- George Soros là ai?
- George Soros kiếm tiền như thế nào?
- George Soros đã phá sập Ngân hàng Anh như thế nào?
- Phong cách và triết lý đầu tư của George Soros
- 4 nguyên tắc giao dịch luôn được thực hiện trong các chiến lược đầu tư của George Soros
- Một nhà đầu tư mới có thể học được gì từ phong cách và triết lý đầu tư của George Soros?
Một trong những cách để chúng ta giỏi hơn mỗi ngày chính là học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Trong lĩnh vực đầu tư cũng thế, những nhà đầu tư thành công luôn có điều gì đó để chúng ta học hỏi. Và một trong những nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại luôn được nhắc đến chính là George Soros. Người đã kiếm được 2 tỷ đô $ chỉ trong vòng 1 tháng.
Vậy thì, ông ấy đã làm được điều đó bằng cách nào? Phải chăng thị trường có bí mật gì mà chỉ ông biết được còn những người khác thì không?
Dù không hy vọng có thể trở thành một George Soros thứ hai nhưng việc hiểu được các chiến lược và triết lý đầu tư của ông – một trong những nhà đầu tư xuất sắc nhất mọi thời đại, sẽ giúp bạn cải thiện được kết quả đầu tư của mình.
George Soros là ai?
George Soros sinh năm 1930 tại Budapest, Hungary. Tuổi thơ của ông cũng như bao người Do Thái khác đã phải trải qua thời kỳ chiếm đóng của Đức quốc xã 1944-1945. Tuy nhiên, George Soros đã mô tả 12 tháng chiếm đóng của Đức quốc xã là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đời mình. Vì với ông, mỗi ngày là một cuộc chiến phiêu lưu đầy mạo hiểm nhưng cũng lắm điều mới mẻ, thú vị. Đối với người Do Thái sống ở Hungary thời bấy giờ, hình phạt duy nhất nếu bị phát hiện ra thân phận thật sự đó là cái chết. Do đó, mục đích của gia đình ông và những người khác đó là làm thế nào để được sống. Mục đích và cũng là lý tưởng sống đó đã theo ông trong suốt quãng đời còn lại, và cũng chính điều đó đã hình thành nên triết lý đầu tư quan trọng nhất của ông “ Trước hết phải sống sót đã, rồi sau đó mới tính đến chuyện kiếm tiền”.
Đến năm 1947, George Soros rời Budapest đến London và theo học theo Trường Kinh tế London. Tại đây, ông làm việc bán thời gian với tư cách là người khuân vác và bồi bàn cho câu lạc bộ đêm để kiếm tiền hỗ trợ cho việc học của mình.
Năm 1956, ông sang Hoa Kỳ và bắt đầu bước vào thế giới tài chính. Nơi ông trở thành một nhà đầu tư vĩ đại với các thương vụ hàng tỷ đô la.
Năm 1969, ông thành lập quỹ phòng hộ đầu tiên của mình, mang tên Double Eagle, sau đó quỹ này đổi tên thành Quantum Fund vào năm 2000.
Tiếp đến năm 1973, ông thành lập quỹ phòng hộ mang tên mình, Soros Fund Management, là một trong những quỹ thành công nhất trong lịch sử. Những quyết định đầu tư táo bạo của George Soros đã góp phần vào sự thành công của quỹ này cùng với Quantum Fund.
Khi đã trở thành một nhà đầu tư thành công, ông bắt đầu các hoạt động thiện nguyện của mình với hoạt động đầu tiên chính là thành lập Tổ chức xã hội mở (Open Society Foundations) vào năm 1979.
Tính đến tháng 5, 2022, tổng tài sản ròng của George Soros là 8,6 tỷ USD (Forbes). Nguồn tài sản chính của ông là từ các quỹ phòng hộ và hoạt động đầu tư cá nhân.
George Soros kiếm tiền như thế nào?
George Soros kiếm tiền trên thị trường bằng nhiều hình thức khác nhau như đầu tư cổ phiếu, đầu cơ và giao dịch ngoại hối. Ông kiếm bộn tiền nhờ điều hành một loạt quỹ đầu cơ thành công.
Quỹ phòng hộ đầu tiên của ông là Double Eagle, sau đổi tên thành Quantum. Trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến 2000, ông đã điều hành quỹ này rất thành công, đạt lợi nhuận trung bình 30% mỗi năm, thậm chí có giai đoạn tỷ suất sinh lợi lên đến 100%. Quantum Fund được đánh giá là quỹ đầu tư thành công nhất trong lịch sử kinh tế thế giới.
Sau đó, ông đã sử dụng lợi nhuận từ quỹ này để thành lập Soros Fund Management, quỹ này có tỷ lệ hoàn vốn trung bình hàng năm là 20%, trở thành một trong những quỹ đầu cơ sinh lời cao nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, đỉnh cao trong sự nghiệp đầu tư của George Soros chính là thương vụ bán khống đồng Bảng Anh vào năm 1992, đã giúp ông kiếm được 2 tỷ đô la Mỹ chỉ trong vòng 1 tháng.
George Soros đã phá sập Ngân hàng Anh như thế nào?
Cái tên “Người phá sập Ngân hàng Anh” của George Soros cũng xuất phát từ chính thương vụ bán khống đồng Bảng Anh vào năm 1992.
Khoảng giữa năm 1992, Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM) dường như mang lại thành công lớn cho khu vực này, vì đã làm giảm phát trên khắp châu Âu dưới sự lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương Đức. Tuy nhiên, sự ổn định có thể sẽ không lâu khi một số loại tiền trong ERM bị tăng giá một cách giả tạo, trong đó có đồng bảng Anh. Sau khi thống nhất nước Đức năm 1989, chi tiêu của chính phủ đã tăng mạnh, buộc Ngân hàng Trung ương Đức phải in thêm tiền. Điều này dẫn đến lạm phát cao và khiến Ngân hàng Trung ương Đức không có nhiều lựa chọn ngoài việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất đi kèm với sức ép tăng giá lên đồng Mác Đức. Điều này buộc các ngân hàng trung ương khác phải tăng lãi suất cũng như duy trì tỷ giá hối đoái cố định của họ.
Tại thời điểm này, nền kinh tế của Anh đang yếu kém và tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ không cho phép chính phủ Anh duy trì chính sách này lâu dài, George Soros dự đoán rằng Chính phủ Anh sẽ phải phá giá đồng Bảng Anh hoặc chấp nhận rời khỏi ERM và điều này sẽ khiến đồng Bảng Anh bị mất giá.
Ông đã bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình bằng cách vay Bảng Anh và đổi thành Mác Đức thông qua việc đầu tư vào các tài sản bằng đồng tiền này, ông cũng sử dụng đến cả hợp đồng quyền chọn và tương lai.
Việc bán một lượng lớn đồng Bảng Anh (giá trị khoảng 10 tỷ USD) của George Soros và nhiều người khác cũng tham gia vào việc này đã gây áp lực giảm giá rất lớn lên đồng tiền này.
Dự đoán của George Soros đã đúng. Vào ngày 16/9/1992, sau hàng loạt những nỗ lực tăng lãi suất của Ngân hàng Anh để tạo sự hấp dẫn lên đồng tiền này nhưng bất thành thì đúng vào lúc 7 giờ tối cùng ngày, Thủ tướng Anh thông báo rằng quốc gia này sẽ rời khỏi ERM và lãi suất sẽ trở về mức ban đầu là 10%. Và ngày 16/9/1992 được gọi là Ngày thứ Tư đen tối, đánh dấu cho sự khởi đầu mất giá trầm trọng của đồng Bảng Anh.
Trong vòng 1 tháng sau đó, George Soros đã bán đồng Mác Đức và mua lại Bảng Anh đang mất giá (gần 15% so với Mác Đức và 25% so với đô la Mỹ) để trả lại khoản vay ban đầu. Thương vụ này đã giúp cho ông và quỹ Quantum khi đó kiếm được khoảng 2 tỷ USD.
Cũng sau thương vụ này thì George Soros trở nên nổi tiếng hơn, trở thành một tượng đài lớn trong giới đầu tư. Từ đó, phong cách và triết lý đầu tư của ông đã bắt đầu được trader toàn thế giới quan tâm, học hỏi.
Phong cách và triết lý đầu tư của George Soros
George Soros là người hiếm hoi trong số các nhà đầu tư thành công từng thừa nhận rằng bản năng đóng một vai trò quan trọng trong các quyết định đầu tư. Cụ thể, ông nói: “Tôi không có một phong cách đầu tư cụ thể nào. Chính xác hơn, tôi thay đổi phong cách của mình để phù hợp với điều kiện. Quỹ đã nhiều lần thay đổi đặc tính. Nói theo cách này: Tôi không chơi theo một bộ quy tắc nhất định; Tôi tìm kiếm những thay đổi trong luật chơi”
Có những thời điểm ông hoạt động như một nhà đầu tư dài hạn theo xu hướng nhưng phần lớn những thương vụ thành công gây tiếng vang lớn của ông đều là các thương vụ đầu cơ ngắn hạn. Do đó, người ta biết đến George Soros là một speculator hơn là một investor với phương pháp đặt cược vốn lớn kèm đòn bẩy cao vào hướng đi của thị trường tài chính.
Một trong những chiến lược mà ông áp dụng thành công nhất cho các quỹ phòng hộ của mình chính là chiến lược vĩ mô toàn cầu.
Chiến lược vĩ mô toàn cầu là một phương pháp đầu tư tập trung vào việc đặt cược một chiều, với khối lượng lớn vào các tài sản tài chính khác nhau, chẳng hạn như tỷ giá tiền tệ, giá hàng hóa, cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ phái sinh dựa trên phân tích kinh tế vĩ mô. Trong đó, phân tích kinh tế vĩ mô tập trung vào ba yếu tố chính: sản lượng quốc gia (được đo bằng tổng sản phẩm quốc nội – GDP), tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát.
Theo chiến lược vĩ mô toàn cầu, George Soros nói – “mục tiêu là thúc đẩy các xu hướng kinh tế có tiền đề sai và rời bỏ nó trước khi nó bị mất uy tín.” Và đó cũng là cách mà ông đã áp dụng vào thương vụ đánh sập Ngân hàng Anh.
Một trong những triết lý quan trọng nhất đằng sau chiến lược vĩ mô toàn cầu mà George Soros đề cập đến chính là tính phản xạ.
Ông cho rằng con người có thể tác động đến nền kinh tế, chẳng hạn như in thêm tiền hoặc tạo ra máy móc nhưng ông cũng tin chắc rằng con người không bao giờ có thể nhận thức đầy đủ thực tế, do đó hành động của họ luôn có tính thiên vị theo cách này hay cách khác. Kết quả là hành vi của họ trên thị trường sẽ khiến thực tế mang tính chủ quan của họ bị lệch hướng khỏi thực tế khách quan.
Chúng ta có thể lấy ví dụ về thị trường nhà đất. Khi việc cho vay tiền trở nên dễ dàng hơn, thì sẽ có nhiều người vay tiền hơn. Với tiền trong tay, những người này sẽ mua nhà, dẫn đến nhu cầu về nhà tăng lên. Nhu cầu tăng dẫn đến giá cả tăng. Giá cao hơn khuyến khích người cho vay cho vay nhiều tiền hơn. Người đi vay có nhiều tiền hơn trong tay dẫn đến nhu cầu mua nhà tăng lên. Điều này lặp đi lặp lại tạo nên một chu kỳ xoắn ốc đi lên, dẫn đến giá nhà đất vượt xa mức hợp lý theo các nguyên tắc kinh tế cơ bản, tạo nên sự bùng nổ. Và chắc chắn theo sau sự bùng nổ đó là một sự phá sản mang lại cơ hội tuyệt vời cho các nhà đầu cơ.
4 nguyên tắc giao dịch luôn được thực hiện trong các chiến lược đầu tư của George Soros
Nguyên tắc 1: Áp dụng phương pháp khoa học
George Soros áp dụng các phương pháp khoa học để nghiên cứu thị trường. Ông dùng dữ liệu thị trường hiện tại và yếu tố xác suất để xây dựng một chiến lược theo dõi những gì sẽ xảy ra trên thị trường tài chính. Sau đó kiểm tra lý thuyết của mình với một khoản đầu tư nhỏ hơn trước và nếu lý thuyết đó có khả năng thành công cao, ông sẽ tăng khoản đầu tư của mình lên.
Nguyên tắc 2: Dấu hiệu thể chất
Ông ấy cũng lắng nghe cơ thể mình khi đưa ra quyết định đầu tư. Ví dụ, một cơn đau đầu hoặc đau lưng có thể đủ để ông từ bỏ một cơ hội đầu tư.
Nguyên tắc 3: Kết hợp sự nhạy bén chính trị với sự nhạy bén trong đầu tư
George Soros kết hợp kiến thức về chính trị của mình trong phân tích thị trường. Ông đã thực hiện thành công nguyên tắc này trong thương vụ đánh sập Ngân hàng Anh của mình.
Nguyên tắc 4: Đọc và suy ngẫm
George Soros có một số cố vấn/nhà phân tích mà ông sẽ trao đổi với họ khi muốn đưa ra các quyết định đầu tư lớn. Trong các buổi thảo luận với nhóm các nhà phân tích của mình, ông luôn tìm kiếm ít nhất một quan điểm trái ngược với chiến lược của mình, sau đó sẽ dành thời gian “để đọc và suy ngẫm” trước khi chính thức thực hiện nó.
Một nhà đầu tư mới có thể học được gì từ phong cách và triết lý đầu tư của George Soros?
Giao dịch như George Soros không dành cho người yếu tim hay “nhẹ ví”. Nhược điểm lớn nhất trong phong cách đầu tư của ông là đặt cược lớn và phải chấp nhận thua đậm. Nếu bạn không thể chấp nhận thua lỗ, bạn không thể đánh cược như George Soros.
Tuy nhiên, những gì mà George Soros đã làm được để lại cho chúng ta rất nhiều bài học quý giá mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể áp dụng vào sự nghiệp của mình.
Xác định những gì phù hợp với bạn
George Soros không ép mình phải tuân thủ các quy tắc đầu tư cổ điển về tầm nhìn dài hạn hay đa dạng hóa danh mục. Thay vào đó, ông thường tận dụng các biến động bất ngờ từ một loại tài sản nhất định để đặt cược lớn và thu về lợi nhuận khổng lồ trong thời gian ngắn.
Sẽ rất khó để bắt chước phong cách đầu tư của ông, mà thay vào đó hãy tập trung vào điểm mạnh của bạn. Bạn sẽ chỉ làm tốt nhất với những gì mình giỏi nhất.
Cảnh giác với những sai lầm kinh tế và khai thác chúng
George Soros đã phá vỡ Ngân hàng Anh bằng cách lợi dụng một sai lầm kinh tế. Điều này cho thấy rằng bạn cần phải luôn đề phòng các cơ hội.
Tất nhiên chúng ta sẽ chẳng thể mong chờ đánh sập một ngân hàng nào đó như ông, nhưng chiến lược vĩ mô toàn cầu và triết lý đằng sau nó có thể được áp dụng trên các loại tài sản tài chính khác như cổ phiếu hoặc trái phiếu. Chẳng hạn như các công ty thường thể hiện những hành vi phi lý của mình như vay thêm tiền để tài trợ cho một dự án rủi ro. Điều này cho thấy tương lai không mấy khả quan về kết quả của dự án. Để tận dụng cơ hội này, bạn có thể bán khống cổ phiếu của công ty bằng cách mua quyền chọn bán.
Đừng sợ mạo hiểm
Nhiều người nghĩ rằng để thành công phải chơi an toàn. Nhưng George Soros đã cho chúng ta thấy, đôi khi phần thưởng quan trọng nhất đến từ việc chấp nhận rủi ro.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa rằng bạn sẽ đưa ra các quyết định bất cẩn mà hãy cân nhắc cẩn thận và đừng ngại nắm bắt cơ hội khi chúng đến với bạn.
Suy nghĩ độc lập
Trong đầu tư, có rất nhiều áp lực phải tuân theo đám đông. Nhưng đôi khi những vụ đầu tư thành công nhất lại là những vụ đầu tư đi ngược lại xu thế. Một quyết định bơi ngược dòng có thể sẽ khó khăn, nhưng điều quan trọng là phải suy nghĩ độc lập và đưa ra quyết định dựa trên phân tích và nghiên cứu của riêng bạn.
George Soros đã nói “Đưa ra quyết định đầu tư giống như xây dựng một giả thuyết khoa học và đưa nó vào thử nghiệm thực tế.” Điều này có nghĩa là bạn phải luôn sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng độc lập của mình và xem liệu chúng có phù hợp với thế giới thực hay không.
Sẵn sàng hành động nhanh chóng
George Soros nổi tiếng là người có thể đưa ra quyết định nhanh chóng. Cơ hội đầu tư có thể đến và đi trong chớp mắt. Vì vậy, điều cần thiết là phải hành động nhanh chóng khi có cơ hội.
George Soros là tượng đài lớn trong giới đầu tư toàn cầu, ông đã kiếm được hàng tỷ đô la bằng cách chấp nhận rủi ro và suy nghĩ độc lập. Những bài học, kinh nghiệm từ phong cách và triết lý đầu tư của George Soros sẽ không thể biến bạn thành một George Soros thứ hai nhưng chúng sẽ giúp cho sự nghiệp đầu tư của bạn đạt được nhiều thành tựu hơn mong đợi.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.