Nếu bạn tham gia chơi bitcoin, forex hay một vài hình thức MMO chắc hẳn bạn sẽ không xa lạ gì với cụm từ “mô hình Ponzi”. Hoặc chỉ cần nhắc tới 3 chữ này bạn sẽ lắc đầu ngao ngán “lại lừa đảo mà thôi” nhưng với nhiều kẻ hám lợi thì đây lại trở thành mỏ vàng để cho chúng đào. Và cho dù báo đài ra rả cảnh báo rất nhiều về hình thức cổ lỗ sĩ mang tên Ponzi, nhưng vẫn có rất nhiều người bị mắc bẫy tiêu biểu nhất chính là vụ lừa đảo của công  ty địa ốc Alibaba mới xảy ra trong thời gian vừa qua.

Mô hình Ponzi là gì?

Mô hình Ponzi đặt theo tên của Charles Ponzi, một nhân vật được xem là “ông tổ ngành lừa đảo” đã sáng chế ra mô hình này vào năm 1919. Khởi đầu chỉ là 1 kẻ vô danh người Ý, lên đường sang Mỹ tìm kiếm giấc mộng phù hoa với số vốn vỏn vẹn… 2,5 USD và đã trở thành triệu phú chỉ nhờ vào lừa đảo!

Trong những năm 1920, Ponzi, một kẻ vô danh đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm người với số tiền lên tới 15 triệu USD (một số tiền vô cùng lớn thời điểm đó, nếu tính theo giá trị của vàng sẽ tương đương khoảng 1 tỷ 1 USD ở thời điểm hiện tại!!!) theo phương pháp lấy tiền của người sau để trả cho người trước. Với cam kết họ sẽ được hưởng lãi suất hấp dẫn, gấp hàng trăm lần lãi suất ngân hàng nếu họ đầu tư vào các gói mà phía nhà đầu từ cung cấp, mà không cần phải làm gì. Nhưng thực tế cuối cùng là những người đến sau chẳng bao giờ nhận được xu nào, vì không sớm thì muộn mô hình kinh doanh này sẽ đổ vỡ.

Chính vì có 1 kế hoạch “siêu lừa” nổi tiếng như vậy mà giới tài chính đã hình thành nên thuật ngữ “Ponzi scheme” và “Ponzi Finance” dùng để ám chỉ về một hệ thống các kế hoạch “kiếm tiền siêu nhanh” có tính chất lừa đảo, được thực hiện thông qua mạng Internet hoặc thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Charles Ponzi là ai?

Charles Ponzi được miêu tả ngắn gọn là 1 người Ý, khi đến Mỹ trong túi chỉ còn 2,5 USD do thua lỗ bài bạc, đã lừa hàng trăm người thu về 15 triệu USD và khiến 6 ngân hàng phá sản. Đến cuối đời tay trắng phải chôn ở nghĩa trang dành cho người nghèo.

Sau khi đã trải qua nhiều nghề nhưng vẫn nghèo đói, vào năm 1920, cơ hội làm giàu đã tới với Ponzi khi hắn phát hiện ra phiếu IRC, một tấm phiếu có giá trị như 1 tem thư miễn phí nhưng có giá bán khác nhau trong mỗi quốc gia. Như ở Mỹ cứ 1 tờ IRC đổi ra tem thư sẽ bán được 6 cent, gấp 6 lần so với giá mua 1 phiếu IRC tại Tây Ban Nha, như vậy hắn có thể kiếm được lợi nhuận từ sự chênh lệch này.

Vào cuối năm 1919, Ponzi đã lập ra 1 công ty kinh doanh IRC bằng hình thức huy động vốn, trả lãi lên tới 50% trong 45 ngày và 100% cho 90 ngày, dựa trên kế hoạch kinh doanh kể trên. Nghĩa là Ponzi đã thuyết phục nhà đầu tư tin rằng  ông ta có 1 mạng lưới đại lý khắp châu Âu, chuyên thu mua các tem IRC, rồi mang tới Mỹ để bán, sau đó chuyển đổi số tem phiếu đó thành tiền mặt. Với kế hoạch trên y có thể thu 50% tiền lãi trong 90 ngày hoặc thậm chí là 45 ngày.

