Nếu bạn là một trader, một nhà đầu tư thì không thể không biết đến Jesse Livermore. Người được mệnh danh là nhà đầu cơ vĩ đại nhất phố Wall. Phương pháp, nguyên tắc đầu tư của ông đã trở thành những bài học vô cùng giá trị đối với giới đầu tư hiện đại. Ngoài những phi vụ đầu cơ mang tính lịch sử thì Jesse Livermore còn nổi tiếng với một cuộc đời đầy bi kịch và cái chết đầy ám ảnh của ông.
Trong chuyên mục Cafe Fx lần này, chúng ta không bàn đến phương pháp hay nguyên tắc giao dịch của Jesse Livermore mà sẽ cùng tìm hiểu về cuộc đời và cái chết bi kịch của vị huyền thoại này.
Jesse Livermore là ai?
Jesse Livermore là nhà giao dịch, nhà đầu cơ chứng khoán nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20. Mặc dù không được học hành bài bản, nhưng ông đã trở thành một trong những nhà giao dịch thành công nhất mọi thời đại.
Các thương vụ lớn nhất của Jesse Livermore được thực hiện khi thị trường rơi vào những cuộc đại khủng hoảng 1907 và 1929. Ông đã kiếm được hơn 1 triệu đô la tiền lãi từ các giao dịch đó và khối tài sản đỉnh cao nhất của ông thời bấy giờ tương đương với hơn 1,5 tỷ đô la ở hiện tại. Nhưng cũng chỉ hơn 5 năm sau (kể từ năm 1929), Jesse Livermore đã tiêu sạch số tài sản trị giá 100 triệu đô la mà ông kiếm được trên thị trường chứng khoán. Ông tuyên bố phá sản lần thứ ba, trải qua cuộc ly hôn thứ hai và tự tử vào năm 1940.
Jesse Livermore sống một cuộc đời rực rỡ và dư dả, xung quanh là tình nhân, bê bối, tiền bạc và những lần phá sản. Các tờ báo sau đó thường đưa tin chi tiết về những vụ bê bối của ông hơn là những thành tựu mà ông đã đạt trong những ngày đầu.
Trong số tất cả những người thuộc thế giới đầu cơ chứng khoán, không có ai thắng nhiều và thua cũng nhiều như Jesse Livermore, không có ai vừa đam mê đầu cơ lại vừa oán hận đầu cơ, không có ai tìm ra được bí quyết đầu cơ thành công nhưng rồi lại thất bại bởi đã không làm theo chính bí quyết ấy, cũng không có ai dù biết trước nhưng vẫn bất chấp “lời nguyền” về sự nghiệp và tình yêu để rồi phải tự tìm đến cái chết như vị huyền thoại này.
Cuộc đời và sự nghiệp đầu cơ của Jesse Livermore chính là nguồn cảm hứng tuyệt vời nhất để Edwin Lefevre cho ra đời tác phẩm “Hồi Ức Của Một Thiên Tài Chứng Khoán”, cuốn sách về đầu tư tài chính bán chạy nhất thế giới.
Thông tin chung về Jesse Livermore
Cùng điểm qua một vài thông tin cơ bản về Jesse Livermore trước khi bắt đầu tìm hiểu về cuộc đời bi kịch của vị huyền thoại này.
Tên thật: Jesse Lauriston Livermore
Năm sinh: 26/7/1877, tại Shrewsbury, Massachusetts
Năm mất: 28/11/1940, Manhattan
Biệt danh của ông trên thị trường chứng khoán: Người đàn ông liều lĩnh (The Boy Plunger), Con sói cô độc của Phố Wall (The Lone Wolf of Wall Street) hay Con Gấu vĩ đại của Phố Wall (The Bear of Wall Street)
Hai thương vụ lớn nhất của Jesse Livermore
Thời kỳ Đại khủng hoảng 1907: Trước khi bong bóng thị trường mở rộng vào năm 1906, Jesse Livermore đã luôn đi theo xu hướng dài hạn cho đến khi bản năng mách bảo ông phải làm điều ngược lại. Jesse Livermore đã bán khống cổ phiếu của Union Pacific và kiếm được khoản lãi 1 triệu đô la chỉ hai ngày sau đó khi một trận động đất xảy ra ở San Francisco. Thị trường lao dốc vào năm 1907 và ông nghe theo lời khuyên của J.P. Morgan, mua vào trong khi những người khác bán ra. Nhiều nhà giao dịch đã làm theo và Jesse Livermore được cho là người đã hỗ trợ thị trường phục hồi sớm.
Cuộc đại suy thoái 1929: Năm 1929, Jesse Livermore có vị thế tốt trên thị trường chứng khoán nhưng lại nhận thấy những dấu hiệu suy yếu đầu tiên khi một bong bóng thị trường khác xuất hiện. Trong một số giao dịch nhỏ, ông đã bán các vị thế mua của mình bằng cách thăm dò các khoản đặt cược bán vào thị trường. Ông đã mất gần 250.000 đô la cho việc làm này. Tuy nhiên, Jesse Livermore tiếp tục xây dựng một vị thế bán khống, và vào ngày Thứ Ba Đen tối, ngày 29 tháng 10 năm 1929, ông đã kiếm được 100 triệu đô la nhờ thương vụ bán khống này.
Đóng góp của ông đối với thị trường chứng khoán
Ông là người đã phổ biến phân tích kỹ thuật hiện đại, những kỹ thuật này giúp ông có được một con mắt tinh tường trong việc phát hiện các xu hướng đảo ngược. Jesse Livermore cũng là một trong những nhà giao dịch đầu tiên sử dụng lệnh cắt lỗ (stop loss), một kỹ thuật quản lý rủi ro vẫn được các nhà giao dịch ngày nay sử dụng.
Những cuốn sách mà ông đã viết:
- How to Trade In Stocks
- Jesse Livermore’s Two Books of Market Wisdom: đồng tác giả với Richard Wyckoff và Edwin Lefevre
- The Formulas I Follow When I Trade in Stocks and Bonds
- My Life on Wall Street and How I Made Three Fortunes in the Stock Market
- The Livermore Trick of the Total Stock Market Attack for Supreme Speculative Profits
- The Autobiography of Jesse Livermore
- Smart Livermore’s Tricks for Stock Market Success
- Jesse Livermore’s Stock Market Games and Tricks for Maximal Stock Market Profits
Những cuốn sách nổi tiếng viết về Jesse Livermore
- Reminiscences of a Stock Operator, viết bởi Edwin Lefèvre
- Jesse Livermore – Speculator King, viết bởi Paul Sarnoff
- Jesse Livermore: The World’s Greatest Stock Trader, viết bởi Richard Smitten
- Speculation as a Fine Art, viết bởi Dickson G. Watts
- Trade Like Jesse Livermore, viết bởi Richard Smitten
- Lessons from the Greatest Stock Traders of All Time, viết bởi John Boik
- How Legendary Traders Made Millions, viết bởi John Boik
- The Secret of Livermore: Analyzing the Market Key System, viết bởi Andras Nagy
Cuộc đời bi kịch của Jesse Livermore
Thuở niên thiếu, Jesse Livermore đã bộc lộ là một người có tài năng vượt trội
Jesse Livermore sinh năm 1877 trong một gia đình nông dân bình thường, Ông là con út trong ba người và là một đứa trẻ “vỡ kế hoạch”. Đó là lý do mà Jesse Livermore hầu như không nhận được sự quan tâm từ cha mình. Ngược lại, mẹ ông luôn yêu thương, quyết tâm nuôi dạy Jesse Livermore về những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống và ông đã nhanh chóng tiếp thu.
Ông học đọc và viết khi mới 3 tuổi rưỡi. Khi được 5 tuổi, ông đã đọc báo và ngấu nghiến các trang tài chính.
Jesse Livermore giỏi đến mức khi còn đi học, ông ấy đã hoàn thành ba năm chương trình số học chỉ trong một năm. Nhưng cha ông là một người thực dụng. Khi Jesse Livermore tròn 14 tuổi, cha đã bắt ông phải nghỉ học để phụ kiếm tiền từ công việc làm nông của gia đình.
Rời gia đình và có được công việc đầu tiên với mức lương 5$ một tuần
Jesse Livermore đã rất thất vọng. Ông có đam mê và ước mơ của mình, ông rất tài năng và làm nông nghiệp không phải là điều mà ông muốn và mẹ ông cũng biết điều đó. Chính bà đã bí mật giúp ông chạy trốn khỏi nhà. Mặc dù không có nhiều tiền, nhưng bà cũng đã có thể tích góp được khoảng 5 đô la, tức là khoảng 8,000 đô la ngày nay để sắp xếp cho con mình đến một nơi trong thành phố để ông có thể tìm được việc làm.
Thay vì đến địa chỉ do mẹ chỉ định, cậu bé Jesse Livermore đã thuyết phục người lái xe dừng lại ở Paine Webber, một công ty môi giới chứng khoán ở Boston. Nơi mà ông đã bắt đầu sự nghiệp của mình bằng công việc của một người viết giá chứng khoán với mức lương 5$ một tuần. Và ông thật sự đam mê với công việc này.
Vào thời điểm đó, Jesse Livermore trông già hơn so với độ tuổi của mình khiến mọi người ngay lập tức tin tưởng ông và Jesse Livermore đã luôn đền đáp sự tin tưởng đó.
Ở thời bấy giờ, tất nhiên là không có máy tính hay thiết bị điện tử và do đó, công việc mà Jesse Livermore làm chính viết giá cổ phiếu cứ sau 10 đến 15 phút lên bảng đen cho mọi người xem.
Vốn dĩ có niềm đam mê với những con số từ khi còn đi học, Jesse Livermore đã phát triển niềm đam mê đó với thị trường chứng khoán. Ông thích thú với cách mà giá cổ phiếu biến động đến mức ông đã ghi lại tất cả các mức giá mà ông đã viết lên bảng ngày hôm đó theo trí nhớ của mình vào cuốn số tay nhỏ và luôn giữ theo bên mình.
Sau khi viết những con số đó ra, Jesse Livermore thường quan sát các mô hình giá di chuyển và khi nhìn vào những con số này, ông nhận ra rằng chúng không phải là ngẫu nhiên. Từ đó, ông bắt đầu quan sát và nghiên cứu chúng. Thật tuyệt vời vì sau đó, ông đã phát triển được một hệ thống để dự đoán giá dựa trên các dữ liệu giá lịch sử.
Nghe có vẻ quen thuộc đúng không, vì những gì Jesse Livermore đang làm chính là thứ mà ngày nay chúng ta vẫn gọi là phân tích kỹ thuật. Tuy nhiên, ở thời điểm đó làm gì đã có khái niệm này và đặc biệt hơn ở chỗ ở là Jesse Livermore còn chưa bao giờ giao dịch một ngày nào trong đời vì anh không có đủ tiền.
Trở thành “mối đe dọa” của các bucket shop nhờ hệ thống giao dịch do chính ông phát triển
Trong thời gian làm việc tại Paine Webber, Jesse Livermore đã được biết đến các Bucket shop – những cửa hàng cá cược, nơi bạn có thể đặt cược vào một cổ phiếu dựa trên việc bạn nghĩ nó sẽ tăng hay giảm mà không thực sự cần phải bỏ nhiều tiền giống như khi mua cổ phiếu trên thị trường.
Jesse Livermore cho rằng đây chính là cơ hội tốt để ông thử nghiệm hệ thống mà ông đã tự mình phát triển ra. Trong giờ ăn trưa, ông thường lẻn ra khỏi văn phòng và đến những bucket shop này để kiểm tra hệ thống của mình.
Lợi nhuận đầu tiên là khi ông 15 tuổi, đó là khoản lợi nhuận 3.12 đô la từ số vốn đặt cược 5$. Khoản lợi nhuận ít ỏi này đã khiến ông rất phấn khích và hăng hái đến mức ông phải buộc mình nỗ lực hơn cho những giao dịch này.
Số tiền mà Jesse Livermore kiếm được từ việc cá cược tại các bucket shop còn nhiều hơn cả tiền lương mà công việc viết giá chứng khoán ông đang làm. Do đó, ông quyết định nghỉ việc và tập trung vào giao dịch toàn thời gian. Chỉ trong vòng một năm, Jesse Livermore đã kiếm được 1,000 đô la khi giao dịch tại bucket shop, tương đương với hơn 24 nghìn đô la Mỹ ở thời điểm hiện tại. Vì quá giỏi nên Jesse Livermore trở thành mối đe dọa của các bucket shop, họ bắt đầu cấm Jesse Livermore giao dịch, ông thậm chí đã phải cải trang nhưng cuối cùng cũng bị phát hiện, họ đã cấm ông vĩnh viễn bước vào cửa hàng của họ.
Nhờ giao dịch tại các bucket shop, ông đã tích lũy được 10.000 đô la khi chỉ ở độ tuổi chưa đến 20, điều này cho thấy Jesse Livermore thực sự tài năng như thế nào.
Bắt đầu sự nghiệp trên thị trường chứng khoán. Thông báo phá sản lần thứ nhất và cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ.
Không thể dừng lại việc giao dịch của mình chỉ vì bị cấm đoán tại các bucket shop, Jesse Livermore đã quyết định đến New York để bắt đầu lại sự nghiệp của mình tại sàn giao dịch chứng khoán New York. Ngay sau khi đến đó, ông đã gặp người vợ đầu tiên của mình, Nettie Jordan, và chỉ trong vòng vài tuần, họ kết hôn.
Mọi thứ bắt đầu khá suôn sẻ khiến Jesse Livermore cảm thấy rất hào hứng và lạc quan. Tuy nhiên, vì không hoàn toàn hiểu cơ chế hoạt động của các sàn giao dịch cũng như cách thức đưa ra các báo giá trên những sàn giao dịch đó và cuối cùng, một giao dịch tồi tệ nhất đã lấy đi toàn bộ vốn của anh ta. Một nguyên nhân khác dẫn đến thua lỗ lớn chính là do ông đã không làm theo hệ thống đang hoạt động rất tốt do chính ông phát triển trước đó mà lựa chọn giao dịch theo cảm tính. Cú sốc tài chính này đã đặt gánh nặng lớn lên Jesse Livermore và cuộc hôn nhân của ông, đến nỗi vợ ông đã quyết định ly hôn.
Kiếm được lợi nhuận 1 triệu đô la trong cuộc đại suy thoái 1907.
Không bỏ cuộc, Jesse Livermore loại dần những cảm xúc tiêu cực và bắt đầu quay trở về chính mình. Ông nhanh chóng nhận ra rằng tại thời điểm này ông chưa sẵn sàng cho các sàn giao dịch chứng khoán thực sự, bởi vì có rất nhiều điều phải học và rất nhiều điều phải thay đổi để có được một hệ thống giao dịch thành công trên các sàn giao dịch chứng khoán này.
Ông cần một số tiền để bắt đầu lại, và ông quyết định sẽ quay trở lại giao dịch tại các bucket shop. Tuy nhiên, vì không thể quay lại thành phố cũ, nơi ông bị cấm đoán, lần này ông đến một thành phố nhỏ hơn, St. Louis và ở đó, không ai biết ông.
Ông bắt đầu sử dụng lại hệ thống của mình, nó đang hoạt động tốt, giúp ông tiếp tục kiếm được tiền từ các bucket shop. Nhưng sau đó, dần dần, mọi người bắt đầu nhận ra Jesse Livermore và một lần nữa họ lại cấm ông. Tuy nhiên, lần này, Jesse Livermore đã sử dụng một chiến thuật thông minh khác. Ông thuê một số người, đào tạo họ đến các bucket shop và giao dịch thay cho ông. Chiến thuật này đã hiệu quả và chẳng mấy chốc ông đã kiếm được 5,000 đô la, đủ để quay trở lại New York. Lần này Jesse Livermore muốn thắng lớn và thắng nhanh. Nhờ kỹ năng giao dịch hoàn hảo, ông đã thực hiện thương vụ lớn trong cuộc đại khủng hoảng 1907, giúp tên tuổi của ông được gây dựng và trở nên nổi tiếng ở Phố Wall.
Cụ thể, khi đang xem biểu đồ giá của công ty đường sắt Union Pacific, Jesse Livermore cảm thấy có điều gì đó thôi thúc ông đi đến quyết định chọn một vị thế bán.
Chính ông cũng không thể giải thích được, chỉ biết rằng ông đã nhìn thấy điều gì đó trong biểu đồ giá, và cảm thấy như cổ phiếu của công ty này đang đi xuống. Bạn bè và đồng nghiệp cho rằng Jesse Livermore bị điên vì cổ phiếu này chưa bao giờ giảm trước đó. Tuy nhiên, ông đã tin vào linh cảm của mình và thực hiện phi vụ bán khống cổ phiếu này.
Điều bất ngờ là chỉ trong vòng vài ngày, một trận động đất đã xảy ra ở San Francisco khiến cổ phiếu của công ty Union Pacific giảm giá đáng kể và tất nhiên, Jesse Livermore đã kiếm được rất nhiều tiền. Nghi vấn dấy lên rằng ông có thể đã có một số thông tin nội bộ nhưng liệu ai có thể dự đoán được trước một trận động đất có thể xảy ra ở thời điểm mà không hề có công nghệ để dự đoán được những thiên tai như thế hay không?
Dù sao đi nữa thì giao dịch đó đã giúp Jesse Livermore kiếm được bộn tiền và nổi tiếng hơn.
Sau cuộc khủng hoảng đó vào năm 1907, toàn bộ thị trường sụp đổ và Jesse Livermore đã kiếm được 1 triệu đô la trong một ngày và đến cuối cuộc khủng hoảng, tổng tài sản của ông đạt được là 3 triệu đô la. Vào thời điểm này, Jesse Livermore được biết đến là người tạo ra các vị thế bán khống khổng lồ và điều đó đã gây rất nhiều áp lực lên thị trường.
JP Morgan đã yêu cầu Jesse Livermore ngừng tạo các vị thế bán khống và khuyến khích ông mua cổ phiếu ở mức giá rẻ. Một phần vì tôn trọng JP Morgan – thần tượng của ông, mặt khác, ông ấy đã kiếm được rất nhiều tiền từ các vị thế bán khống nên đã nhận lời đóng tất cả các vị thế bán của mình và bắt đầu mở các vị thế mua. Nhờ đó, thị trường bắt đầu phục hồi và Jesse Livermore cũng kiếm được nhiều tiền hơn.
Jesse Livermore lúc này được coi là một anh hùng. Tuy nhiên, với rất nhiều thành công ở độ tuổi trẻ như vậy và việc trở thành một người độc thân đã dẫn ông đến với lối sống xa hoa. Jesse Livermore đã mua du thuyền trị giá 200,000 đô la, toa xe lửa, một căn hộ ở Upper West Side, tham gia vào các câu lạc bộ độc quyền nhất và đặc biệt là có một loạt tình nhân.
Lối sống đắt đỏ này tốn của Jesse Livermore rất nhiều chi phí và buộc ông phải quay trở lại với thị trường.
Phá vỡ nguyên tắc giao dịch và tuyên bố phá sản lần 2
Trong giao dịch, ông luôn cho rằng một trader nên sử dụng phán đoán của riêng mình và đừng bao giờ giao dịch dựa trên lời khuyên của người khác, nhưng vào năm 1908, ông đã phá vỡ quy tắc của chính mình và đã phải trả giá rất đắt cho nó.
Anh ấy đã lắng nghe Teddy Price, một nhà kinh doanh bông nổi tiếng, người đã thuyết phục Jesse Livermore rằng anh ta có một số thông tin nội bộ và giá bông sắp tăng mạnh. Mặc dù lúc đầu có chút do dự, nhưng vì danh tiếng của Teddy Price mà sau đó ông đã cảm thấy hứng thú với thương vụ này.
Teddy Price thực sự đang thao túng Jesse Livermore. Trong khi ông đang bơm tiền để mua bông, thì hắn ta lại đang bán đi số cổ phần bông của mình. Cuối cùng, mọi thứ đã xảy ra, giá bông giảm và Jesse Livermore phải chịu khoản lỗ lớn, ông đã mất 90% vốn. Và biến cố này đã khiến ông bị chấn động tâm lý đến tận cùng. Anh ta đã mất gần hết số tiền của mình và những năm sau đó, khoản lỗ của Jesse Livermore ngày càng lớn hơn cho đến khi ông mắc nợ 1 triệu đô la và phải tuyên bố phá sản lần thứ hai vào năm 1915.
Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, ông đã kiếm được 5 triệu đô la nhờ số cổ phiếu mà ông đã mua vào năm 1907. Số tiền này giúp ông trả hết nợ một cách nhanh chóng. Sự trở lại của Jesse Livermore gây sốc và ngoạn mục đến mức mọi tờ báo vào năm 1917 đều đăng câu chuyện về Jesse Livermore, người đã hồi sinh từ đống tro tàn, giống như một con Phượng hoàng.
Trong những năm sau đó, Jesse Livermore có quan hệ tình cảm với một số vũ công và cuối cùng ông đã kết hôn với Dorothy, một vũ công của nhà hát Ziegfeld Follies. Lúc đó, ông 40 tuổi còn Dorothy chỉ mới 22.
Dorothy và ông có con trai đầu lòng, Jesse Livermore Jr, vào năm 1919. Đến năm 1922, con trai thứ hai của ông, Paul, cũng chào đời.
Đây có lẽ là khoảng thời gian ngập tràn hạnh phúc nhất của gia đình Jesse Livermore khi ông có tiền, có địa vị và không muốn gì cả.
Tên tuổi của Jesse Livermore cũng bắt đầu nổi lên trên các phương tiện truyền thông và mọi người mua và bán dựa trên những khuyến nghị của ông trên các tờ báo.
Ông đã thành lập quỹ đầu cơ của riêng mình và kiếm được 15 triệu đô la. Hai năm sau, ông chuyển đến một văn phòng lớn hơn với 60 nhân viên. Sau đó, ông tiếp tục kiếm được 10 triệu đô la nhờ giao dịch lúa mì và ngô vào năm 1925 tại Hội đồng Thương mại Chicago.
Một sự kiện khá thú vị xảy ra ở gia đình Jesse Livermore vào năm 1927, đó là hai tên trộm đã đột nhập vào nhà và chĩa súng vào ông và vợ.
Khi đó, vợ ông, Dorothy bình tĩnh một cách đáng ngạc nhiên, cô thuyết phục bọn trộm bỏ lại một số đồ trang sức quý giá nhất của chúng. Và khi bọn chúng rời đi, cô còn bảo chúng đi cẩn thận để không làm đánh thức bọn trẻ.
Những tưởng gia đình họ sẽ giữ được hạnh phúc nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi. Thói quen uống rượu của Dorothy đã vượt khỏi tầm kiểm soát.
Thương vụ đầu cơ huyền thoại với lợi nhuận 100 triệu đô la trong cuộc đại khủng hoảng 1929.
2 năm sau đó, thương vụ giao dịch lớn nhất của Jesse Livermore đã trở thành huyền thoại ở Phố Wall.
Năm 1929, Jesse Livermore bắt đầu nhận thấy một số mô hình kỳ lạ xảy ra trên thị trường, rất giống với những gì ông đã quan sát thấy từ vụ sụp đổ năm 1907. Có điều gì đó đáng ngờ về các mô hình và chúng cho thấy rằng dòng tiền thông minh đang rời khỏi thị trường.
Sau đó, ông quyết định dành toàn bộ thời gian của mình trong văn phòng để nghiên cứu các mô hình này và bắt đầu tự mình thực hiện các giao dịch cho đến ngày 29 tháng 10. Vào ngày này, thế giới đã chứng kiến một trong những vụ sụp đổ lớn nhất của thị trường chứng khoán, ngày Thứ Ba đen tối, một cuộc đại khủng hoảng đã xảy ra.
Khi tin tức bắt đầu lan truyền về những nhà giao dịch đã mất tất cả mọi thứ trên thị trường, thì Dorothy, và mẹ của cô ấy ở nhà bắt đầu hoảng loạn vì họ biết Jesse Livermore là người như thế nào và mức độ nhạy cảm của ông đối với những lập trường cực đoan của mình. Khi Jesse Livermore trở về nhà, ông đã mỉm cười vì điều mà mọi người không ngờ được là ông đã thực hiện một vị thế bán khống khổng lồ ngay trước vụ sụp đổ xảy ra. Vị thế đó đã giúp kiếm được 100 triệu đô la, tương đương khoảng 1,4 tỷ đô la ở thời điểm hiện tại.
Biến cố gia đình và tuyên bố phá sản lần 3
Tuy nhiên, mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn với cuộc sống của Jesse Livermore. Trong suốt mối quan hệ của họ, ông đã có tình nhân ở khắp mọi nơi, bao gồm cả những vũ công khác của nhà hát Ziegfeld Follies, điều này khiến Dorothy bị sỉ nhục.
Mặt khác, thói quen uống rượu của Dorothy đã biến cô trở thành một kẻ say xỉn không đàng hoàng. Những điều đó đã khiến cho mối quan hệ vợ chồng của ông trở nên căng thẳng.
Dorothy yêu cầu ly hôn và nhận được khoản thanh toán khiêm tốn là 10 triệu đô la. Cô nhận quyền chăm sóc các con và ngôi nhà mà họ đang sống. Tuy nhiên, vô cùng nhanh chóng, cô kết hôn với một người đàn ông trẻ hơn.
Lúc này, ở tuổi 56, Jesse Livermore không còn trẻ và cũng không thực sự giàu có, ông quyết định dành số tiền cuối cùng của mình cho kỳ nghỉ ở Vienna – nơi ông gặp người vợ thứ ba, Harriet Metz, một ca sĩ người Mỹ. Harriet Metz đã bốn lần góa bụa vì chồng tự tử, cuộc sống của cô nhờ vào các khoản tiền từ những cái chết đó.
Lúc này, người vợ thứ hai của ông, Dorothy, vẫn quen với lối sống xa hoa mà chồng cũ đã dành cho cô, nhưng lại không có tiền nên đã bán nhà, thậm chí cũng đã ly hôn với chồng mới. Việc bán ngôi nhà từng là một phần của gia đình Jesse Livermore trong một thập kỷ khiến ông bị tổn thương. Ngay cả đồ trang sức và chiếc nhẫn cưới có khắc chữ mà ông đã tặng Dorothy cũng bị đem bán với giá chỉ vài đô la. Điều này khiến ông cảm thấy bị sỉ nhục.
Jesse Livermore chìm sâu hơn vào trầm cảm.
Và chỉ một năm sau, Jesse Livermore buộc phải tuyên bố phá sản lần thứ ba, nhưng cũng như lần trước, ông tin rằng mình có thể quay trở lại thị trường.
Mặc dù vẫn tự tin về sức ảnh hưởng của bản thân trên thị trường nhưng giờ đây ông đã không còn độ tuổi sung sức, gia đình tan vỡ khiến ông gặp nhiều vấn đề tâm lý.
Mặt khác, sự ra đời của SEC (The Securities and Exchange Commission – Ủy Ban Chứng khoán và Giao Dịch) cũng là cản trở lớn khiến Jesse Livermore khó quay lại thị trường. Cũng chính SEC sau này bắt đầu điều tra, tìm cách ngăn chặn ông thực hiện các giao dịch như đã từng làm trong quá khứ.
Bi kịch gia đình và cái chết ám ảnh của Jesse Livermore
Jesse Livermore Jr, con trai lớn của ông và Dorothy là một đứa trẻ có vấn đề, nghiện rượu giống mẹ và có lối sống trụy lạc giống cha, cậu ta thường ngủ với bạn bè của mẹ mình.
Vào Lễ tạ ơn năm 1935, Dorothy và chồng mới ăn trưa cùng hai con trai. Sau bữa ăn, Dorothy ngồi xuống và bắt đầu uống thoải mái.
Jesse Livermore Jr., buồn bã vì thói quen uống rượu ngày càng sa sút của bà, đã nốc cạn chai rượu. Mẹ anh ta nói: “Mẹ thà thấy con chết còn hơn thấy con uống rượu như vậy”, anh ta trả lời: “Mẹ không có gan bắn tôi” và đưa cho bà một khẩu súng.
Vì bà ấy đã say, và sau một cuộc tranh cãi kéo dài, khẩu súng đã nổ. Tuy nhiên, cậu ta may mắn thoát nạn, bà Dorothy mặc dù bị điều tra nhưng cũng không phải chịu án phạt gì nặng.
Tuy nhiên, sự kiện đó cũng giáng một đòn tâm lý nặng nề đến Jesse Livermore. Ông thường xuyên trong tình trạng stress, khó đưa ra quyết định giao dịch
Mặt khác, khối tài sản 7 triệu đô la của người vợ thứ ba, bà Harriet Metz cũng khiến ông sống cuộc sống thoải mái và giết chết sự khao khát chiến thắng của ông trên thị trường. Tuy nhiên, sau đó, ông cảm thấy như đã đánh mất chính mình.
Và cuối cùng, vào ngày 28/11/1940, nỗi dằn vặt đã khiến Jesse Livermore đã tự bắn mình trong phòng thay đồ của khách sạn Sherry Netherland ở New York. Ông để lại cho vợ 5 triệu USD và bức thư: “Anh không thể chịu đựng được nữa. Anh kiệt sức hoàn toàn rồi. Anh là kẻ thất bại và đây là lối thoát duy nhất”.
Ông không hề để lại bất kỳ tài sản nào cho con trai của mình. Jesse Livermore Jr. sau đó vẫn còn thói quen nghiện rượu. Anh ta đã tự sát vào năm 1975, cũng ngay tại khách sạn Sherry Netherland, nơi cha anh đã tự sát, sau khi bắn chết con chó yêu quý của mình trong lúc say rượu và bắn một sĩ quan cảnh sát.
Ba lời nguyền trong cuộc đời của Jesse Livermore
Nhiều người cho rằng kết cục bi thảm của Jesse Livermore chính là kết quả của việc ông đã bất chấp ba lời nguyền do chính ông đặt ra hoặc biết từ trước.
Lời nguyền thứ nhất là hành động theo nguyên tắc. Ông có một hệ thống giao dịch thành công nhưng thực tế đã rất nhiều lần hành động ngược lại với hệ thống đó mà chính ông cũng không thể lý giải được. Đó là nguyên nhân gây ra thất bại trong phần lớn các phi vụ đầu cơ của ông.
Lời nguyền thứ hai là không bao giờ hợp tác hoặc nghe theo lời khuyên của bất kỳ ai khác. Vậy mà ông đã bị thao túng bởi Teddy Price, để rồi bị phá sản và nợ 1 triệu USD vào năm 1915.
Lời nguyền thứ ba liên quan đến người vợ thứ ba của Jesse Livermore. Thật ra chuyện kết hôn với một góa phụ không phải là chuyện đáng nói nếu không có một lời nguyền chẳng biết xuất xứ từ đâu là, tất cả những người chồng của bà Harriet Metz đều sẽ chết thảm. Cả bốn người chồng đầu tiên của bà đều tự tử chết. Và khi Jesse Livermore kết hôn với người phụ nữ này thì dư luận cũng cho rằng ông sẽ là người thứ 5. Và thực tế cũng đúng như vậy.
Cuộc đời của Jesse Livermore là một bi kịch lớn, cái chết của ông đã trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều trader Phố Wall thời bấy giờ. Nhưng nó cùng với những câu chuyện về quá trình đầu tư, giao dịch của ông lại chính là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho giới trader, nhà đầu tư thời hiện đại.