Nếu đã được tìm hiểu về các mô hình giá cơ bản trong price action và sử dụng thành thạo chúng trên thị trường thì đã đến lúc các bạn nên tiếp cận với những price pattern nâng cao hơn, và các Harmonic pattern là một trong số đó.
Tiếp tục chuỗi bài viết về các Harmonic pattern thì lần này cũng sẽ là một mô hình giá biến thể động vật nữa, Bat pattern – Con dơi. Đây cũng là một mô hình giá rất phổ biến trong nhóm Harmonic, được rất nhiều trader phân tích hành động giá ưa chuộng, sử dụng giao dịch trên nhiều loại thị trường tài chính khác nhau như forex, chứng khoán và tiền điện tử.
Để tiếp cận mô hình này một cách dễ dàng hơn, các bạn nên bắt đầu với khái niệm Harmonic pattern, tham khảo bài viết:
Harmonic pattern là gì? Các mô hình giá Harmonic quan trọng trong forex
Mô hình Con dơi – Bat pattern là gì?
Mô hình Con dơi là một trong số những biến thể động vật thuộc nhóm các mô hình giá Harmonic, được Scott Carney phát triển vào năm 2001. Ông cũng đã giới thiệu mô hình này trong cuốn sách vô cùng nổi tiếng, có tên “Harmonic Trading”.
Ý tưởng để các nhà phân tích tạo ra những mô hình biến thể động vật này cũng đều xuất phát từ mô hình giá Harmonic nguyên thủy hay mô hình Gartley, và Bat pattern chắc chắn cũng không ngoại lệ. Trong số các mô hình biến thể động vật đó như Con bướm, Con cua, Cá mập… thì Bat pattern có hình dáng gần giống với mô hình giá Gartley nhất, điểm D không vượt quá điểm X.
Chiến lược giao dịch với mô hình giá Con dơi được sử dụng phù hợp với mọi khung thời gian và trên mọi loại tài sản tài chính khác nhau. Tuy nhiên, trên những time frame thấp hơn thì mô hình này lại ít xuất hiện hơn.
Đặc điểm nhận diện mô hình và các quy tắc về tỷ lệ Fibonacci của Bat pattern
Bat pattern cũng là một mô hình Harmonic 5 điểm: X, A, B, C, D, tạo thành 4 đợt sóng hay còn gọi là 4 chân (four leg): XA, AB, BC và CD. Trong đó, 2 sóng XA và BC chuyển động cùng chiều, AB và CD chuyển động theo chiều ngược lại. Sau khi mô hình này kết thúc, thị trường sẽ có xu hướng đi theo chiều chuyển động của 2 sóng XA và BC.
Mô hình Con dơi cũng có 2 loại: Con dơi tăng giá (Bullish Bat) và Con dơi giảm giá (Bearish Bat). Kết thúc mô hình Bullish Bat, giá đi lên, trader vào lệnh Buy, ngược lại, khi mô hình Bearish Bat hoàn thành, thị trường đi xuống, trader vào lệnh Sell.
Mô hình Con dơi tăng giá – Bullish Bat
- Bắt đầu bằng đoạn tăng giá XA
- Sau đó, thị trường điều chỉnh giảm về B, tạo sóng AB
- Tiếp theo, giá tăng lên lại tại C, tạo sóng BC, điểm C không vượt quá điểm A hay điểm C thấp hơn điểm A.
- Cuối cùng, giá giảm xuống D, tạo sóng CD với điểm D không vượt qua điểm X hay D cao hơn X.
- Sau khi điểm D kết thúc và mô hình thỏa mãn tất cả các quy tắc về tỷ lệ Fibonacci thì Bullish Bat pattern hoàn thành, thị trường có xu hướng đi lên từ điểm D, trader vào lệnh Buy.
Mô hình Con dơi giảm giá – Bearish Bat
- Bắt đầu bằng đoạn giảm giá XA
- Sau đó, thị trường điều chỉnh tăng đến B, tạo sóng AB
- Tiếp theo, giá giảm xuống lại tại C, tạo sóng BC với C không vượt qua điểm A hay C cao hơn A.
- Cuối cùng, giá tăng lên lại tại D, tạo sóng CD với D không vượt quá X hay D thấp hơn X.
- Sau khi điểm D kết thúc và mô hình thỏa mãn tất cả các quy tắc về tỷ lệ Fibonacci thì Bearish Bat pattern hoàn thành, thị trường có xu hướng đi xuống từ điểm D, trader vào lệnh Sell.
Các quy tắc về tỷ lệ Fibonacci của Bat pattern
Những quy tắc này áp dụng chung cho cả mô hình Bullish Bat và Bearish Bat
- Không có quy tắc cụ thể nào cho mức độ tăng giá hay giảm giá của đoạn XA
- AB điều chỉnh về mức thoái lui từ 0.382 đến 0.5 của đoạn xu hướng XA
- BC điều chỉnh về mức thoái lui từ 0.382 đến 0.886 của đoạn xu hướng AB
- CD mở rộng về mức từ 1.618 đến 2.618 của đoạn xu hướng AB và thoái lui về mức 0.886 của đoạn xu hướng XA.
Nếu những mô hình biến thể động vật khác như Con bướm, Con cua hay cả mô hình nguyên thủy Gartley thì AB có thể được điều chỉnh thoái lui đến mức 0.618 hoặc hơn thì đối với Bat pattern, nó chỉ được thoái lui về tối đa 0.5 so với XA. Nên so với những mô hình đó thì Bat pattern có đoạn AB nông hơn nhiều.
Tỷ lệ quan trọng thứ hai nằm ở điểm D, để mô hình Con dơi được hợp lệ thì D phải thoái lui chính xác về tỷ lệ 0.886 của đoạn XA hoặc ít nhất phải xấp xỉ nhưng không đáng kể và mở rộng trong khoảng từ 1.618 đến 2.618 so với AB.
Các bước giao dịch với mô hình Con dơi – Bat pattern
- Bước 1: Nhận diện mô hình Bat pattern tiềm năng
Tương tự như các Harmonic pattern khác, mô hình Con dơi cũng có hình dáng giống chữ M hoặc chữ W, các bạn có thể nhận diện chúng một cách căn bản nhất bằng mắt thường. Khi chuyển động của giá trên đồ thị tạo ra 5 điểm X, A, B, C, D mà khi nối chúng lại với nhau tạo thành chữ M hoặc chữ W, các bạn tiếp tục xét 2 điểm quan trọng: điểm C phải thấp hơn điểm A và điểm D phải cao hơn điểm X (trong mô hình Bullish Bat) hoặc điểm C phải cao hơn điểm A và điểm D phải thấp hơn điểm X (trong mô hình Bearish Bat) thì đây có thể là mô hình Con dơi hoặc Gartley. Nếu điểm B điều chỉnh nông, ở nửa trên so với XA thì xác suất mô hình Con dơi sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, đó chỉ là bước nhận diện ban đầu, để chắc chắn hơn, các bạn cần tiến hành đo lường các tỷ lệ Fibonacci.
Lưu ý: Các bạn nên thu nhỏ, phóng to biểu đồ tùy theo chuyển động của giá và khả năng quan sát của mình để nhận diện mô hình tốt hơn.
- Bước 2: Đo lường các tỷ lệ Fibonacci của mô hình
Sử dụng Fibonacci Retracement (FR) và Fibonacci Extension (FE) để đo lường các tỷ lệ này.
Tham khảo:
Cách sử dụng Fibonacci Retracement tìm điểm vào lệnh tối ưu nhất
Để mô hình Con dơi được hợp lệ thì điểm quan trọng đầu tiên chính là điểm B. Các bạn sử dụng FR để đo mức thoái lui của AB so với XA. Nếu tỷ lệ này rơi vào khoảng 0.382 đến 0.5 là hợp lệ. Tuy nhiên, theo Scott Carney, tỷ lệ 0.5 được xem là mức thoái lui lý tưởng nhất cho mô hình này.