Lợi nhuận hấp dẫn cùng kế hoạch kinh doanh nghe có vẻ hợp lý, đã khiến 1 vài người thử đầu tư cho Ponzi. Thời gian đầu lãi đều được trả đều đặn khiến cho mức độ nổi tiếng của Ponzi càng ngày càng lan xa, tiền đổ vào ngày càng nhiều hơn. Thậm chí, từng có thời điểm Ponzi đã nhận được 1 triệu đô la đầu tư chỉ trong 3 giờ!

Để huy động được nhiều tiền hơn, Ponzi mở thêm đại lý mới và chia các khoản hoa hồng hậu hĩnh cho những đại lý này. Nhờ vậy đã lôi kéo thêm được rất nhiều người tham gia đầu tư.

Tuy nhiên, kế hoạch Ponzi đã sụp đổ khi không thể thanh toán cho các nhà đầu tư Tính đến thời điểm Ponzi bị bắt hắn ta đã huy động 15 triệu đô la và khiến 6 ngân hàng bị phá sản.

Ponzi bị kết án với 86 tội danh lừa đảo cùng 14 năm tù giam. Tuy nhiên, máu lừa đảo đã chảy trong huyết quản của y, nên vì quá “yêu nghề” mà Ponzi vẫn tiếp tục hành nghề ngay cả khi ở tù! Và không biết bằng cách nào, Ponzi đã được tại ngoại rồi chuyển tới 1 vùng hẻo lánh thuộc bang Florida, nơi Ponzi bắt đầu buôn bán bất động sản nhưng vẫn theo mô thức trên. Tuy nhiên, chính quyền Texas đã bắt giam Ponzi và đưa hắn trở về Boston. Sau đó, Ponzi chính thức bị trục xuất về Ý vào năm 1934. Tới 1949 Ponzi chết tại Janeiro (Brazil) trong một nghĩa trang dành cho người nghèo.

Cách thức hoạt động của mô hình Ponzi

Một tổ chức hoặc công ty nào đó thậm chí là cá nhân nhỏ lẻ sẽ đứng ra kêu gọi, quảng cáo về cơ hội đầu tư vào 1 hình thức nào đó. Mà để che mắt thiên hạ, các hình thức đầu tư phổ biến nhất hay được mô hình Ponzi áp dụng là đầu tư vào cổ phiếu, tiền điện tử, forex hay các hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận khác, với các gói khác nhau. Như người tham gia phải góp 1000 USD  hoặc 1500 USD tùy nhà đầu tư lựa chọn, trong 1 chu kỳ nhất định với mức lãi suất 20%, 30%, 40% thường cao hơn ngân hàng 20 lần hoặc nhiều hơn.

Nếu sau khi kêu gọi có thêm người thứ 2, thứ 3 tham gia, nhà đầu tư sẽ lấy tiền của người thứ 2 thứ 3 để trả cho người thứ nhất.

Cứ xoay vòng vốn liên tục như vậy, thời gian đầu những kẻ lừa đảo sẽ chi trả đều đặn cho các nhà đầu tư. Một là để duy trì, thu hút và chăn dắt được nhiều “gà” hơn, ngoài ra cũng là để thuyết phục chính những nhà đầu tư ban đầu không rút vốn, thay vào đó là tái đầu tư, cũng như củng cố uy tín để kêu gọi nhiều người khác tham gia.

Tới khi hệ thống đã phát triển được 1 vài vòng (tùy thời gian quy định) “đệ tử” của Ponzi hay những thành viên khởi xướng sẽ buộc phải tìm cách chiêu dụ các “gà” mới vào để duy trì mô hình và có tiền trả lãi cho nhà đầu tư trước.

