiếp diễn xu hướng, hoặc là lực của phe áp đảo đang dần yếu đi, tạo cơ hội cho phe còn lại tham gia vào thị trường 🡪 đảo chiều xu hướng.

Ở hình trên, sau khi nến Doji 1 xuất hiện thì xu hướng được tiếp diễn, trong khi nến Doji 2 và 3 xuất hiện lại cho kết quả đảo chiều xu hướng.

Các cây nến Doji được đánh dấu bằng ô vuông xanh không cho kết quả rõ ràng. Trên thực tế, nến Heiken Ashi Doji xuất hiện thường xuyên và không phải sự xuất hiện nào cũng cho tín hiệu giao dịch mạnh mẽ. Chính vì thế, mặc dù bản thân nến Doji thường cung cấp tín hiệu đảo chiều nhưng để giao dịch hiệu quả hơn, các bạn nên sử dụng kết hợp thêm nhiều công cụ phân tích khác, tránh rủi ro trong những tình huống Doji cho tín hiệu tiếp diễn xu hướng hoặc Doji gây nhiễu.

Heiken Ashi nhận diện một số mô hình giá tốt hơn

Nhờ những đặc điểm như các cây nến có vẻ dày đặc, sát nhau hơn; không có nhiều bóng nến dưới trong xu hướng tăng hoặc không có nhiều bóng nến trên trong xu hướng giảm; và tính chất được làm mượt nên đồ thị nến Heiken Ashi giúp nhận diện các mô hình giá tốt hơn, đặc biệt là các mô hình giá xác định bởi các đường xu hướng. Trong đó, mô hình Tam giác và mô hình Cái nêm là 2 mô hình giá xuất hiện thường xuyên nhất trên đồ thị Heiken Ashi.

Việc nhận diện 2 mô hình này trở nên đơn giản hơn nên quan trọng là các bạn cần xác định chiến lược giao dịch hiệu quả. 2 mô hình này cũng tương đối giống nhau nhưng vẫn có những đặc điểm tạo nên sự khác biệt quan trọng giữa 2 mô hình. Các bạn cần lưu ý về những đặc điểm đó, cũng như cách giao dịch với từng mô hình.

Cách giao dịch với 2 mô hình này trên đồ thị nến Heiken Ashi tương tự như trên đồ thị nến Nhật, các bạn có thể tham khảo các bài viết bên dưới.

Tham khảo:

Ưu, nhược điểm của đồ thị Heiken Ashi

Xác định được ưu, nhược điểm của đồ thị Heiken Ashi sẽ giúp bạn ra quyết định chính xác cho việc sử dụng chỉ báo này trong những trường hợp nào, khi nào nên sử dụng Heiken Ashi thay cho nến Nhật bình thường.

Ưu điểm của đồ thị Heiken Ashi

  • Độ mượt mà của Heiken Ashi giúp cho việc nhận diện xu hướng dễ dàng hơn, bớt các tín hiệu gây nhiễu làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, trader trước những biến động ngắn hạn.
  • Đặc điểm về màu sắc của các nến trong một xu hướng cũng giúp nhận diện xu hướng dễ dàng hơn.
  • Được sử dụng trên nhiều khung thời gian khác nhau, tương tự như đồ thị nến Nhật.

Nhược điểm của đồ thị nến Heiken Ashi

  • Không thể hiện được mức giá hiện tại của thị trường nên không được sử dụng để đặt lệnh.
  • Đơn giản chỉ là một chỉ báo nên không thể phát huy hết đặc tính của một biểu đồ giá.
  • Phụ thuộc vào dữ liệu giá của phiên giao dịch trước nên các tín hiệu phát ra từ đồ thị Heiken Ashi sẽ chậm hơn so với đồ thị nến Nhật.
  • Đặc điểm của nến Heiken Ashi không thể áp dụng được nhiều chiến lược giao dịch với mô hình nến đảo chiều hay tiếp diễn như đối với nến Nhật. Vì đa số các mô hình nến được tạo thành từ đặc điểm của nến Nhật.
  • Các tín hiệu dự báo xu hướng của nến Heiken Ashi không hiệu quả trong việc chốt lời.
  • Vì các tín hiệu bị trễ hơn so với đồ thị nến Nhật nên việc dự báo xu hướng trên các khung thời gian nhỏ như M1, M5 sẽ không hiệu quả.
  • Ít được sử dụng do ít phổ biến hơn.

Kết luận

Mặc dù chưa được biết đến và sử dụng rộng rãi như nhiều chỉ báo khác nhưng ứng dụng của đồ thị Heiken Ashi trong việc nhận diện và dự báo xu hướng là rất hiệu quả, hơn hẳn sử dụng đồ thị nến Nhật.

Đối với nhiều nhà đầu tư, nhà giao dịch chuyên nghiệp, đặc biệt là những người ưa thích giao dịch theo xu hướng thì đồ thị nến Heiken Ashi là công cụ không thể thiếu.

Là một trader mới, các chiến lược giao dịch theo xu hướng được khuyến khích hơn so với những chiến lược khác do tính chất đơn giản mà ít rủi ro. Vì vậy, ngay từ bây giờ, nếu yêu thích Heiken Ashi, các bạn hãy bổ sung ngay công cụ này vào hệ thống giao dịch của mình, luyện tập sử dụng để đạt hiệu quả cao nhất.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Heiken Ashi là gì? Bí kíp áp dụng nến Heiken Ashi hiệu quả

Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Hoc Forex Mien Phi

Các bài viết liên quan