Kế đến, dùng FR đo mức thoái lui của BC so với AB. Tỷ lệ dao động trong khoảng 0.382 đến 0.886 là hợp lệ. Trong hầu hết các mô hình Harmonic thì tỷ lệ thoái lui của BC so với AB cũng đều nằm trong khoảng này.
Tiếp theo, dùng FE đo mức mở rộng của CD so với AB. Tỷ lệ thỏa mãn điều kiện mô hình Con dơi là từ 1.618 đến 2.618, tuy nhiên, tỷ lệ lý tưởng nhất là từ 1.618 đến 2.0. Như thường lệ, nếu BC thoái lui 0.382 so với AB thì CD mở rộng khoảng 1.618 so với AB, nếu BC thoái lui đến 0.886 thì CD phải mở rộng đến khoảng từ 2.0 đến 2.618, vì với sự tương ứng tỷ lệ như vậy thì hình dạng Con dơi sẽ chuẩn xác hơn, đồng thời tỷ lệ thoái lui của CD so với XA sẽ hợp lệ theo.
Cuối cùng, tỷ lệ quan trọng nhất để “chốt hạ” mô hình Con dơi chính là mức thoái lui của CD so với XA. Đối với mô hình này, chúng ta cần một tỷ lệ chính xác nhất có thể, 0.886. Con số này sẽ mang lại cho giao dịch tỷ lệ Risk:Reward tốt hơn so với các con số thấp hơn 0.886, nếu vượt qua 0.886, mô hình Con dơi không còn hợp lệ.
Chính vì vậy, khi giao dịch với mô hình giá Con dơi, chiến lược vào lệnh tốt nhất là khi D thoái lui đến mức 0.886 này, nếu chưa đạt đến tỷ lệ đó thì chưa nên vào lệnh, ngược lại, khi tất cả các tỷ lệ khác đều đã thỏa mãn điều kiện của Bat pattern và điểm D cũng đã đạt đến mức thoái lui 0.886 thì xác suất rất cao là mô hình Con dơi sẽ xảy ra, nếu các bạn không vào lệnh ngay thì sẽ bỏ lỡ cơ hội mang về lợi nhuận tiềm năng.
- Bước 3: Tiến hành giao dịch khi mô hình đã hợp lệ
Sau khi điểm D đạt mức thoái lui 0.886 so với XA thì các bạn nên vào lệnh ngay, đồng thời, thiết lập các điểm stop loss, take profit sao cho hiệu quả nhất.
Vào lệnh – Entry
Tại điểm D:
- Nếu là Bullish Bat thì vào lệnh Buy
- Nếu là Bearish Bat thì vào lệnh Sell
Cũng có một số trader chưa vào lệnh ngay mà chờ đợi thêm sự xác nhận của 1 đến 2 cây nến đi sau điểm D. Tuy nhiên, chiến lược này có thể khiến bạn mất đi cơ hội giao dịch tốt với mô hình này vì nếu thị trường biến động mạnh hoặc lực mua/bán sau khi mô hình hoàn thành quá lớn thì thay vì 1, 2 cây nến xác nhận với thân nến ngắn, giá sẽ vút lên cao hoặc giảm sâu một cách nhanh chóng, lúc này, tỷ lệ Risk:Reward không còn tốt nữa.
Ngoài ra, các bạn cũng có thể quan sát các cây nến tại điểm D để xem nó có tạo thành mô hình nến đảo chiều nào không, nếu có, tín hiệu giao dịch được xác nhận tin cậy hơn, vào lệnh ngay tại điểm D này.
Cắt lỗ – Stop loss
Đến các trader chuyên nghiệp còn luôn tuân thủ nguyên tắc này thì không có lý do gì để những trader mới như chúng ta không đặt stop loss. Trong tất cả các chiến lược quản trị rủi ro thì stop loss luôn là công cụ hiệu quả hàng đầu.
Chiến lược đặt cắt lỗ hợp lý nhất cho mô hình Con dơi chính là ngay phía dưới mức giá của điểm X (Bullish Bat) hoặc ngay phía trên điểm X (Bearish Bat). Đơn giản vì nếu giá vượt qua mức này, mô hình Bat pattern không còn hiệu lực.
Thật ra việc đặt stop loss ngay dưới/trên điểm D thay vì điểm X cũng thỏa mãn tính chất mô hình vì nếu giá vượt qua điểm D thì có nghĩa là CD thoái lui hơn 0.886 so với XA, mô hình cũng không hợp lệ. Tuy nhiên, nói là 0.886 nhưng cũng không bắt buộc phải chính xác hoàn toàn, nó có thể thấp hơn hoặc cao hơn một chút, hơn nữa, khoảng cách từ D đến X không quá lớn, các bạn nên chọn điểm X thay vì D để tránh bị quét stop loss.
Chốt lời – Take profit
Chiến lược giao dịch với mô hình giá Con dơi cũng có rất nhiều cách chốt lời khác nhau.
Các bạn có thể lựa chọn một trong số các mục tiêu chốt lời như sau, tùy thuộc vào mục tiêu lợi nhuận của từng người:
- Mục tiêu lợi nhuận thấp nhất có thể đặt tại mức giá của điểm C.
- Mục tiêu lợi nhuận tiếp theo có thể đặt tại mức giá của điểm A.
- Mục tiêu lợi nhuận cao hơn nữa có thể đặt tại mức giá ứng với điểm E, là mức mở rộng 1.27 so với XA hoặc 1.618 so với XA…
Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro và đảm bảo có lợi nhuận khi giao dịch với mô hình giá Con dơi, chiến lược mà chúng tôi muốn đề xuất với các bạn chính là chốt lời từng phần kết hợp trailing stop. Chiến lược này cũng được sử dụng trong hầu hết các Harmonic pattern biến thể động vật.
Chiến lược này được thực hiện như sau:
Hãy chọn mục tiêu chốt lời ban đầu là mục tiêu lợi nhuận thấp nhất, tức là thiết lập TP1 tại mức giá của điểm C.
Khi giá chạm vào mức giá của C, các bạn tiến hành chốt lời một nửa khối lượng lệnh, đồng thời dời stop loss đến điểm thấp (swing low) gần nhất đối với Bullish Bat hoặc điểm cao (Swing high) gần nhất đối với Bearish Bat và hướng mục tiêu lợi nhuận của nửa lệnh còn lại đến điểm A.
Nếu giá tiếp tục tăng lên và vượt qua điểm A, các bạn lại tiếp tục dời stop loss và hướng mục tiêu lợi nhuận lên cao hơn, tại 1.27 XA hoặc 1.618 XA.
Chiến lược này sẽ giúp các bạn chắc chắn có được một phần lợi nhuận khi take profit sớm tại C, lợi nhuận này dư sức bù đắp thua lỗ của nửa lệnh còn lại nếu sau đó thị trường đi ngược lại và chạm vào stop loss sau khi đã được dời đi. Còn nếu thị trường vẫn tiếp tục đi theo xu hướng như dự đoán, nửa lệnh còn lại đó sẽ giúp bạn mang về nhiều lợi nhuận hơn, đồng thời, việc liên tục trailing stop đến các mức tốt hơn sẽ giúp các bạn giảm thiểu thua lỗ.
Ví dụ về giao dịch với mô hình Bat pattern trong forex
Ví dụ 1: mô hình Bullish Bat pattern xuất hiện trên cặp USD/JPY ở khung thời gian D1
Mặc dù hình dáng ban đầu có vẻ không giống Con dơi cho lắm, nhưng vẫn thỏa mãn 2 điều kiện cần là C thấp hơn A và D cao hơn X. Và quan trọng hơn hết vẫn là các tỷ lệ Fibonacci tại điểm B và điểm D.
Các tỷ lệ Fibonacci đo được như sau:
- AB thoái lui về mức 0.5 so với XA
- BC thoái lui về mức 0.618 so với AB
- CD thoái lui về mức 0.886 so với XA và mở rộng đến mức 1.27 so với AB
Tất cả các tỷ lệ trên đều thỏa mãn điều kiện đối với mô hình Con dơi, ngoại trừ tỷ lệ mở rộng 1.27 của CD so với AB. Tuy nhiên, 2 tỷ lệ quan trọng nhất của mô hình này rất đẹp, chính xác 0.5 tỷ lệ thoái lui của AB so với XA và 0.885 tỷ lệ thoái lui của CD so với XA, nên chúng ta hoàn toàn có thể chấp nhận mô hình Bat pattern này.
Chiến lược giao dịch cụ thể như sau:
- Vào lệnh ngay tại điểm D. Tín hiệu Buy được xác nhận tin cậy hơn vì tại đó, mô hình đảo chiều tăng Đáy nhíp xuất hiện.
- Stop loss dưới điểm X một vài pip
- Sử dụng chiến lược chốt lời từng phần. Khi giá đạt đến mức giá của C thì chốt lời một phần, đồng thời dời stop loss đến điểm thấp (swing low) gần nhất nếu có, hoặc dời đến vị trí nằm gần dưới điểm C. Khi giá tăng lên chạm đến mức giá của A thì chốt lời phần còn lại.
- Trong trường hợp này, giá đã đạt đến mục tiêu lợi nhuận 1.27 XA, nếu các bạn tiếp tục để lệnh thì có thể thu về nhiều lợi nhuận hơn.
Ví dụ 2: Mô hình Bearish Bat pattern xuất hiện trên cặp GBP/USD ở khung thời gian H1
Các tỷ lệ Fibonacci đo được như sau:
- AB thoái lui 0.47 so với XA
- BC thoái lui 0.618 so với AB
- CD thoái lui 0.886 so với XA và mở rộng 1.870 so với AB
Tất cả các tỷ lệ này đều thỏa mãn điều kiện của mô hình giá Con dơi.
Chiến lược giao dịch cụ thể:
- Vào lệnh ngay tại điểm D, ở đây lại xuất hiện một mô hình nến đảo chiều, đó là cây Bearish Reversal Pin bar nên tín hiệu vào lệnh Sell trở nên đáng tin cậy hơn.
- Stop loss trên điểm X một vài pip.
- Vẫn tiếp tục sử dụng chiến lược chốt lời từng phần kết hợp trailing stop. Ở tình huống này, giá giảm rất sâu, đạt đến những mục tiêu lợi nhuận cao như 1.618 XA và cả 2.0 XA.
Lưu ý: Các mô hình nến đảo chiều rất hay xuất hiện tại điểm D, các bạn nên quan sát thật kỹ hành vi của giá tại vị trí này. Mô hình Bat pattern có xác suất thành công rất cao nên khi xuất hiện thêm tín hiệu đảo chiều đáng tin cậy tại vị trí vào lệnh thì các bạn nên tận dụng cơ hội tuyệt vời này để mang về nhiều lợi nhuận hơn.
Kết luận
Dựa trên kinh nghiệm của rất nhiều các trader chuyên nghiệp cũng như của chính tác giả của mô hình Bat pattern thì một khi CD thoái lui chính xác đến tỷ lệ 0.886 của XA thì mô hình Con dơi sẽ chắc chắn xảy ra, nghĩa là giá sẽ suôn sẻ đi theo hướng mà chúng ta mong muốn. Chính vì vậy, chiến lược giao dịch với mô hình Con dơi có tỷ lệ thành công rất lớn, nhưng để tận dụng được điều này thì điều quan trọng hơn hết là nhận diện chính xác mô hình, đây là cơ sở cho sự thành công khi giao dịch với bất kỳ một price pattern nào.
Hãy luyện tập quan sát đồ thị giá thật nhiều, luyện tập sử dụng Fibonacci Retracement và Fibonacci Extension thật nhuần nhuyễn, điều này sẽ giúp các bạn giao dịch tốt hơn, hiệu quả hơn.
Thường xuyên cập nhật để theo dõi các bài viết tiếp theo về những Harmonic pattern khác và đừng quên tham gia Lớp học forex miễn phí của chúng tôi trên kienthucforex.com nhé.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.