Cuối cùng khi hệ thống không thể duy trì vì không đủ khả năng trả lãi cho nhà đầu tư, cho các tuyến đại lý hoa hồng theo các tầng, các cấp, “đệ tử” của Ponzi sẽ lẳng lặng biến mất cùng với số tiền thu được từ các nhà đầu tư.

Nhà đầu tư bắt đầu làm ầm lên, truy lùng ráo riết, nhưng bắt được hay không còn do “ăn ở” và “hên xui”, mà thông thường 95% là ngậm đắng nuốt cay, vì không thể lấy lại tiền. Hoặc cùng lắm nếu có bắt được thì những tên lừa đảo nào cũng chỉ bị đi tù vài năm. Ra tù lại tiếp tục diễn vai doanh nhân thành đạt để đi lừa các nhà đầu tư khác!

So sánh mô hình Ponzi và các mô hình kinh doanh đa cấp kim tự tháp

Mô hình kinh doanh kim tự tháp được gọi vắn tắt MLM cũng khá phổ biến tại Việt Nam vậy 2 mô hình này khác nhau như thế nào?

Giống nhau

Đều là lừa đảo, và cần rất nhiều tiền của nhà đầu tư để duy trì hệ thống.

Chẳng có 1 sản phẩm hay dịch vụ nào để tạo ra lợi nhuận đủ sức trả lãi cho nhà đầu tư, nếu không phải là lấy tiền của người này trả cho người khác!

Khác nhau

Mô hình Ponzi thường hay được giới thiệu là các siêu dự án với lãi siêu khủng như đầu tư đào bitcoin (cái này ở Việt Nam có không biết bao nhiêu là vụ lừa đảo rồi), đầu tư forex, chứng khoán, casino… Họ luôn tìm cách thuyết phục người tham gia đầu tư tin rằng lãi họ nhận được là kết quả từ các khoản đầu tư kể trên. Nhưng thực tế vẫn chỉ là lấy của người sau trả người trước mà thôi!

Mô hình kim tự tháp dựa trên hoạt động mạng lưới nên người tham gia phải tuyển thêm thành viên mới nhận được hoa hồng. Chính vì thế, càng tuyển được nhiều thành viên tuyến trên sẽ càng kiếm được nhiều tiền dựa trên các cấp theo mô hình kim tự tháp.

Cách phòng tránh cạm bẫy Ponzi và Kim Tự Tháp.

Nói chung trên đời này “miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột”, chẳng có cái gì là dễ dàng nhất là liên quan đến tiền. Vì thế, tiền càng dễ kiếm, lại theo dạng “1 vốn 4 lời” thì bạn càng nên cẩn trọng.

Đã là đầu tư thì nên nói chuyện với nhau bằng con số và báo cáo! Đừng vì vẻ ngoài bóng bẩy, đi xe đẹp, dùng điện thoại sang đồng nghĩa họ là những doanh nhân thành đạt, biết cách làm ăn, hay vô cùng giỏi giang trong đầu tư bạn nhé. Muốn biết hay không cứ đọc báo cáo, với forex thì xem lịch sử giao dịch là sẽ rõ thôi!

Tất cả các khoản đầu tư phải được đăng ký 1 cách hợp pháp, đồng nghĩa là phải có giấy tờ đầy đủ. Vì thế, bạn có thể yêu cầu nhà đầu tư cho xem các thông tin đăng ký kinh doanh trước rồi mới đầu tư bạn nhé!

Tố cáo. Khi phát hiện bị dụ dỗ tham gia mô hình Ponzi, bạn nên báo ngay cho các cơ quan chức năng để bảo vệ nhà đầu tư khỏi các cạm bẫy của hình thức lừa đảo này.

Bạn vừa đọc bài viết: Mô hình Ponzi là gì? Biết lừa đảo tại sao nhiều người vẫn lao vào?

Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Các bài viết liên quan

Bình luận
Subscribe
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments