Phân tích cơ bản là một trong 2 trường phái phân tích lớn trong đầu tư, giao dịch tài chính. So với phân tích kỹ thuật thì phân tích cơ bản ít được ưa chuộng hơn bởi nó “khó nuốt hơn”. Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư, các nhà giao dịch vận dụng một cách hiệu quả và hợp lý thì phân tích cơ bản sẽ giúp họ nắm bắt được cả gốc rễ của vấn đề, mang về lợi nhuận tiềm năng cao hơn, đặc biệt trong dài hạn.
Trường phái phân tích cơ bản không có quá nhiều công cụ được sử dụng như phân tích kỹ thuật nhưng việc áp dụng mỗi công cụ để phân tích lại rất khó, đòi hỏi người phân tích phải có nhiều kiến thức nền tảng về kinh tế, tài chính vi mô, vĩ mô, nên các phương pháp phân tích cơ bản có vẻ như khó nhằn hơn đối với những nhà đầu tư, những trader mới.
Phân tích cơ bản là gì? Cơ sở lý thuyết của phân tích cơ bản.
Phân tích cơ bản (Fundamental Analysis) trong thị trường tài chính nói chung là một kỹ thuật hay phương pháp xác định giá trị nội tại của tài sản tài chính thông qua việc đánh giá tác động của các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài đến giá cả của tài sản đó như các yếu tố xã hội, kinh tế, tài chính vi mô, vĩ mô… từ đó dự báo xu hướng biến động của giá cả trong tương lai.
Mục đích cuối cùng của phân tích cơ bản chính là đưa đến kết luận rằng tài sản đang bị định giá cao hơn hay thấp hơn so với giá trị nội tại (giá trị thực) của nó. Nếu bị định giá cao hơn, trong tương lai, thị trường sẽ điều chỉnh giảm, ngược lại, nếu bị định giá thấp hơn, thị trường sẽ điều chỉnh tăng, sao cho tài sản quay về phản ánh đúng giá trị nội tại của nó.
- Cơ sở lý thuyết của phân tích cơ bản
Trường phái phân tích kỹ thuật dựa vào kết quả biến động của giá ở quá khứ và hiện tại để dự báo về xu hướng giá trong tương lai, thông qua 3 nguyên lý chính, bao gồm: giá cả phản ảnh tất cả mọi thứ, giá cả di chuyển theo xu hướng và lịch sử có xu hướng lặp lại. Ý nghĩa của cả 3 nguyên lý này chính là cho rằng biểu hiện của giá thông qua các chuyển động trên biểu đồ đã cho thấy tác động của tất cả các yếu tố khác đến giá mà chúng ta không cần phải đi phân tích từng yếu tố riêng lẻ. Và đối tượng mà phân tích kỹ thuật quan tâm là giá thị trường của tài sản.
Còn với phân tích cơ bản, nguyên lý của nó hoàn toàn trái ngược, phân tích cơ bản tập trung đi tìm nguyên nhân dẫn đến những chuyển động bất thường của giá vì những nhà phân tích cơ bản cho rằng giá không bao giờ thay đổi mà không có nguyên nhân và có thể dự đoán được tác động của các yếu tố khác nhau đến giá cả.
Thứ hai, trường phái phân tích cơ bản tập trung vào đối tượng là giá trị nội tại của tài sản và mối quan hệ giữa giá trị này với các yếu tố tài chính là có thể đo lường được. Quan điểm của họ là dù tài sản đang bị định giá cao hay thấp thì đến một lúc nào đó, nó lại sẽ quay về với giá trị thực của mình. Dựa vào nguyên lý này, các nhà phân tích đi tìm giá trị nội tại của tài sản, rồi so sánh với giá thị trường để xác định các cơ hội đầu tư.
Sự khác nhau giữa phân tích cơ bản chứng khoán và phân tích cơ bản forex.
Phân tích cơ bản trong chứng khoán và forex có điểm giống nhau về mục đích, phương pháp nhưng khác nhau về đối tượng và công cụ được sử dụng.
Mục đích: ở cả 2 thị trường này, phân tích cơ bản đều hướng đến mục đích cuối cùng là tìm ra giá trị nội tại của tài sản tài chính, từ đó xác định cơ hội đầu tư/giao dịch nếu nhận thấy sự chênh lệch lớn giữa giá trị nội tại và giá thị trường của tài sản.
Phương pháp: dù là thị trường nào hay tài sản tài chính nào thì phương pháp phân tích cơ bản cũng là nhận diện các yếu tố kinh tế, tài chính, xã hội vi mô, vĩ mô… có tác động đến giá cả 🡪 đo lường mức độ và chiều hướng tác động 🡪 dự báo chiều hướng biến động của giá dưới các tác động đó.
Đối tượng phân tích: đối với thị trường chứng khoán, đối tượng phân tích chính là cổ phiếu. Còn trong forex, đối tượng phân tích rộng hơn, đa dạng hơn, bao gồm các cặp tỷ giá, vàng, chỉ số, cổ phiếu, tiền điện tử…
Công cụ phân tích: phân tích cơ bản chứng khoán sử dụng các công cụ mang tính chất vi mô, liên quan trực tiếp đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp như vị thế cạnh tranh, chính sách giá cả, chất lượng quản lý, sản xuất, mục tiêu sứ mệnh, khả năng lợi nhuận…. nhà đầu tư thường dựa vào các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên và các tài liệu khác liên quan đến doanh nghiệp, đến ngành nghề để đánh giá các yếu tố này. Phân tích cơ bản trong forex thì hướng đến các yếu tố vĩ mô hơn, tác động trực tiếp đến tiền tệ của các quốc gia như lãi suất, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, GDP, … các yếu tố chính trị, xã hội…. nhà giao dịch sẽ sử dụng các báo cáo kinh tế, các văn bản công bố chính sách kinh tế, phát biểu của các nhà lãnh đạo, quyết định của ngân hàng trung ương… để theo dõi và đánh giá các yếu tố này.
Phương pháp phân tích cơ bản trong giao dịch forex
Danh mục sản phẩm giao dịch trên thị trường forex rất đa dạng nhưng đa số các trader sẽ quan tâm nhiều hơn đến các cặp tỷ giá, đặc biệt là các cặp tỷ giá chính, có chứa đồng đô la Mỹ. Phân tích cơ bản trên các cặp tiền này là các bạn sẽ xác định các yếu tố nào ảnh hưởng đến tỷ giá của chúng, mức độ và chiều hướng tác động ra sao. Vì đồng đô la Mỹ là đồng tiền chính và USD cũng là tiền tệ mạnh nhất, có ảnh hưởng lớn nhất đến tất cả các đồng tiền của các quốc gia khác nên phân tích cơ bản các cặp tiền trong forex, trader thường sẽ tập trung phân tích các yếu tố tác động đến đồng đô la Mỹ.
Đối với những loại sản phẩm khác sẽ có những yếu tố tác động đặc trưng khác: ví dụ như kim loại hay năng lượng sẽ chịu tác động của các chính sách khai thác khoáng sản, tài nguyên, tính hình nguồn tài nguyên của mỗi quốc gia, thiên tai … trong đó, giá cả đô la Mỹ cũng là một trong những yếu tố tác động quan trọng.
Các yếu tố tác động đến tỷ giá trong forex
Có 3 yếu tố chính tác động đến giá trị tiền tệ của một quốc gia, bao gồm:
- Các yếu tố kinh tế
- Các yếu tố chính trị – xã hội
- Các sự kiện bất ngờ
Trong đó, tác động của các sự kiện bất ngờ đến giá cả tiền tệ là khó lường trước và dự đoán nhất.
- Các yếu tố kinh tế
Bao gồm: lãi suất, lạm phát, GDP, tỷ lệ thất nghiệp…. tất cả những chỉ số này đều phản ánh được sức khỏe của một nền kinh tế mà tiền tệ của một quốc gia có giá trị hay không lại phụ thuộc vào nền kinh tế đó có mạnh hay không. Một nền kinh tế có sức khỏe tốt, các chỉ số đều tích cực thì giá trị đồng nội tệ của quốc gia đó sẽ tăng cao, ngược lại, một nền kinh tế có sức khỏe yếu, các chỉ số kinh tế đều cho thấy sự yếu kém, tiêu cực thì đồng nội tệ của quốc gia đó sẽ bị giảm giá trị.
Vậy, các chỉ số kinh tế tác động như thế nào đến tiền tệ của các quốc gia?
Lãi suất
Lãi suất thường có mối quan hệ cùng chiều với giá cả của tiền tệ. Có rất nhiều khái niệm lãi suất mà các bạn sẽ bắt gặp như lãi suất cơ bản, lãi suất chiết khấu, lãi suất cho vay, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tín phiếu kho bạc… vậy thì, loại lãi suất mà các bạn nên quan tâm khi phân tích cơ bản chính là lãi suất chiết khấu (discount rate).
Lãi suất chiết khấu là lãi suất mà ngân hàng trung ương (NHTW) cho các ngân hàng thương mại (NHTM) vay, các NHTM sẽ lấy đó làm cơ sở để điều chỉnh và ấn định mức lãi suất cho vay đối với các cá nhân, tổ chức khác. Lãi suất chiết khấu tăng buộc các ngân hàng phải gia tăng tỷ lệ tiền dự trữ, dẫn đến số tiền cho vay sẽ giảm đi, lãi suất cho vay tăng lên, ngược lại, lãi suất chiết khấu giảm, các NHTM có thể thoải mái cho vay với lãi suất thấp. Khi các NHTM áp dụng lãi suất cho vay thấp, các doanh nghiệp sẽ vay nhiều hơn để mở rộng sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển, trong ngắn hạn có thể sẽ giúp đồng nội tệ tăng giá. Tuy nhiên, trong dài hạn, cho vay nhiều đồng nghĩa với lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường nhiều 🡪 lạm phát 🡪 đồng tiền mất giá , ngược lại, lãi suất tăng thì sẽ giúp cho đồng nội tệ tăng giá trong dài hạn.
Lạm phát
Các bạn có thể hình dung về lạm phát như thế này: ngày hôm nay mua ổ bánh mì với giá 10 nghìn, nhưng qua ngày mai bạn sẽ phải mua nó với giá 15 nghìn. Biểu hiện của lạm phát chính là cùng một rổ hàng hóa nhưng bạn sẽ phải trả nhiều tiền hơn để có được nó so với trước đó. Nguyên nhân là do lượng tiền lưu thông quá nhiều, đồng tiền trở nên mất giá. Ngược lại, nếu lượng tiền lưu thông ít đi, giá cả hàng hóa giảm xuống thì giá trị của đồng nội tệ sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, trong dài hạn, giảm phát sẽ khiến cho đồng nội tệ mất giá bởi không có nhiều tiền lưu thông thì không đủ tiền để mở rộng sản xuất kinh doanh, để giao dịch mua bán… không thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính vì vậy, các quốc gia luôn mong muốn có một tỷ lệ lạm phát hợp lý và thực hiện các chính sách tiền tệ để duy trì được tỷ lệ lạm phát đó. Khi lạm phát của một quốc gia tăng cao, chính phủ và NHTW sẽ có biện pháp để điều chỉnh lạm phát về lại mức bình thường, các biện pháp này trong ngắn hạn sẽ giúp giá trị đồng nội tệ sẽ tăng lên.
GDP – Tổng sản phẩm quốc nội
Là chỉ số kinh tế quan trọng, đo lường tổng giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại một quốc gia trong một thời kỳ nhất định. Mặc dù khi GDP tăng chứng tỏ quốc gia sản xuất nhiều nhưng nếu mức tiêu thụ kém thì cũng không thể khẳng định nền kinh tế đang phát triển. Khi phân tích tác động của GDP đến sức khỏe nền kinh tế hay chính xác là tác động của chỉ số này đến giá trị đồng nội tệ, các nhà phân tích sẽ xem xét thêm những yếu tố khác để so sánh 2 đại lượng cung – cầu, từ đó mới đủ cơ sở kết luận.
Tỷ lệ thất nghiệp
Rõ ràng, tỷ lệ thất nghiệp và giá trị đồng nội tệ của một quốc gia có mối quan hệ nghịch chiều. Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, đồng nghĩa với nhiều lao động không có việc làm, nguyên nhân có thể do hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp yếu kém, không mở rộng sản xuất, bị ngưng trệ… dẫn đến sức khỏe nền kinh tế yếu đi 🡪 giá trị đồng nội tệ giảm. Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp giảm, chứng tỏ nhiều người lao động có việc làm hơn, doanh nghiệp sản xuất tốt, tăng quy mô, tăng lực lượng lao động… nền kinh tế phát triển tốt 🡪 giá trị đồng nội tệ tăng.
- Các yếu tố chính trị – xã hội
Các yếu tố chính trị – xã hội của một quốc gia bao gồm: luật lệ, bộ máy quản lý, xung đột sắc tộc, xung đột quân sự, biểu tình, đình công… tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng nhất định đến giá trị của đồng nội tệ.
Một quốc gia có bộ máy quản lý yếu kém chắc chắn là một quốc gia không thể phát triển tốt, hay một quốc gia liên tục có những cuộc biểu tình, xung đột quân sự, bạo động… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Nói tóm lại, một sự bất ổn trong bộ máy chính trị hay các sự kiện xã hội mang tính tiêu cực sẽ làm suy yếu giá trị đồng nội tệ.
Một sự kiện chính trị quan trọng mà các nhà đầu tư, nhà giao dịch quan tâm nhất và sự kiện này cũng tác động trực tiếp đến giá cả trên thị trường chứng khoán, tác động trực tiếp đến giá trị đồng nội tệ chính là kết quả bầu cử. Sự kiện này đặc biệt quan trọng, nhất là kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, không chỉ ảnh hưởng bên trong Hoa Kỳ mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Các ứng cử viên cho vị trí này sẽ liên tục tranh luận với nhau về những chính sách, yếu lược mà mình sẽ thực hiện nếu đăng cai cương vị tổng thống. Mỗi chính sách khác nhau sẽ tác động đến giá trị của đô la Mỹ theo nhiều hướng khác nhau. Và khi đã có kết quả bầu cử, toàn bộ nền kinh tế sẽ biến động theo chiều hướng phù hợp với các chính sách mà ứng cử viên đăng cai đã nêu ra trong các cuộc tranh luận của mình. Chính vì vậy, đây là yếu tố chính trị mà không một nhà đầu tư, nhà giao dịch nào bỏ qua.
So với các yếu tố kinh tế, thì yếu tố chính trị có mức độ tác động đến giá trị đồng nội tệ thường sẽ nhẹ hơn và nó mang tính quan trọng hơn trong dài hạn. Còn trong ngắn hạn, các nhà phân tích sẽ tập trung hơn vào các yếu tố kinh tế.
- Các sự kiện bất ngờ
Bao gồm các yếu tố không thể dự báo và lường trước như thiên tai, bão lũ, động đất, sóng thần. Thông thường, khi các sự kiện bất ngờ mang tính tiêu cực như trên xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của quốc gia, từ đó làm giảm giá trị đồng nội tệ. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, các sự kiện này rất khó để phân tích và dự báo chiều hướng tác động nên các nhà phân tích thường bỏ qua hoặc chỉ nhìn nhận kết quả sau khi nó đã xảy ra rồi.
Công cụ phân tích cơ bản trong forex
Sau khi đã xác định được các yếu tố tác động đến tỷ giá và chiều hướng tác động của chúng thì câu hỏi đặt ra là xem những yếu tố này ở đâu, hay chúng được thể hiện trên những văn bản, phương tiện nào mà trader có thể theo dõi và cập nhật một cách nhanh chóng nhất có thể?
Đối với các chỉ số kinh tế như lãi suất, lạm phát, GDP, tỷ lệ thất nghiệp… các bạn có thể theo dõi các chính sách tiền tệ và các chính sách, công bố tài chính khác của NHTW, Bộ tài chính của các quốc gia. Những chính sách này sẽ được công bố sau các cuộc họp quan trọng của NHTW, có thể là các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất hoặc theo dõi chúng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng chính thống như truyền hình, các kênh thông tin điện tử, cổng thông tin trực tuyến uy tín của các quốc gia.
Trên thị trường forex, các đồng tiền chính bao gồm USD, EUR, GBP, JPY, AUD, CAD, CHF, NZD nên các trader sẽ thường xuyên theo dõi các công bố của NHTW các quốc gia này, bao gồm FED, ECB, BoE, BoJ, RBA, BoC, SNB và RBNZ.
Các phương tiện truyền thông chính thống của Mỹ mà các bạn nên thường xuyên theo dõi các tin tức kinh tế, tài chính như Bloomberg, CNN, Fox News, CBS…
Đối với các yếu tố chính trị – xã hội, các bạn có thể theo dõi qua các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí, các trang mạng xã hội… để nắm bắt tin tức kịp thời và chính xác.
- Lịch kinh tế – Economic Calendar.
Là công cụ không thể thiếu đối với các trader theo trường phái phân tích cơ bản.
Lịch kinh tế phát hành tất cả các chính sách, công bố về các chỉ số kinh tế, yếu tố kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới, có thời gian công bố cụ thể, mức độ tác động của các yếu tố đó đến đồng nội tệ của các quốc gia. Dựa vào những công bố trong quá khứ, các bạn có thể ghi lại thời gian ra tin để theo dõi kịp thời các tin tức sắp ra trong tương lai.
Một tính năng hữu ích mà Lịch kinh tế cung cấp cho trader chính là khả năng lọc dữ liệu. Vì có quá nhiều loại tin tức của quá nhiều các quốc gia, mà chúng ta thì chỉ quan tâm đến vài dữ liệu quan trọng của một số quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nên chức năng lọc sẽ giúp các bạn tìm ra các yếu tố cần phân tích một cách nhanh chóng, rõ ràng và cụ thể.
Sử dụng Lịch kinh tế trong phân tích cơ bản như thế nào?
Có 2 vấn đề các bạn cần quan tâm khi sử dụng Lịch kinh tế, đó là Tầm quan trọng của sự kiện và các giá trị thực tế, dự báo.
Một sao, hai sao, ba sao thể hiện mức độ tác động của tin tức đối với đồng tiền của quốc gia. Trong phân tích cơ bản, các bạn chỉ nên quan tâm đến những tin tức có mức độ tác động từ trung bình đến mạnh, tức là từ 2 sao trở lên.
Khi tin tức được công bố cũng là lúc giá trị thực tế được công bố, các bạn so sánh giá trị thực tế với giá trị dự báo, phân tích chiều hướng tác động của tin tức đến tiền tệ, từ đó kết luận về xu hướng biến động của giá.
Ví dụ: một tin tức về lãi suất chiết khấu của FED được công bố với giá trị thực tế cao hơn so với giá trị dự báo, nghĩa là lãi suất chiết khấu của Mỹ tăng lên, kỳ vọng giá trị đồng đô la Mỹ cũng tăng lên.
Nếu một tin tức có mức độ tác động mạnh đến tiền tệ nhưng giá trị thực tế và dự báo không quá khác biệt thì kỳ vọng về sự biến động lớn của giá cả thường sẽ không xảy ra.
Các tin tức quan trọng trên Lịch kinh tế mà các bạn phải theo dõi đó là quyết định lãi suất, công bố lạm phát, bản tin Non-farm (có tỷ lệ thất nghiệp) và các bài phát biểu của thống đốc các NHTW, các văn bản công bố của FED, FOMC…
Có nên sử dụng phân tích cơ bản trong forex hay không?
Khác với thị trường forex, phân tích cơ bản trong chứng khoán vô cùng quan trọng và dường như không thể thiếu đối với tất cả các nhà đầu tư, một phần do chúng ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu, phần còn lại do khả năng tiếp cận công cụ phân tích dễ dàng hơn vì liên quan nhiều đến các yếu tố bên trong doanh nghiệp và những yếu tố vi mô khác. Còn với thị trường forex, việc tiếp cận phương pháp phân tích cơ bản sẽ khó hơn rất nhiều do liên quan đến nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô, mà để phân tích được những yếu tố này một cách ngọn ngành nhất thì đòi hỏi nhà đầu tư, nhà giao dịch phải có kiến thức chuyên sâu hơn, am hiểu nhiều hơn đến nền kinh tế của các quốc gia.
- Vậy thì, một trader mới có nên lựa chọn phân tích cơ bản làm phương pháp chủ yếu trong giao dịch forex?
Câu trả lời hợp lý nhất có lẽ là tùy thuộc vào khả năng và chiến lược cũng như phong cách giao dịch mà mỗi trader lựa chọn.
Nếu các bạn tự tin với kiến thức kinh tế, tài chính của mình và phong cách mà các bạn lựa chọn là các phong cách giao dịch trung và dài hạn như swing trading hay position trading thì phân tích cơ bản hoàn toàn là sự lựa chọn tốt.
Ngược lại, nếu chưa tự tin với kiến thức của mình, đồng thời phong cách mà bạn theo đuổi là ngắn hạn như scalping hay day trading thì phân tích cơ bản độc lập sẽ không thể mang lại hiệu quả cao.
Đối với các trader forex, cho dù là dày dặn kinh nghiệm hay newbie thì họ sẽ thường kết hợp cả phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật trong tất cả các chiến lược của mình. Phân tích cơ bản sẽ hỗ trợ dự đoán xu hướng trong dài hạn trong khi phân tích kỹ thuật sẽ giúp các bạn có được tín hiệu giao dịch tiềm năng trong ngắn hạn.
- Trader nên phản ứng như thế nào trước giờ ra tin?
Khi một tin tức quan trọng sắp được công bố, các trader thường sẽ có 2 động thái: hoặc là chỉ đứng nhìn, không giao dịch, chờ một thời gian sau đó mới giao dịch hoặc là xác định chiều hướng biến động và giao dịch ngay khi ra tin.
Động thái thứ nhất thường xảy ra đối với những trader không ưa thích mạo hiểm vì khi một tin tức quan trọng được công bố, biến động trên cặp tỷ giá sẽ rất lớn, lời thì rất nhiều nếu thành công nhưng thua lỗ cũng nhiều tương ứng nếu thất bại. Hơn nữa, những trader này thường không tự tin với kinh nghiệm phân tích cơ bản của mình. Một tin tức vừa được công bố đòi hỏi các bạn phải phản ứng thật nhanh, nếu mất quá nhiều thời gian để phân tích rồi đưa đến kết quả thì có thể tác động của tin tức đó đến giá cả đã khác đi hoặc sự tác động của nó chỉ nhất thời, trong một vài phiên giao dịch tại lúc ra tin mà thôi.
Ngược lại, động thái thứ hai xảy ra đối với những trader ưa thích sự mạo hiểm và có nhiều kinh nghiệm phân tích cơ bản trên thị trường. Họ luôn có hứng thú với những tin tức cực kỳ quan trọng, tác động mạnh và tức thì đến giá cả để có thể kiếm về nhiều lợi nhuận trong thời gian ngắn.
Với bạn thì sao? Mức độ chấp nhận rủi ro và kinh nghiệm của bạn đang ở cấp độ nào?
Kết luận
Mặc dù cách tiếp cận phương pháp phân tích cơ bản trong forex là không hề dễ nhưng các bạn vẫn hoàn toàn có thể làm tốt nếu chịu đầu tư kiến thức một cách bài bản. Bằng việc thường xuyên đọc báo kinh tế, theo dõi và tập phân tích các sự kiện, dữ liệu hay chỉ số kinh tế của các quốc gia sẽ giúp bạn nhanh chóng tiến bộ hơn.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.