Một trong những tín hiệu giao dịch quen thuộc từ indicators mà các forex trader thường xuyên sử dụng trong chiến lược của mình chính là overbought (quá mua) và oversold (quá bán). Và khi nhắc đến loại tín hiệu này, chúng ta thường nghĩ ngay đến chỉ báo RSI. Tuy nhiên, không chỉ riêng RSI mà trong giao dịch forex, có đến một nhóm các chỉ báo có thể tạo ra tín hiệu quá mua, quá bán này – nhóm chỉ báo dao động (Oscillators indicators). Và cũng không chỉ riêng tín hiệu quá mua, quá bán mà những Oscillators indicators này còn cung cấp nhiều tín hiệu mạnh mẽ khác, được sử dụng hiệu quả trong rất nhiều chiến lược giao dịch khác nhau.

Vậy, Oscillators là gì? Nhóm chỉ báo dao động bao gồm những indicators nào, đặc điểm ra sao? Những Oscillators indicators nào tốt nhất và chiến lược giao dịch nào hiệu quả nhất trên những chỉ báo này? Cùng kienthucforex.com tìm hiểu trong bài viết lần này nhé.

Oscillators là gì?

Oscillators hay chỉ báo dao động là một loại công cụ phân tích kỹ thuật, được sử dụng để xác định các điều kiện quá mua, quá bán của thị trường. Oscillators không phải là một chỉ báo riêng biệt mà nó là một bộ các chỉ báo, có thể hoạt động độc lập hoặc được kết hợp với nhau trong các chiến lược giao dịch.

Các Oscillators indicators dao động bên trong phạm vi được giới hạn bởi 2 giá trị cực đại hoặc dao động quanh một trục trung tâm, được vẽ trên một biểu đồ riêng và nằm bên dưới biểu đồ giá của tài sản.

Đặc điểm của các chỉ báo Oscillators

Có 2 dạng chỉ báo dao động

Chỉ báo dao động bên trong phạm vi được giới hạn bởi 2 giá trị cực đại

Chúng ta hay gọi chúng là biên trên và biên dưới, phụ thuộc vào mỗi chỉ báo dao động mà giá trị các biên này là khác nhau, có thể là 0 và 100 hoặc -100 và +100…

Những chỉ báo dao động thuộc dạng này thường được sử dụng để xác định các tín hiệu quá mua, quá bán.

Chỉ báo dao động trên và dưới giá trị trung tâm

Giá trị trung tâm thường là giá trị 0 hoặc 100, tức chỉ báo sẽ dao động xung quanh giá trị này. Dạng chỉ báo này thì lại phù hợp để xác định hướng của động lượng giá hay xu hướng của giá.

Một số thuộc leading indicators, số khác thuộc lagging indicators

Leading indicators là những chỉ báo cung cấp tín hiệu giao dịch đi trước chuyển động của giá. Nghĩa là sau khi tín hiệu giao dịch xuất hiện trên chỉ báo thì giá mới di chuyển theo hướng của tín hiệu. Các chỉ báo dao động thuộc nhóm leading indicators như RSI, CCI, Stochastic.

Ngược lại, lagging indicators là những chỉ báo cung cấp tín hiệu giao dịch đi sau chuyển động của giá. Tức là giá đã di chuyển theo tín hiệu một đoạn thì tín hiệu giao dịch mới xuất hiện trên đồ thị chỉ báo. Các chỉ báo dao động thuộc nhóm lagging indicators như MACD, Momentum.

Cách sử dụng bộ chỉ báo Oscillators

Các indicators thuộc bộ chỉ báo Oscillators cung cấp 3 loại tín hiệu giao dịch ứng với 3 chức năng khác nhau, và cả 3 đều được ứng dụng trong các chiến lược giao dịch forex.

Xác định xu hướng hiện tại

Chức năng này thường có hiệu quả trên những chỉ báo Oscillators thuộc dạng dao động trung tâm. Cách xác định xu hướng như sau:

  • Nếu chỉ báo nằm trên trục trung tâm và đang đi lên thì thị trường đang trong xu hướng tăng mạnh
  • Nếu chỉ báo nằm dưới trục trung tâm và đang đi xuống thì thị trường đang trong xu hướng giảm mạnh

Thông thường, tín hiệu này được sử dụng trong chiến lược giao dịch thuận xu hướng, tức trader sẽ chỉ vào lệnh Buy nếu thị trường đang trong xu hướng tăng và chỉ vào lệnh Sell nếu thị trường đang trong xu hướng giảm.

Xác định tín hiệu quá mua, quá bán

Tín hiệu quá mua, quá bán được xác định trên các chỉ báo Oscillators thuộc dạng dao động giữa 2 biên. Trước tiên, trader sẽ xác định 2 ngưỡng overbought và oversold. Ngưỡng overbought là ngưỡng gần sát với biên trên và ngưỡng oversold là ngưỡng gần sát với biên dưới. Ví dụ, biên trên là 100 thì ngưỡng overbought có thể là 70, 80 hoặc 90, biên dưới là 0 thì ngưỡng oversold có thể là 30, 20 hoặc 10. Các giá trị này sẽ khác nhau đối với mỗi chỉ báo Oscillators và phụ thuộc vào từng chiến lược giao dịch cụ thể của trader.

Cách xác định và sử dụng tín hiệu quá mua, quá bán như sau:

  • Khi chỉ báo Oscillators vượt lên trên ngưỡng overbought → tài sản đang bị mua quá mức → khả năng thị trường sẽ điều chỉnh giảm.
  • Khi chỉ báo Oscillators vượt xuống dưới ngưỡng oversold → tài sản đang bị bán quá mức → khả năng thị trường sẽ điều chỉnh tăng.

Tín hiệu quá mua, quá bán thường hoạt động có hiệu quả trong thị trường đi ngang, trader sẽ dựa vào các tín hiệu này, kết hợp cùng hỗ trợ, kháng cự để thực hiện các giao dịch trong vùng giá đi ngang này. Một lệnh Buy sẽ được kích hoạt khi tín hiệu quá bán xuất hiện và một lệnh Sell sẽ được kích hoạt khi tín hiệu quá mua xuất hiện.

Xác định động lực xu hướng: tín hiệu phân kỳ/hội tụ

Tín hiệu phân kỳ/hội tụ xuất hiện trên bộ chỉ báo Oscillators cho biết về động lực hiện tại của xu hướng. Cụ thể:

  • Tín hiệu phân kỳ → động lực xu hướng tăng đang suy yếu → khả năng thị trường sẽ đảo chiều giảm.
  • Tín hiệu hội tự → động lực xu hướng giảm đang suy yếu → khả năng thị trường sẽ đảo chiều tăng.

Trong đó:

  • Tín hiệu phân kỳ xuất hiện khi giá đang tạo đỉnh mới cao hơn (tức thị trường đang trong xu hướng tăng) nhưng chỉ báo dao động lại tạo đỉnh mới thấp hơn.
  • Tín hiệu hội tụ xuất hiện khi giá đang tạo đáy mới thấp hơn (tức thị trường đang trong xu hướng giảm) nhưng chỉ báo dao động lại tạo đáy mới cao hơn.

Không phải chiến lược giao dịch thuận xu hướng, cũng không phải chiến lược giao dịch bên trong vùng sideway mà tín hiệu phân kỳ/hội tụ được sử dụng trong chiến lược giao dịch đảo chiều. Cụ thể, tín hiệu phân kỳ xuất hiện cho biết thị trường có khả năng đảo chiều từ tăng sang giảm, trader sẽ kích hoạt một lệnh Sell. Ngược lại, tín hiệu hội tụ xuất hiện cảnh báo khả năng thị trường đảo chiều giảm sang tăng, một lệnh Buy sẽ được kích hoạt.

Top 5 chỉ báo Oscillators tốt nhất

RSI

Không chỉ riêng trong bộ chỉ báo Oscillators mà RSI cũng là một trong những chỉ báo được sử dụng phổ biến nhất trong hệ thống tất cả các indicators.

RSI được phát triển bởi J. Welles Wilder và giới thiệu lần đầu tiên trong cuốn sách “New Concepts in Technical Trading Systems” (Các khái niệm mới trong Hệ thống Thương mại Kỹ thuật).

RSI dao động trong phạm vi từ 0 đến 100 và J. Welles Wilder đã lựa chọn giá trị 70 làm ngưỡng overbought và 30 làm ngưỡng oversold.

RSI cung cấp 2 loại tín hiệu chủ yếu, đó là quá mua/quá bán và phân kỳ/hội tụ. Cả 2 loại tín hiệu này đều hoạt động có hiệu quả và được sử dụng rộng rãi trong rất nhiều chiến lược giao dịch khác nhau.

Tuy nhiên, cũng giống như mọi indicators khác, các trader sẽ không sử dụng RSI độc lập để phân tích và đưa ra quyết định cuối cùng mà họ sẽ kết hợp với các công cụ phân tích khác.

RSI được sử dụng trong cả chiến lược giao dịch đảo chiều và chiến lược giao dịch thuận xu hướng lẫn trong vùng giá đi ngang. Các công cụ được sử dụng kết hợp để xác nhận lại tín hiệu của RSI thường là:

  • Các mô hình nến đảo chiều
  • Đường xu hướng trendline
  • Chỉ báo MACD
  • Chỉ báo Bollinger Bands

Ngoài ra, có một chiến lược giao dịch rất đặc biệt với RSI, được chính tác giả của chỉ báo này giới thiệu, đó là chiến lược RSI Failure Swings. Cũng sử dụng tín hiệu quá mua, quá bán nhưng chiến lược này phân tích sâu hơn hành vi của RSI sau khi chỉ báo này đi vào vùng quá mua hoặc quá bán.

Để tìm hiểu chi tiết về cách giao dịch với chỉ báo này, các bạn có thể tham khảo bài viết sau:

RSI là gì? Cách sử dụng chỉ báo RSI chuẩn nhất

Stochastic

Cũng là chỉ báo dao động được sử dụng phổ biến nhất trong giao dịch forex.

Stochastic được phát triển bởi George C.Lane vào cuối những năm 1950. Mục đích ban đầu của Stochastic chính là đo lường động lượng của xu hướng để phát hiện các tín hiệu về sự đảo chiều.

Giống như RSI, Stochastic cũng phát ra 2 tín hiệu cơ bản của một Oscillators indicators, đó là quá mua/quá bán và phân kỳ/hội tụ.

Mặt khác, Stochastic có đến 2 thành phần, bao gồm đường %K và đường %D. Đường %K thể hiện các giá trị của Stochastic, trong khi đường %D chính là các giá trị trung bình trượt của %K. Do đó, bên cạnh 2 tín hiệu quá mua/quá bán và phân kỳ/hội tự thì sự giao cắt giữa 2 đường này cũng cung cấp tín hiệu về xu hướng hiện tại của thị trường. Cụ thể:

  • Đường %K cắt đường %D từ dưới lên à thị trường chuyển từ xu hướng giảm sang xu hướng tăng
  • Đường %K cắt đường %D từ trên xuống à thị trường chuyển từ xu hướng tăng sang xu hướng giảm

Về tín hiệu overbought/oversold, tác giả của chỉ báo khuyến nghị chọn 80 làm mức quá mua và 20 làm mức quá bán.

Các chiến lược giao dịch với Stochastic cũng khá đa dạng, một vài chiến lược giao dịch hiệu quả với Stochastic như:

  • Chiến lược giao dịch thuận xu hướng với tín hiệu quá mua/quá bán kết hợp đa khung thời gian.
  • Chiến lược giao dịch thuận xu hướng với tín hiệu quá mua/quá bán, kết hợp với chỉ báo MA
  • Chiến lược giao dịch kết hợp tín hiệu đồng thuận với RSI
  • Chiến lược giao dịch đảo chiều với tín hiệu phân kỳ/hội tụ kết hợp mô hình nến, mô hình giá hoặc đường trendline.

Tham khảo: Chỉ báo Stochastic là gì? Cách giao dịch Stochastic hiệu quả nhất.

MACD

MACD là chỉ báo Oscillators xuất hiện trong hầu hết các chiến lược giao dịch của các trader chuyên nghiệp.

MACD được phát triển bởi Gerald Appel vào năm 1970, bao gồm 2 thành phần chính là đường MACD và đường Signal (Tín hiệu). Các công thức tính của MACD đều xuất phát từ tính chất trung bình cộng nên nhiệm vụ chính của MACD là xác định xu hướng của thị trường dựa trên tín hiệu giao cắt giữa đường MACD và đường Signal, cụ thể

  • Đường MACD cắt đường Signal từ dưới lên → thị trường chuyển sang xu hướng tăng → tín hiệu vào lệnh Buy
  • Đường MACD cắt đường Signal từ trên xuống → thị trường chuyển sang xu hướng giảm → tín hiệu vào lệnh Sell

Bên cạnh đó, MACD cũng phát ra tín hiệu phân kỳ/hội tụ để dự báo về khả năng đảo chiều xu hướng như RSI hoặc Stochastic.

Một biến thể khác của MACD là chỉ báo MACD-Histogram với phần đồ thị Histogram được bổ sung thêm vào chỉ báo và phần đồ thị này chủ yếu được sử dụng để xác định xu hướng của thị trường. Cụ thể:

  • Đồ thị Histogram chuyển từ âm sang dương → xu hướng tăng
  • Đồ thị Histogram chuyển từ dương sang âm → xu hướng giảm

Nếu Stochastic có chiến lược giao dịch thuận xu hướng kết hợp đa khung thời gian với tín hiệu quá mua, quá bán thì MACD cũng có chiến lược tương tự nhưng với tín hiệu giao cắt giữa đường MACD và đường Signal.

Ngoài ra, chiến lược giao dịch đảo chiều sử dụng tín hiệu phân kỳ/hội tụ trên MACD cũng là chiến lược giao dịch hiệu quả khi kết hợp với các Oscillators indicators khác như RSI hay Stochastic hoặc kết hợp với các mô hình nến đảo chiều.

Tham khảo: MACD là gì? Cách sử dụng chỉ báo MACD hiệu quả nhất

Momentum

Momentum dao động quanh trục 100, nếu chỉ báo càng xa giá trị trung tâm này thì mức độ biến động giá càng lớn.

Momentum cung cấp 3 loại tín hiệu, bao gồm:

  • Tín hiệu giao cắt giữa Momentum và đường 100
  • Tín hiệu giao cắt giữa Momentum với đường trung bình trượt của chính chỉ báo này
  • Tín hiệu phân kỳ/hội tụ

Trong đó, tín hiệu giao cắt giữa Momentum với đường trung tâm và tín hiệu phân kỳ, hội tụ được sử dụng phổ biến hơn trong giao dịch.

Với tín hiệu giao cắt giữa đường trung tâm, trader sẽ xác định được sức mạnh của xu hướng và dự báo về khả năng đảo chiều:

  • Momentum nằm trên đường trung tâm và tăng dần → động lượng của xu hướng tăng đang mạnh mẽ. Khi Momentum quay đầu giảm → động lượng của xu hướng tăng đang suy yếu. Khi Momentum cắt đường trung tâm đi xuống → khả năng thị trường đảo chiều giảm.
  • Momentum nằm dưới đường trung tâm và giảm dần → động lượng của xu hướng giảm đang mạnh mẽ. Khi Momentum quay đầu tăng → động lượng của xu hướng giảm đang suy yếu. Khi Momentum cắt đường trung tâm đi lên → khả năng thị trường đảo chiều tăng.

Giống như những chỉ báo Oscillators trên, chiến lược giao dịch thuận xu hướng và đảo chiều cũng được thực hiện tương tự trên chỉ báo Momentum với sự xác nhận tín hiệu của những công cụ phân tích khác.

Tham khảo: Chỉ báo Momentum là gì? Cách sử dụng chỉ báo Momentum.

Awesome Oscillators

Awesome Oscillators (AO) được phát triển và giới thiệu lần đầu tiên bởi Bill Williams nên đôi lúc các trader vần gọi chỉ báo này chỉ báo Bill Williams.

Bản chất của Awesome Oscillators chính là hiệu số giữa 2 giá trị trung bình (AO = SMA5 – SMA34), do đó, chỉ báo này sẽ di chuyển quanh trục 0 và nhiệm vụ của nó chính là xác định xu hướng thị trường.

Cụ thể:

  • Nếu AO nằm trên đường 0, tức đường MA nhanh đang nằm trên đường MA chậm → thị trường đang trong xu hướng tăng.
  • Nếu AO nằm dưới đường 0, tức đường MA nhanh nằm dưới đường MA chậm → thị trường đang trong xu hướng giảm.

Bên cạnh đó, độ dài thanh AO (AO được biểu diễn trên đồ thị là những thanh thẳng đứng) cũng cung cấp tín hiệu cho biết động lực của xu hướng bên cạnh tín hiệu phân kỳ/hội tụ. Cụ thể: độ dài của thanh AO càng lớn (ở cả 2 phía âm và dương) nghĩa là khoảng cách giữa 2 đường trung bình càng lớn →  động lực của xu hướng càng mạnh (tăng mạnh hoặc giảm mạnh). Ngược lại, độ dài của thanh AO càng thấp, tức khoảng cách 2 đường trung bình càng nhỏ →  động lực của xu hướng đang giảm đi.

Trong tất cả các chiến lược giao dịch với chỉ báo Awesome Oscillator thì 2 chiến lược được sử dụng phổ biến và hiệu quả nhất chính là chiến lược đảo chiều sử dụng tín hiệu phân kỳ/hội tụ và một chiến lược đặc biệt của riêng chỉ báo Awesome Oscillator, đó là chiến lược đĩa bay (Saucer).

Đĩa bay tăng, với điều kiện cần là chỉ báo AO nằm trên đường 0, bao gồm 3 thanh AO, thanh đầu tiên là màu đỏ, thanh thứ hai cũng màu đỏ và ngắn hơn thanh thứ nhất. Thanh thứ ba màu xanh và dài hơn thanh thứ hai.

Đĩa bay giảm, với điều kiện cần là chỉ báo AO nằm dưới đường 0, bao gồm 3 thanh AO, thanh đầu tiên là màu xanh, thanh thứ hai cũng màu xanh và ngắn hơn thanh thứ nhất. Thanh thứ ba màu đỏ và dài hơn thanh thứ hai.

Tìm hiểu chi tiết hơn về chỉ báo Awesome Oscillator và chiến lược đĩa bay qua bài viết sau:

Chỉ báo Awesome Oscillator là gì?

Kết luận

Các indicators trong bộ chỉ báo Oscillators là những chỉ báo được sử dụng rộng rãi nhất trong giao dịch. Mỗi Oscillators indicators có một ý nghĩa và cách sử dụng riêng nhưng để giao dịch một cách hiệu quả nhất, chúng cần được kết hợp với nhau hoặc kết hợp với những công cụ phân tích khác. Các bạn có thể tham khảo những chiến lược giao dịch cụ thể với các chỉ báo Oscillators trong các bài viết được đính kèm link ở trên, lựa chọn chỉ báo yêu thích và xây dựng cho mình chiến lược giao dịch hiệu quả nhất với chỉ báo đó.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bạn vừa đọc bài viết: Oscillators là gì? Top 5 chỉ báo Oscillators tốt nhất trong giao dịch forex

Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Hoc Forex Mien Phi

Các bài viết liên quan