Tính thanh khoản là một khái niệm khá quan trọng trong tài chính. Về cơ bản, tính thanh khoản chính là khả năng chuyển đổi sang tiền mặt của các loại tài sản, chính vì thế, nhà đầu tư luôn quan tâm đến vấn đề này đầu tiên khi quyết định lựa chọn tham gia vào một thị trường cụ thể, để chắc chắn rằng họ có thể gia nhập và thoát khỏi thị trường một cách dễ dàng hơn. Với mỗi loại thị trường tài chính khác nhau thì tính thanh khoản cũng có những đặc trưng khác nhau.

Trên thị trường forex, tính thanh khoản lại cực kỳ quan trọng, quyết định trực tiếp đến rủi ro và lợi nhuận cho nhà đầu tư. Cũng chính vì thế mà tính thanh khoản là một tiêu chí không thể thiếu trong việc lựa chọn sàn forex uy tín.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu Tính thanh khoản là gì? Đặc điểm của tính thanh khoản trên thị trường forex và ý nghĩa của nó đối với nhà đầu tư.

Tính thanh khoản là gì?

Tính thanh khoản (Liquidity) hay tính lỏng là một khái niệm trong tài chính để chỉ khả năng mua, bán của một sản phẩm/tài sản bất kỳ trên thị trường mà giá của nó không bị ảnh hưởng.

Tính thanh khoản còn được định nghĩa là khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của một sản phẩm/tài sản bất kỳ trên thị trường.

Tính thanh khoản của các loại tài sản tài chính

Với cách định nghĩa thứ hai thì tiền mặt chính là tài sản có tính thanh khoản cao nhất. Bản thân nó đã là tiền mặt thì khả năng chuyển đổi thành tiền mà lại không làm mất đi giá trị là 100%. Tiếp đến sẽ là các tài sản tài chính khác như cổ phiếu, trái phiếu; các loại tài sản có tính thanh khoản thấp như bất động sản hay một số loại hàng hóa đặc biệt ít được lưu thông trên thị trường.

Cùng thuộc một loại tài sản tài chính nhưng tính thanh khoản của mỗi sản phẩm cụ thể cũng sẽ khác nhau.

Ví dụ: cùng là cổ phiếu, nhưng với VNM (Công ty cổ phần sữa Việt Nam), nhà đầu tư sẽ dễ dàng mua bán với các mức giá mong muốn trên thị trường do đây là một cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng ổn định, được nhiều nhà đầu tư quan tâm giao dịch trên thị trường, tính thanh khoản rất lớn. Ngược lại, với cổ phiếu TBC (Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà), đây cũng là một công ty lớn, tiềm năng phát triển mạnh, tuy nhiên, số lượng cổ phiếu lưu thông tự do trên thị trường khá thấp, nhà đầu tư ít mặn mà với cổ phiếu này dẫn đến tính thanh khoản kém. Nếu chẳng may nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của công ty này và muốn bán ra thì rất khó để tìm được người mua, hoặc nếu có người chấp nhận mua thì mức giá bán ra sẽ rất thấp.

Thị trường thanh khoản

Có 2 cách tiếp cận với khái niệm thanh khoản, đó là tài sản thanh khoản và thị trường thanh khoản. Tài sản thanh khoản chính là cách tiếp cận đầu tiên theo định nghĩa mà chúng ta đã phân tích ở trên. Thị trường thanh khoản là một thị trường mà luôn có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng giao dịch hay mua, bán các loại tài sản trong thị trường đó.

Một số thị trường có tính thanh khoản cao như thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối, thị trường tiền điện tử…

Ở các phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tính thanh khoản trên thị trường forex.

Tính thanh khoản trên thị trường forex

Tính thanh khoản trên thị trường forex được định nghĩa là khả năng các cặp tiền tệ được mua, bán mà không làm thay đổi đáng kể đến tỷ giá hối đoái.

So với các thị trường tài chính khác thì forex là thị trường có tính thanh khoản cao nhất, với khối lượng giao dịch hằng ngày lên đến hơn 5 nghìn tỷ USD, thời gian giao dịch 24/5 và số lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường là cao nhất.

Đặc thù của thị trường này (và cũng giống như một số thị trường khác) là nhà đầu tư tham gia vào thị trường thông qua các broker (nhà môi giới hay sàn forex), chính vì thế, tuy là một thị trường với tính thanh khoản cao nhưng không phải nhà môi giới nào cũng có thể cung cấp thanh khoản cao cho các giao dịch của nhà đầu tư.

Tính thanh khoản của các sàn forex

Một sàn forex có tính thanh khoản cao được thể hiển ở 2 khía cạnh: đầu tiên là khối lượng giao dịch lớn và sau đó là chênh lệch (spread) giữa giá bán và giá mua thấp.

Tính thanh khoản của một sàn forex phụ thuộc lớn nhất vào nhà cung cấp thanh khoản của sàn forex đó. Nhà cung cấp thanh khoản chính là các tổ chức giao dịch với khối lượng lớn trên thị trường, các tổ chức đó có thể là các ngân hàng, quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng, quỹ phòng hộ, các nhà môi giới forex… và những nhà giao dịch nhỏ lẻ cũng góp một phần nhỏ vào tính thanh khoản của sàn.

Vai trò của nhà cung cấp thanh khoản chính là đảm bảo sự ổn định trong giá cả thông qua việc nắm giữ các vị thế với khối lượng lớn, đồng thời sẵn sàng là nhà giao dịch đối ứng với các lệnh của nhà đầu tư trên thị trường.

Nhà cung cấp thanh khoản hàng đầu trên thị trường ngoại hối được gọi là nhà cung cấp thanh khoản cấp 1 (Tier 1). Một số Tier 1 trên thị trường như: Deutsche Bank, HSBC, citibank, Bank of America, JPMorgan Chase, UBS…

Một sàn forex được đánh giá là có tính thanh khoản cao khi nó liên kết với nhiều nhà cung cấp thanh khoản lớn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư được giao dịch nhanh chóng với mức giá tốt nhất trên thị trường.

Tính thanh khoản của các cặp tiền

Không phải tất cả các cặp tiền đều có tính thanh khoản cao, các cặp tiền chính có thanh khoản cao nhất, tiếp đến là các cặp tiền chéo và sau cùng là các cặp tiền ngoại lai.

Sở dĩ các các cặp tiền chính có tính thanh khoản cao nhất vì chúng phổ biến nên được giao dịch nhiều nhất, chính vì thế mà mức chênh lệch giá (spread) của các cặp này là thấp nhất, ví dụ EUR/USD, USD/CAD, GBP/USD, USD/JPY…. Các cặp này có thể được mua, bán với khối lượng lớn mà không có sự chênh lệch đáng kể trong tỷ giá.

Ngược lại, các cặp ngoại lai có thanh khoản thấp nhất do ít người quan tâm, khối lượng giao dịch rất thấp dẫn đến spread là cao nhất. Một số cặp ngoại lai có tính thanh khoản thấp như PLN/JPY, NOK/SEK…

Tính thanh khoản trên thị trường ngoại hối phụ thuộc vào các phiên giao dịch trong ngày

Thị trường forex hoạt động 24/24 nhưng không phải lúc nào cũng sôi nổi mà sẽ có những khoảng thời gian thị trường sẽ tạm nghỉ ngơi, lúc đó tính thanh khoản sẽ thấp hơn bình thường. Để tìm hiểu kỹ hơn về tính thanh khoản tại các khung thời gian giao dịch trên thị trường forex, các bạn có thể tham khảo bài viết Các phiên giao dịch trên thị trường forex.

Tầm quan trọng của tính thanh khoản trên thị trường forex

Một thị trường có tính thanh khoản cao tất nhiên sẽ tốt hơn rất nhiều so với một thị trường thanh khoản thấp, đặc biệt nhà đầu tư sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn:

Tiết kiệm chi phí giao dịch

Thị trường thanh khoản cao đồng nghĩa với việc có rất nhiều người mua và bán, người bán sẽ phải đưa ra các mức giá cạnh tranh nhất, đồng thời người mua sẽ được mua với các mức giá theo kỳ vọng của họ. Điều này giúp nhà đầu tư tiết kiệm được chi phí giao dịch (spread thấp), bên cạnh đó còn thể hiện được tính công bằng và minh bạch cho thị trường.

Loại bỏ khả năng thao túng giá

Nhờ tính thanh khoản cao do khối lượng giao dịch khổng lồ nên rất khó để một tổ chức hay cá nhân nào đó đặt lệnh với khối lượng lớn để thao túng giá vì so với tổng khối lượng của toàn thị trường thì cũng chẳng là gì cả.

Quá trình thực thi lệnh nhanh

So với một thị trường thanh khoản thấp thì tại một thị trường thanh khoản cao, lệnh của nhà đầu tư được thực hiện nhanh chóng hơn do số lượng người mua, bán nhiều hơn, sôi nổi hơn.

Rủi ro thanh khoản trong thị trường forex

Giả sử thị trường forex có tính thanh khoản thấp, lúc này, việc mua, bán các cặp tiền sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu thị trường forex đột ngột mất đi tính thanh khoản, mọi việc sẽ trở nên vô cùng tồi tệ.

Để hình dung tác hại của rủi ro thanh khoản trên thị trường forex đến nhà đầu tư, chúng ta nhắc lại một chút về cuộc khủng hoảng đồng Franc Thụy Sĩ (CHF) vào năm 2015. Vào ngày 15/01/2015, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ tuyên bố sẽ không giữ tỷ giá cố định giữa đồng Franc so với đồng Euro nữa. Tuyên bố này đã làm cho thị trường liên ngân hàng không thể định giá được đồng Franc, và dẫn đến hậu quả là các sàn môi giới forex không thể cung cấp thanh khoản cho đồng CHF. Khi thị trường liên ngân hàng bắt đầu định giá trở lại thì tỷ giá của EUR/CHF đã đi quá xa so với lúc chưa mất tính thanh khoản. Rủi ro thanh khoản này gây ra thiệt hại lớn nhất đối với những trader đang giao dịch trên cặp CHF, đặc biệt là đối với các trader đang nắm giữ vị thế Long (Mua) vì tỷ giá EUR/CHF chỉ trong một ngày đã giảm từ 1.20090 xuống còn 0.97401, có thời điểm trong ngày tỷ giá này đã giảm xuống 0.84999. Với sự tụt dốc nhanh như thế thì hoặc là tài khoản bị cháy, nếu không thì khả năng phục hồi là không thể vì từ sau khủng hoảng, tỷ giá EUR/CHF chưa bao giờ vượt lên lại ngưỡng 1.20000.

Qua ví dụ trên thì chúng ta cũng thấy được rủi ro thanh khoản trên thị trường forex là rất nguy hiểm, chính vì thế, để quản lý rủi ro thanh khoản, nhà đầu tư cần hạ thấp tỷ lệ đòn bẩy và đặt các lệnh dừng lỗ để bảo toàn cho tài khoản của mình.

Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã hiểu được thế nào là tính thanh khoản và đặc điểm của tính thanh khoản trên thị trường forex, cũng như tầm quan trọng và rủi ro của nó đối với nhà đầu tư trên thị trường này, từ đó lựa chọn giao dịch trên các tài sản có tính thanh khoản cao để giảm thiểu rủi ro và tiết kiệm chi phí. Không những chỉ riêng thị trường forex, mà tính thanh khoản còn rất quan trọng đối với các thị trường tài chính khác, vì thế, khi quyết định tham gia đầu tư trên một thị trường bất kỳ thì tính thanh khoản là yếu tố đầu tiên cần được xem xét.

Bạn vừa đọc bài viết: Tính thanh khoản (Liquidity) là gì?

Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Các bài viết liên quan

Bình luận
Subscribe
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments